THIỆN TÂM – BẤT THIỆN TÂM
Khi hành thiền, chúng ta nên hiểu rằng, trong quá khứ mình đã tạo nhiều bất thiện pháp, những bất thiện pháp này là tài sản đi theo chúng ta. Vì vậy, khi thực hành sẽ có những phiền não sinh khởi và quấy phá chúng ta. Chúng ta phải hiểu rằng đó là quả của nghiệp quá khứ và phải chấp nhận quả này. Nguyên nhân khác nữa là nơi chốn. Khi hành thiền, chúng ta không nên để ý đến nơi chốn mình đang thực hành vì khi để ý đến nơi chốn, tâm sẽ dính mắc vào đó và bị nhiễu loạn. Với chánh niệm đúng đắn, chúng ta có thể thoát khỏi dính mắc vào nơi chốn đó. Tại giây phút chánh niệm, chúng ta không có sự dính mắc ở khoảnh khắc đó, nhưng khi chúng ta không có hiểu biết, dính mắc sẽ xuất hiện. Khi có hiểu biết, sự dính mắc về thời gian, nơi chốn được buông bỏ.
Trước khi chúng ta làm việc thiện như bố thí, giữ giới hay hành thiền mà không có hiểu biết, việc làm đó cũng không đem lại kết quả tốt đẹp bởi không có sự hiểu biết trong đó. Hiện tại đang làm thiện, chúng ta hiểu chắc chắn rằng nó sẽ đưa đến kết quả thiện; nếu làm bất thiện, tương lai sẽ cho ra quả bất thiện. Khi ở thiền viện là lúc chúng ta làm được rất nhiều việc thiện, bởi ở đó có môi trường giúp chúng ta phát triển thiện tâm của mình, chính là sự hiểu biết đúng. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có những bất thiện tâm sinh khởi, lúc đó nên hiểu rằng, chúng ta đã tạo bất thiện trong quá khứ; do vậy, phải gặp quả bất thiện ở hiện tại, dù hiện tại chúng ta không tạo nhân bất thiện nữa. Chúng ta phải chấp nhận điều này.
Hiện tại chúng ta làm những việc thiện hay bất thiện thì tương lai sẽ cho ra quả thiện hay bất thiện tương ứng khi hợp thời. Có nhiều thiện tâm thì bất thiện tâm sẽ ít dần đi. Nếu thấy có nhiều quả bất thiện đến với mình, chúng ta phải hiểu rằng những nhân bất thiện đang được vơi dần, vì vậy hãy vui mừng với điều đó. Khi hiểu như vậy, tâm sẽ không thối chuyển, không băn khoăn tại sao mình đang làm thiện mà vẫn luôn gặp quả bất thiện. Chúng ta không biết trước được quả nào trổ và trổ lúc nào, có khi là quả thiện, khi là bất thiện. Khi nhân bất thiện của chúng ta mạnh hơn, nhiều hơn nó sẽ trổ quả trước, lúc đó nghiệp bất thiện của chúng ta giảm dần, và rồi nhân thiện nhiều lên sẽ cho ra quả. Vì vậy, khi hành thiền mà có quả thiện hay bất thiện trổ thì chúng ta phải chấp nhận, vì đó là kết quả mà chúng ta đã làm.
Khi chúng ta hiểu sai rằng, tại sao tôi làm thiện mà lại nhận quả bất thiện, trong khi người khác làm bất thiện nhưng nhận quả thiện. Đó là do chúng ta không hiểu về nghiệp và quả của nghiệp nên chúng ta thấy sai và hiểu sai. Nghiệp nào nặng hơn và lớn hơn thì nó sẽ trổ quả trước, vì vậy chúng ta phải thận trọng trong mọi hành động thiện hay bất thiện của mình ở hiện tại. Chúng ta phải thường xuyên quán chiếu, khi làm việc thiện chắc chắn sẽ cho quả thiện, và ngược lại khi làm bất thiện cho quả bất thiện. Phải thường xuyên ghi nhận và quán chiếu tâm mình xem mình đang làm với tâm thiện hay bất thiện như vậy. Cho dù chúng ta có bố thí, giữ giới hay hành thiền, thực hành các phương pháp nhiều như thế nào đi chăng nữa, nhưng nếu vẫn chưa thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, có nghĩa rằng chúng ta vẫn phải cố gắng rất nhiều để có thể đi đến được con đường cuối cùng của mình.
Ở trường thiền Thabarwa, mọi người thực hành với sự hiểu biết chân chánh và luôn luôn nhiệt tâm cố gắng. Dù có bất kỳ điều gì xảy ra với chúng ta như tốt hay xấu, hiểu hay không hiểu, chúng ta vẫn phải thận trọng và để ý đến tâm mình. Vì “cái này có thì cái kia có”. Không có cái gì thường hằng, phải hiểu rằng cái này sinh lên rồi diệt đi, cái khác cũng vậy. Chúng ta phải tự thực hành những việc thiện cho chính mình, và cũng cần hướng đến những người khác. Chúng ta phải cố gắng làm liên tục với tâm không dính mắc, hay nói cách khác cần làm với một tâm buông bỏ và có sự hiểu biết đúng đắn. Khi làm bất kỳ việc gì mà có sự hiểu biết thì sẽ không bị dính mắc vào những việc mình làm. Dù là việc làm liên quan đến hiệp thế hay siêu thế, chúng ta cũng phải luôn nhớ là làm với chánh kiến; không làm với tà kiến cho rằng có người này, người kia, người này chức vụ cao, người kia chức vụ thấp, việc này, việc kia, v.v…
Tài sản của chúng ta là những nghiệp thiện và nghiệp bất thiện. Quả bất thiện sinh khởi, cần hiểu rằng đó là kết quả của việc làm bất thiện mà chính chúng ta đã tạo trong quá khứ. Nó cũng đúng với quả thiện. Nếu ai đó cần được giúp đỡ, hãy giúp họ. Chúng ta làm và học cách buông bỏ vì nó cần thiết cho chúng ta. Khi làm bất cứ việc gì với tâm thiện như bố thí, giữ giới và hành thiền, nó sẽ trổ quả vô cùng lợi lạc đối với chúng ta. Hãy lưu ý với mỗi việc mình làm xem đó là thiện hay bất thiện. Bởi nó chưa trổ quả ngay lúc chúng ta làm, khi chín muồi mới cho ra quả dị thục (quả trổ vào bất kỳ lúc nào – dị thục, không thể biết trước được, nhưng chắc chắn sẽ cho quả). Thế nên những hành động thiện hay bất thiện chúng ta đã làm, không phải nó không trổ quả, mà do chưa chín muồi mà thôi. Vì vậy, phải hết sức thận trong suy xét trong khi làm bất kỳ công việc gì.
Tôi mua đất, xây nhà cho mọi người ở, khi đó tôi làm với tâm buông bỏ, không có sự dính mắc, chỉ làm mà thôi, chỉ sử dụng mà thôi, và chỉ để kinh nghiệm mà thôi. Khi tôi làm nhiều nhà cho mọi người và nó trở thành thói quen, tôi không gặp khó khăn về nơi ở dù đi đến đâu. Nhưng chúng ta cũng phải thận trọng vì quả trổ như thế nào chúng ta cũng không biết được, lúc thuận lợi, lúc không thuận lợi. Không chỉ đối với riêng tôi, tất cả mọi người đều phải thực hành để kinh nghiệm và có được những hiểu biết đúng đắn. Hành thiền hay nghe pháp chúng ta đều làm với sự không dính mắc. Tọa thiền chúng ta ngồi thẳng lưng, cổ, mắt nhắm lại và theo dõi hơi thở, nhắc nhở mình rằng không có bất kỳ cái gì, bất kỳ điều gì là của tôi, của ta. Phải quán chiếu với sự không dính mắc và buông bỏ của mình. Lúc này, chúng ta đang lắng nghe pháp, chúng ta nghe thận trọng, đừng để bị dính mắc. Làm việc gì cũng thận trọng và chánh niệm, chúng ta sẽ có sự hiểu biết đúng, khi đó chúng ta mới thực sự buông bỏ được. Khi làm các việc phước thiện, chúng ta cần để tâm trên những hành động đó, khi đó chúng ta sẽ hiểu được những hành động chúng ta đang làm.
Không phải do sự lưu tâm chúng ta mới không dính mắc, mà do sự hiểu biết đúng đắn được huân tập nhiều, như vậy chúng ta mới có thể buông bỏ được. Không phải muốn buông bỏ là có thể buông bỏ mà cần phải được huân tập rất nhiều lần. Nếu đã biết cách làm thế nào để không còn dính mắc thì đó không còn là vấn đề nữa, mà ở đây chúng ta học cách buông bỏ, không dính mắc. Bởi vậy chúng ta cần nỗ lực rất nhiều. Không nên nghĩ khi nào mình hết dính mắc và ở đâu, khi nào buông bỏ được. Những điều này không ai biết trước được, chúng ta cứ làm và nỗ lực thôi, khi nào có hiểu biết thì buông bỏ sẽ có mặt.”
Thiền sư Ottamathara
16/01/2016, thiền viện Phước Sơn, Việt Nam
Xin cảm ơn quý đạo hữu đã thực hiện bản dịch
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara