SỰ THỰC HÀNH CHÁNH NIỆM

Khi chúng ta ngồi thiền thì lưng và cổ thẳng, thân và tâm thư giãn, giữ cho thân không ngả về trước hay nghiêng về sau. Thư giãn tâm và thư giãn những sợi cơ trong cơ thể. Chúng ta nhắm mắt lại, ngay bây giờ, tại thời điểm này, ngay tại nơi đây, tất cả thiền sinh đang cùng nhau thực hành và có hiểu biết giống nhau trong sự thực hành của mình. Điều cần thiết là chúng ta luôn cẩn trọng thực hành dù ở đâu, vào lúc nào chứ không phải là ở nơi mình muốn ở hay thời điểm mình thích làm.

Là một thiền sinh chúng ta luôn nhiệt tâm thực hành dù ở đâu hay trong thời gian nào, luôn để tâm đến việc thực hành. Đây là điều rất quan trọng mà ta cần cố gắng để hiểu. Thực hành pháp thì sự hiểu biết đúng rất quan trọng. Khi chúng ta thực hành mà không có sự hiểu biết đúng đắn thì sẽ không cho ra kết quả tốt đẹp. Chỉ khi nào chúng ta để tâm cẩn trọng trên hành động và sự thực hành của mình thì sự thực hành mới đem lại hiểu biết cho chúng ta. Khi đó, nhiều lời ích tốt đẹp sẽ đến với ta. Ngược lại, thất niệm trong mọi việc làm hay trong thực hành sẽ không có nhiều kết quả hoặc không có lợi ích do hiểu sai.

Trong khóa thiền này, có thiền sinh cũ và thiền sinh mới. Tuy nhiên, cũng có những người đã kinh nghiệm và hiểu được Pháp. Ở đây, có nhiều thiền sinh với mức trí tuệ khác nhau tùy theo kinh nghiệm, sự hiểu biết cũng như sự thực hành của từng người. Cũng như những vị thầy đã đến đây để chia sẻ, sau khi thực hành chúng ta cũng có thể chia sẻ lại cho những người cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

Không phải chúng ta muốn làm gì thì làm, mà khi có chánh niệm thì tuệ giác sanh khởi, chúng ta biết được những gì chúng ta làm, cẩn trọng trong khi hành động. Không phải khi chúng ta làm bất kỳ điều gì mà không có sự hay biết. Ở đây có người cũ, người mới, người ngoại quốc, có thầy và trò cùng thực hành. Từ mọi miền, chúng ta tề tựu về thiền viện Phước Sơn để cùng nhau hành thiền. Điều quan trọng là chúng ta cố gắng thực hành theo chỉ dẫn. Khi chúng ta thực sự nhiệt tâm thực hành, lúc đó mới được gọi là thiền sinh. Nếu mang danh là thiền sinh mà không thực hành thì đây chỉ là tên gọi thôi. Thực hành đúng với cái hiểu đúng là điều cần thiết. Kết quả tốt đẹp sẽ đến với mỗi chúng ta khi có sự cẩn trọng trong mọi việc làm. Hiểu biết đúng là chỉ làm mà không có người làm, chỉ sử dụng mà không có người sử dụng. Hiểu biết đúng này đem lại lợi ích tốt đẹp cho chúng ta.

Có nhiều người tham dự khóa thiền nhưng vẫn chưa hiểu được phương pháp. Khi sự thực hành thiếu đi hiểu biết đúng thì chúng ta sẽ không hiểu được. Thực hành theo phương pháp và hiểu biết đúng, chúng ta sẽ thấy được những gì mình làm. Tất cả cái đó chỉ có sự làm, biết hay không biết, chỉ sử dụng chứ không tìm được “con người” nào trong đó. Ở đây, những thiền sinh cố gắng trong thực hành và có hiểu biết chân chánh sẽ hiểu được lời dạy của tôi. Với nỗ lực và hiểu biết đúng, sẽ có người hiểu được sau khi họ thực hành. Thực hành thì thiền sinh sẽ hiểu được phương pháp của vị thầy hướng dẫn, mình đang làm gì và làm như thế nào. Những người trải qua việc thực tập, hiểu được những gì chưa hiểu, đó là kết quả qua việc thực hành đúng. Để có được hiểu biết đúng này, chúng ta phải nỗ lực rất nhiều khi thực hành.

Bằng chánh niệm, ghi nhận đúng trên đối tượng ta quan sát hay hành động chúng ta làm, kết quả đem đến là chúng ta biết cách thực hành đúng. Chúng ta cùng thực hành như là có những vị thầy và thiền sinh ở đây. Sự tương trợ lẫn nhau, thầy hướng dẫn cho thiền sinh, thiền sinh hỗ trợ qua lại, sự hỗ trợ như vậy sau thời gian thực hành có nhiều chánh niệm, khi có nhiều chánh niệm chúng ta sẽ thấy các pháp đúng đắn. Hiểu biết chân chánh về pháp sẽ đem lại nhiều lợi ích tốt đẹp. Hãy nhớ rằng, tâm luôn cần thư giãn, cơ bắp của thân cũng cần thư giãn.

Lúc ngồi thiền, chúng ta quan sát hơi thở ra vào, không chú ý đến đối tượng bên ngoài, chỉ để tâm trên hơi thở. Quan sát những gì đang sanh khởi trên thân tâm ngay tại giây phút hiện tại. Khi tâm phóng ra bên ngoài, chúng ta phải hay biết và đem tâm trở về quan sát hơi thở.

Chúng ta cố gắng chánh niệm liên tục trên đối tượng, không gián đoạn. Khi thận trọng, chánh niệm sẽ có mặt. Trong lúc tọa thiền, chúng ta quan sát, ghi nhận những gì đang xảy ra trên thân tâm mình. Nếu tâm luôn duy trì ghi nhận đối tượng, chúng ta sẽ có chánh niệm. Khi chánh niệm được thiết lập, chúng ta sẽ hay biết những việc mình đang làm và không suy nghĩ lan man. Ghi nhận đúng chúng ta sẽ luôn hay biết cái gì đang sanh khởi trên thân tâm mình. Và điều quan trọng cần ghi nhớ là những gì đang sanh khởi ta phải quan sát và ghi nhận khi nó đang xảy ra.

Hội chúng ở đây có người già, người trẻ, kẻ khỏe mạnh, người ốm đau, người giàu, người nghèo. Tất cả những điều này đều không quan trọng, và chúng ta cũng không cần thiết phải dính mắc vào đó. Chúng ta chỉ chú ý đến những gì đang xảy ra trong thân tâm mà thôi. Đừng dính mắc vào tuổi tác, sức khỏe,… Duy duy trì sự hay biết trên hơi thở, đừng chú ý đến những thứ bên ngoài thân tâm. Chỉ quan sát những hiện tượng thân tâm của chúng ta, luôn có sự hay biết. Như vậy, chánh niệm sẽ dần được vun bồi lớn mạnh. Tỉnh thức và hay biết những gì đang xảy ra trên thân tâm trong hiện tại. Và để tâm, cẩn trọng trong mọi hành động khi chúng ta làm. Quan sát đúng là quan sát ở hiện tại với những gì sanh khởi trên thân tâm.

Khi thực hành Tứ Niệm Xứ, chúng ta cố gắng chánh niệm, tỉnh giác trên tất cả các niệm xứ thì hiểu biết sẽ đến. Và có hiểu biết chúng ta sẽ không còn dính mắc trong bất kỳ việc gì mà chúng ta làm nữa. Khi cùng tu tập chánh niệm thì sự hiểu biết của chúng ta sẽ giống nhau. Hiểu hay không hiểu chúng ta cũng chỉ hay biết như vậy và không dính mắc đến. Mỗi hành động, dù là nhỏ, nếu chúng ta thận trọng quan sát thì sẽ có hiểu biết đúng. Điều quan trọng là quan sát phải ở tại khoảnh khắc hiện tại, các hiện tượng sanh diệt như nào thì hay biết đúng như thế.

Thực hành chánh niệm đem đến hiểu biết chân chánh, những gì đanh sanh khởi thì quan sát, hay biết đúng với bản chất của nó. Với sự cố gắng trong chánh niệm và cẩn trọng trong thực hành, chúng ta sẽ có hiểu biết đúng. Thực hành đúng thì sự cẩn trọng trong hành động, hiểu biết đúng cũng sanh khởi. Điều quan trọng là khi làm việc gì thì chúng ta không dính mắc vào việc làm đó. Với hiểu biết đúng, chúng ta chỉ thấy có danh và sắc, đó là những pháp thật sự. Cũng với hiểu biết đúng, chúng ta không chấp chặt “tôi làm”, chỉ thấy có tiến trình sanh diệt của danh và sắc hay pháp chân đế.

Mọi hành động, hiểu biết không phải để dính mắc chỉ để hay biết, chỉ để hành động. Không có “con người”, chỉ có danh và sắc là những sự thật đang liên tục sanh diệt. Muốn làm điều gì thì ở đó có mong muốn, khi không có hiểu biết sẽ có khái niệm “tôi hiểu biết”, tức là đã có “tự ngã” ở đây. Bất kỳ hành động nào mà mình làm vì mình thích, vì mình muốn mà không xuất phát từ hiểu biết đúng thì sẽ có chấp ngã “tôi làm, tôi biết, tôi kinh nghiệm”. Với hiểu biết sai như vậy ta đã chấp dính vào tự ngã hay cái tôi. Chánh niệm đi cùng hiểu biết chân chánh, chúng ta sẽ không bị dính mắc vào “tôi làm, tôi kinh nghiệm”, chỉ có sự làm hay kinh nghiệm, không có “tôi” trong đó.

Thiền sinh tham gia hành thiền, tuy nhiên vẫn chưa thể gọi là thực hành Vipassana. Chỉ khi nào chúng ta sử dụng phương pháp, thực hành theo phương pháp, không bị dính mắc trong phương pháp, hiểu rằng không có tự ngã nào, lúc đó mới thực sự là Vipassana. Cuối cùng, dù thực hành bao lâu đi nữa, ở bất kỳ đâu, thời gian nào, nhưng không bị dính mắc vào thời gian, nơi chốn, khi đó mới là sự thực hành có hiểu biết đúng.

Có rất nhiều trường thiền và phương pháp khác nhau, thời gian thực hành như 1 tiếng, 2 tiếng, 12 tiếng, 24 tiếng. Trong suốt 24 tiếng như vậy, từ sáng đến tối cho suốt cả đêm đều hành thiền. Có người ăn sáng và trưa xong rồi thực hành, cũng có người không dùng vật thực, chỉ uống nước thôi và thực hành. Khi không chịu ngồi lâu được, chúng ta chỉ làm những gì mình thích, mình muốn mà không làm theo những gì được hướng dẫn. Như vậy là đang dính mắc vào sự thích. Không có sự thận trọng trong từng hành động mình làm thì tất cả việc chúng ta làm đều là sai. Khi không có dính mắc thì chúng ta vẫn thực hành tốt cho dù đó là phương pháp nào, ở nơi đâu, vào thời gian nào đi nữa.

Thiền sư Sayadaw Ashin Ottamathara

Pháp thoại 2016 – Sự thực hành chánh niệm
Thiền viện Phước Sơn – Việt Nam – 19/01/2016
Phật tử Lan Nanika dịch
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app