PHƯƠNG CHÂM THỰC HÀNH CỦA THABARWA
Khi bạn làm thiện pháp hay hành thiền ở trung tâm Thabarwa, bạn có thể gặp vài vấn đề với những tình nguyện viên hay thiền sinh khác. Nguyên nhân của những trở ngại đó là gì? Chắc chắn là vì cái hiểu sai nên bạn gặp loại vấn đề này. Nếu không biết nguyên nhân, chúng ta không thể giải quyết vấn đề. Hầu hết thiền sinh hay tình nguyện viên đã rời đi vì những trở ngại như thế, vì mối quan hệ giữa con người mà ta đối mặt hàng ngày, chứ không phải vì tính chất công việc họ đang làm hay vì khó khăn khi hành thiền. Tôi thành lập trung tâm thiền này từ 2007 cho tất cả mọi người, do đó tôi có nhiều kinh nghiệm về những vấn đề giữa các tình nguyện viên, các thiền sinh và các thí chủ. Hành động thiện là rất tốt nhưng người thực hành thiện pháp và người hành thiền không hẳn hoàn hảo; sẽ có những tranh cãi giữa họ. Quay lại câu hỏiở trên, câu trả lời là vì chúng ta không chấp nhận lỗi lầm, hành động sai, lời nói sai, ý kiến sai hay không chấp nhận người khác. Không chấp nhận được cái sai, cái xấu, cái dở chính là điểm yếu của chúng ta. Thực sự thì lỗi lầm lúc nào cũng có thể xảy ra trong các hành động về thân – khẩu – ý. Nếu không hành thiền, chúng ta sẽ không chấp nhận được lí lẽ này. Chỉ khi hành thiền nghiêm túc, chúng ta mới có thể chấp nhận việc phạm sai lầm là điều tự nhiên của chúng sanh. Chúng ta phải nhìn nhận theo khía cạnh nhân quả. Không có ai hay điều gì đang làm nên sai lầm; có việc làm đúng, lời nói đúng và góc nhìn đúng nhưng không có ai đó hay điều gì đó đang làm nên cái đúng đó. Hành động có đúng có sai, và kết quả có tốt có xấu. Đây là chánh kiến. Hầu hết mọi người không chấp nhận lí lẽ này. Hầu hết mọi người chỉ chấp nhận cái tốt mà không chấp nhận cái xấu; đó là lí do chúng ta mắc phải oan trái lẫn nhau. Chúng ta có thể dễ duôi cho những sai lầm do mình tạo ra nhưng lại khó tha thứ những sai lầm do người khác làm. Chúng ta thường quen buộc tội người này xấu, việc kia sai. Thực ra, ai cũng như ai, hành xử như nhau cả. Sự thật là không ai cả, không cái gì cả, chỉ có nhân và quả của tự nhiên vô thường.
Nếu chúng ta nhìn nhận theo luật nhân quả của tự nhiên vô thường, chúng ta không cần nhấn mạnh vào con người, sự vật, thời gian và không gian hữu hạn. “Ngày hôm nay” là thời điểm hữu hạn, “trung tâm thiền này” là không gian hữu hạn, “mỗi người” là một cá thể hữu hạn. Tất cả những điều dó chỉ là Sự thật ngụy tạo (Tục đế), không được nắm giữ như chúng có thật, như là ai đó, cái gì đó. Sự thật, ta không nên lưu giữ bất cứ gì trong tâm. Chúng ta có thể sử dụng ý niệm về ai đó, cái gì đó nhưng hãy chỉ-sử-dụng-mà-thôi, không chấp giữ trong tâm. Giống như khi ta cần phương tiện di chuyển thì ta thuê một chiếc taxi, khi ta dùng xong thì ta trả lại cho chủ sở hữu. Đây là chỉ-sử-dụng-mà-thôi, không giữ trong tâm như thể đó là vật sở hữu của mình. Chúng ta luôn dùng những ý niệm về chúng sinh vô tình và chúng sinh hữu tình với vô minh và dính mắc. Oan trái của chúng sanh nảy sinh từ vô minh và dính mắc. Chúng ta cần thay đổi từ vô minh và dính mắc sang chánh niệm và xả ly. Trên thế gian, không gì là trọn vẹn, không ai là hoàn hảo vì chúng sinh hữu tình và chúng sinh vô tình được tạo ra với sự dính mắc. Dính mắc trong tâm hình thành bởi những trải nghiệm trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Vì sự không trọn vẹn của vô minh và dính mắc, không có chúng sinh hữu tình hay vô tình nào hoàn hảo cả. Đó là lí do ta đang làm cả việc thiện và bất thiện, cả hành động đúng và sai thông qua thân và tâm.
Chúng ta thường nghĩ bản thân là tốt đẹp, chúng ta là đặc biệt. Chúng ta thường có cái nhìn sai và cái hiểu sai. Thiền tập sẽ thay đổi góc nhìn của chúng ta để biết chấp nhận cả nhân tốt – quả tốt, nhân xấu – quả xấu. Nếu chúng ta có thể chấp nhận bản chất tự nhiên này, chúng ta sẽ không còn oan trái lẫn nhau. Nguyên nhân của các vấn đề giữa các chúng sanh, giữa tình nguyện viên, thiền sinh và thí chủ là vì tự gây ra khổ não cho nhau. Chúng ta sẽ phải trải nghiệm những điều tương tự như điều ta đã làm trong quá khứ. Nhân và quả có thể không hiển hiện cùng lúc. Nếu ai đó có vấn đề với ta, chắc chắn là ta đã phạm sai lầm với ai khác trong quá khứ, đó là ta đang trả quả cho các nhân bất thiện trong quá khứ. Tương tự, với những việc ta làm trong hiện tại, chắc chắn sẽ nhận lại quả trong tương lai. Ta không nên nhấn mạnh người này hay người kia, mà chỉ nên nhấn mạnh nguyên nhân và kết quả. Luật nhân quả là bản chất của tự nhiên nên sẽ trọn vẹn có vay có trả, ta sẽ nhận lại những nghiệp quả của mình khi hội đủ nhân duyên về thời gian, nơi chốn, tình huống và con người.. Bởi vậy, hãy chịu đựng hay tha thứ lỗi lầm của người khác để hoàn trả lỗi lầm ta gây ra trong quá khứ. Nếu chúng ta không thể chịu đựng hay tha thứ, chắc chắn thiện pháp ta làm sẽ không được thành tựu. Thông qua việc này ta cũng có thể giảm bớt những nghiệp xấu mà mình đã gây ra bằng các bất thiện pháp và hành vi sai trái. Khi năng lượng của nghiệp xấu yếu đi, sự thực hành thiện pháp của chúng ta sẽ được thành tựu trong tương lai. Nhiều cá nhân và tổ chức đang làm việc thiện nhưng không phải tất cả đều thành tựu, vì họ phải hoàn trả những sai lầm mắc phải trong quá khứ. Đối với trung tâm Thabarwa, chúng tôi đã và đang làm nhiều loại thiện pháp, chúng tôi đã và đang thành tựu khi hội đủ nhân duyên. Hầu hết mọi người trong xã hội nhấn mạnh vay trả tiền bạc, họ hiếm khi nghĩ đến chuyện chuyển hóa nghiệp bất thiện họ mắc phải với người khác. Tôi đã từng giúp đỡ nhiều người không còn hi vọng; chủ yếu là những người già yếu, chắc hẳn là họ không thể đáp đền cho tôi. Nhưng tôi thì hiểu rằng khi tôi giúp đỡ ai đó, tôi sẽ có cơ hội tiếp xúc với những người có thiện tâm khác. Ngoài ra, khi tôi giúp đỡ người khác, lại có những người giúp đỡ chính tôi. Tôi sẽ không nhận lại sự giúp đỡ từ người mình giúp mà nhận lại những gì mình đã cho đi.
Ở Thabarwa, chúng tôi giúp đỡ người già và người bệnh, cùng chung tay như một tổ chức, thế nên chúng tôi không gặp khó khăn về vật thực, nhân lực hay điều kiện y tế. Ở trung tâm này, có nhiều người tình nguyện hỗ trợ người khác nhưng cũng có nhiều người không làm gì, có người hành thiền và không hành thiền, do đó kết quả mỗi cá nhân là khác nhau. Sự thật thì chúng ta sẽ nhận lại những gì mình cho đi và không nhận được những gì mình không cho đi. Nếu không chia sẻ những hiểu biết về Sự thật như thế này, chúng ta sẽ khó để hiểu được Sự thật. Nhờ việc đang làm ở đây chúng ta có thể hiểu về Sự Thật nhiều hơn. Chúng ta cần thực hành mọi loại thiện pháp. Bên cạnh đó, chúng ta cần chia sẻ kinh nghiệm đó cho người khác. Nhờ vậy, chúng ta luôn được hiểu nhiều hơn. Có nhiều trung tâm Thabarwa khắp đất nước Myanmar và trên toàn cầu vì chúng tôi chia sẻ những gì mình có: đất đai, nhà cửa, vật thực,… Chúng tôi làm việc không vì bản thân mà vì người khác; đó là lí do chúng tôi nhận lại được nhiều thứ. Nếu không giúp đỡ ai đó vì nghi ngờ họ sẽ không giúp lại chúng ta, đó là cái nhìn sai và hành động sai. Nếu không giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ không nhận được giúp đỡ từ người khác. Trao đi càng nhiều, nhận lại càng nhiều. Chúng ta không nên nhấn mạnh vào ý niệm về ai đó, hãy cố gắng xả ly. Đây là nhân và quả. Nếu chúng ta làm tốt, hành động này sẽ mang lại quả tốt trong tương lai, chắc chắn là vậy, vào đúng thời điểm, đúng nơi chốn và nhân duyên phù hợp. Do đó, khi làm thiện pháp, chúng ta nên cố gắng đừng chấp giữ vào thời gian, nơi chốn, tình huống hay con người. Cũng không nên nhấn mạnh việc bản thân có muốn làm hay không, hiểu hay không; chúng ta cần làm thiện pháp mà không nghĩ đến ai đó hay cái gì đó. Trung tâm này mở cửa toàn thời gian, đó là cách sử dụng thời gian không giới hạn. Bằng cách này, chúng ta chắc chắn nhận quả tốt bất cứ lúc nào. Nếu chúng ta giúp người mà không quan trọng tuổi tác, giới tính, quốc tịch, tôn giáo, học vấn, chúng ta sẽ nhận quả tốt từ tất cả mọi người. Đây là cách làm thiện pháp cùng nhau không giới hạn.
Tôi thuyết pháp liên tục từ khi xuất gia đến nay đã hơn 17 năm. Do đó tôi hiểu nhiều hơn. Là người lãnh đạo hệ thống trung tâm Thabarwa, tôi đã từng nhận nhiều lời phàn nàn từ thiền sinh và tình nguyện viên; họ yêu cầu tôi răn đe những người làm việc xấu. Nhưng tôi thường giải quyết vấn đề bằng cách giảng giải luật nhân quả. Tôi muốn chúng sanh buông bỏ sự chấp giữ vào ai đó hay cái gì đó. Họ hay phàn nàn về người này, việc kia. Thực tế có rất nhiều người bất hảo và rất nhiều sự bất như ý. Bởi vì dính mắc vào người nào đó, việc gì đó; chúng ta chỉ giải quyết được vấn đề của riêng người đó và riêng việc đó. Đó là làm với vô minh và dính mắc. Hệ thống tư pháp cũng không thể nào giải quyết hết được những vấn đề của chúng sanh; vô minh và dính mắc không thể được giải quyết bởi luật pháp và các quy định. Luật tự nhiên luôn vận hành một cách công bằng và chắc chắn. Bạn không thể thay đổi luật tự nhiên nên hãy cố gắng thực hành và chứng nghiệm. Chúng ta nên thực hành luật tự nhiên một cách đúng đắn và chỉ-để-sử-dụng-mà-thôi. Là người lãnh đạo một tổ chức, tôi đã và đang giao tế với nhiều tổ chức khác và nhiều người hảo và bất hảo, cùng nhiều việc thiện và bất thiện. Nếu chỉ nhắm vào giải quyết một ai đó hay một việc gì đó thì tôi không còn khách quan. Tôi sẽ không ban ra hình phạt lên người khác. Sự thật là, thời gian và thời tiết có tương tác lên con người. Thời tiết không ôn hòa, tâm không an ổn, các hành vi bất thiện dễ khởi sinh. Khi thời tiết thay đổi, thời gian thay đổi, chắc chắn kết quả sẽ khác. Chúng ta chỉ cần hiểu, không cần làm gì cả. Chỉ cần hiểu luật nhân quả và thực hành thiện pháp liên tục, kham nhẫn với những kết quả bất như ý. Nếu làm thiện pháp, ta chắc chắn sẽ có thể buông bỏ được nhiều thứ, thậm chí là kiếp sống này. Còn nếu không làm thiện pháp thì ta sẽ không xả ly được khỏi ý niệm về ai đó, cái gì đó…
Tôi đã và đang hỗ trợ không chỉ thiền sinh mà còn người già, người bệnh, bệnh nhân tâm thần trong xã hội. Đó là tại sao tôi nhận được hỗ trợ từ người già và bệnh nhân trên khắp thế giới. Bằng cách này, tôi có thể làm thiện pháp không giới hạn. Hiện nay, rất nhiều tình nguyện viên quốc tế đang làm thiện pháp và hành thiền tại trung tâm Thabarwa ở Thanlyin. Đó là nhân, quả gặt lại cũng sẽ tương tự như thế. Bởi vì hành động giúp đỡ người khác, giúp đỡ những người ngoại quốc mà ở đây là người Miến Điện, bạn chắc chắn sẽ được giúp đỡ khi cần từ người ngoại quốc, hoặc khi bạn mở trung tâm thiền ở đất nước mình. Nhân nào quả nấy. Nếu bạn giúp đỡ người khác lâu dài thì bạn sẽ nhận được sự trợ giúp trong thời gian dài. Bạn tạo ra tương lai của bạn bằng những thiện pháp như thế đấy. Đây là xây dựng thiện nghiệp cùng nhau. Ví dụ như vị tu nữ người Ý – Sayalay Khema Cari, cô là một công dân Châu Âu sang Miến Điện hành thiền và làm thiện pháp trong nhiều năm. Giờ đây, khi trung tâm thiền Thabarwa được thành lập ở miền Nam nước Ý, vị tu nữ này đã và đang nhận được hỗ trợ từ tăng đoàn Miến Điện, từ người Âu lẫn người Á. Vị ấy nhận được những gì như chính việc vị ấy từng làm trong quá khứ. Nếu hiện tại ta làm điều bất thiện thì ta sẽ phải nhận lấy quả tương tự trong tương lai.
Thiền sư Ottamathara
06/02/20 – Trung tâm Thabarwa Shwe Chaung, Myanmar
Pháp thoại với Tình nguyện viên Quốc tế
Gary Leung ghi – Kha Nguyen dịch
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara