NGỦ NGHỈ BAO NHIÊU LÀ ĐỦ?
Thưa Sayadaw! Con không có ý định đặt ra câu hỏi nào nhưng con chỉ muốn bạch rằng xin Ngài hãy dành thời gian để nghỉ ngơi. Trông ngài khá mệt mỏi và ngài đừng nên làm việc toàn thời gian như vậy. Đây chỉ là sự mong mỏi nhỏ bé của riêng con xin trình đến Ngài.
Bạn nên tìm hiểu về sự dính mắc và các thói quen, bằng không, sự hiểu biết của bạn vẫn chưa trọn vẹn. Khi thấy biết về sự dính mắc bạn sẽ nhận ra rằng, càng nghỉ ngơi chúng ta càng muốn nghỉ ngơi nhiều hơn. Đây chính là nhân quả. Ngủ nghỉ thì cần thiết nhưng nếu dính mắc vào việc ngủ nghỉ, chúng ta sẽ cho rằng nó quan trọng. Cứ như vậy, chúng ta lãng phí thời gian của mình.
Về thói quen, nếu càng nghỉ ngơi, nghỉ ngơi sẽ trở thành thói quen và chúng ta sẽ thường xuyên có nhu cầu ngủ nghỉ. Thói quen này cũng quan trọng nhưng chúng ta có thể thay đổi. Cần rèn luyện để không ngủ nghỉ một cách chủ động mà hãy ngủ một cách tự nhiên, ngủ như vậy sẽ không để lại các hệ quả thứ phát. Cố tình ngủ nghỉ sẽ biến sự ngủ nghỉ thành thói quen cố hữu, khi đó chúng ta sẽ bị ràng buộc bởi mong muốn được ngủ.
Nếu thấu hiểu bản chất thật sự của thân tâm, chúng ta sẽ có được sức đề kháng tự nhiên trong cả thân và tâm của mình. Ví dụ trong trường hợp ta đang thực hành thiện pháp và dần dần cảm thấy mệt mỏi. Đến một khi thực sự không còn đủ sức, chúng ta sẽ không thể tiếp tục thực hành một cách năng động, tâm dần trở nên thụ động và đưa ta rơi vào trạng thái buồn ngủ, dã dượi. Liên tục thực hành thiện pháp cho đến khi nào thực sự mệt mỏi, không thể tiếp tục, thân và tâm chúng ta sẽ được tự động ngừng lại mọi sự hoạt động. Đây chính là cơ chế ngơi nghỉ một cách tự nhiên mà không gây hại đến đời sống và sức khoẻ chúng ta. Bản chất tự nhiên này hoàn toàn trọn vẹn nhưng chúng ta chỉ thường dựa trên khoa học, thầy thuốc, dược phẩm,… Cứ như vậy, chúng ta đang dần phá huỷ sự an toàn hay sức đề kháng tự nhiên của bản thân bởi nếu chỉ tin vào khoa học rằng phải ngủ 6-8 tiếng mỗi ngày, cũng như phải ăn uống ba bữa một ngày đồng nghĩa với việc chúng ta đang tự phá huỷ cơ chế bảo vệ tự nhiên cũng như sức đề kháng của chính mình. Nếu chánh niệm, chúng ta có thể nhận biết được sự bảo vệ và sức đề kháng của riêng mình. Thế nhưng, hầu hết mọi người lại bận bịu với việc làm, công tác giáo dục, thể dục thể thao, âm nhạc, chơi game,… nên họ chẳng thể thu thúc tâm ý. Do đó, họ chỉ biết dựa dẫm vào khoa học, y khoa, thuốc thang,… Tôi không chối bỏ khoa học, dược phẩm hay thầy thuốc nhưng nếu dính mắc với chúng, chúng ta sẽ bác bỏ sự bảo vệ hay sức đề kháng tự nhiên.
Trước kia khi chưa hành thiền, tôi cũng từng chăm sóc bản thân với hiểu biết nông cạn cùng khả năng giới hạn của mình. Tôi đã chẳng thể bảo vệ được mình nên chỉ biết trông cậy vào thuốc thang, bác sĩ và khoa học. Nhưng từ khi hành thiền, tôi đã nhận ra được bản chất tự nhiên của thân tâm. Đó là để chúng tự thân vận hành. Chúng ta chỉ cần làm việc một các liên tục cho đến khi nào chạm đến ngưỡng chịu đựng bản thân, lúc đó chúng ta sẽ không thể tiếp tục và tự động rơi vào trạng thái nghỉ ngơi. Ngày nay thì người ta lại thường uống tăng lực để chống lại sự mệt mỏi, như vậy là chúng ta đã vô tình phá huỷ tiến trình bảo vệ tự nhiên của thân tâm. Chúng ta có thể uống nước tăng lực nhưng không nên chối bỏ bản chất tự nhiên của thân tâm. Chúng ta cần hiểu biết tường tận hơn về khoa học, dinh dưỡng và cũng cần hiểu biết về nhân quả, bản chất vô thường, bản chất của thân tâm. Tất cả chúng có thể tự bảo vệ, tự sinh tồn. Chúng ta nên thấu suốt điều này để cố gắng áp dụng theo phương pháp đúng đắn, chỉ-sử-dụng-mà-thôi.
Bản chất tự nhiên luôn hoàn hảo và trọn vẹn nếu đem so sánh với khoa học và y khoa. Vì thế, nếu có thể nương tựa vào Bản chất tự nhiên, chúng ta sẽ dừng lại việc chúng ta vốn không thể làm là chỉ ngủ nghỉ một khi cơ thể đã thực sự đi đến giới hạn của sự mệt mỏi. Chúng ta sẽ đủ khả năng ngày đêm làm những thiện pháp liên tục mà không cần nạp thêm năng lượng từ các loại thức uống. Nếu chúng ta không thể duy trì thực hành như vậy, tiến trình tự nhiên này sẽ thay đổi. Chúng ta sẽ dễ dàng buồn ngủ khi cơ thể chỉ bắt đầu thấy mệt, rồi lại phải thường xuyên ngủ nghỉ để nạp năng lượng mới có thể tươi tỉnh trở lại và tiếp tục làm việc.
Đây là phương pháp tôi áp dụng, tôi rất hứng thú với cách thực hành này và truyền đạt đến mọi người để họ cùng thực hành như mình. Đó là lý do tôi không cần dựa vào thói quen hay lề thói thế gian. Chúng tôi có cách phòng hộ của mình, phá vỡ những giới hạn đời thường, không cần đi biển để thư giãn, chẳng cần đến viện bảo tàng, không ưa thích nghe nhạc… Chúng tôi chỉ cần chánh niệm để có thể duy trì công việc của mình và không ngừng hoàn thành mọi trọng trách. Nếu bạn nghĩ về thói quen, có vô số thói quen tiêu cực trong chuỗi sống của chúng sanh hữu tình; hầu hết thói quen đó cần phải thay đổi và đoạn tận. Để có khả năng thực hành như vậy, chúng ta hãy làm phước thiện và nương tựa vào Phật – Pháp – Tăng. Bằng cách này, thói quen của mọi người, dù là của trẻ nhỏ, của người già hay của đàn ông, phụ nữ đều có khả năng chấm dứt. Ngủ nghỉ một cách có chủ ý cũng là một thói quen tiêu cực đối với con người chúng ta; vì thế, nếu có thể từ bỏ thói quen tiêu cực này, chúng ta sẽ có thêm thời gian để làm thiện pháp. Càng làm thiện pháp, chúng ta sẽ càng minh tỏ.
Những gì bạn đang hiểu là đúng đắn, là tốt đẹp; do đó, bạn cũng có thể thấu suốt về Bản chất tự nhiên của thân tâm. Bạn cũng có khả năng lắng nghe Bản chất tự nhiên của thân tâm cũng như Bản chất tự nhiên của các thói quen và dính mắc. Nếu bạn tham gia cùng với chúng tôi thực hành theo cách này sẽ giúp bạn có cơ hội hiểu biết thấu đáo hơn. Chúng tôi luôn di chuyển hết nơi này đến nơi khác trong quá trình hoằng pháp mà không nghĩ đến việc nghỉ dưỡng lấy sức. Chúng tôi hiếm khi tính đến sự nghỉ ngơi, chỉ đôi lúc quá kiệt sức thì sẽ tạm ngừng. Nhưng hầu như cả nhóm chúng tôi không cần phải nghỉ, từng người một có thể thay phiên ngủ nghỉ khi đã chạm tới giới hạn của bản thân trong khi cả đoàn vẫn tiếp tục di chuyển. Tôi đã và đang hoằng pháp không ngừng nghỉ, nhờ vậy thói quen của tôi cũng đã được thay đổi. Tôi không cần ngủ đúng giờ và không cố định lượng thực phẩm cần ăn. Thậm chí đôi lúc quá mệt tôi lại tiếp tục làm việc, và mệt mỏi cũng tan biến từ khi nào. Nhờ am tường về thói quen của mình, chúng tôi đã có thể thay đổi thói quen đó. Nếu có thói quen ngủ 4 giờ một ngày mà hôm nào chỉ ngủ 3 giờ thì bạn sẽ luôn cảm thấy buồn ngủ. Nếu có thói quen ngủ 6 giờ một ngày mà hôm nào chỉ ngủ 5 giờ thì bạn cũng vẫn cảm thấy buồn ngủ. Tất cả đều tương quan với thói quen chứ không liên hệ gì đến thời lượng ngủ nghỉ. Dù chúng ta có cảm thấy mệt mỏi như thế nào thì việc cố gắng thức để tiếp tục làm thiện pháp vẫn tốt hơn việc ngủ nghỉ.
Chúng ta đang chăm sóc bản thân quá mức, đó cũng là gốc rễ khiến chúng ta dính mắc mạnh mẽ vào cơ thể của mình. Không dễ để xả ly nhưng sự thực hành này sẽ giúp chúng ta buông bỏ dính mắc đó. Tâm là quan trọng nhất. Nếu không thấu suốt được điều này, chúng ta sẽ chẳng thể thực hành. Nếu đã sáng tỏ vấn đề, chúng ta có thể tự tin thực hành, và nếu thực hành chắc chắn chúng ta sẽ thấu rõ. Không thực hành thì sẽ chẳng bao giờ hiểu được. Nếu ngày càng có nhiều người có được sự hiểu biết đúng đắn, những sai lầm cố hữu trong đời sống xã hội có thể được thay đổi.
Thiền sư Ottamathara
08/01/2020 – Thiền viện Phước Sơn, Việt Nam
Xavi Rodríguez ghi – Sayalay Pãnca Khandha dịch
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara