ĐỐI TRỊ VỚI HAM MUỐN
Vô ngã, ai đó, cái gì đó, tôi hay bạn,… tất cả đều không có thật. Vì không biết sự thật về vô ngã nên chúng ta hiểu lầm cho rằng có ngã, có ai đó hay cái gì đó, có tôi hay bạn, của tôi hay của bạn. Chúng ta muốn làm, muốn ăn, muốn biết điều gì đó đều dựa trên ý niệm về ai hay cái gì đó. Nếu chúng ta có khả năng hiểu được vô ngã – không có thực thể, con người, chúng sinh hay cái gì đó, lúc ấy sẽ không còn ham muốn làm điều gì đó hay biết cái gì đó. Chúng ta đã quen với việc nghĩ về người nào đó hay cái gì đó, nghĩ về thời gian, nơi chốn; sở dĩ có thói quen này là do sự hiểu biết sai lầm cho rằng có một cái ngã thường hằng. Nếu muốn biết về vô ngã, chúng ta cần phải từ bỏ thói quen chú trọng vào thời gian, nơi chốn, phương pháp, ngôn từ đang dung; bởi những ý tưởng về một thực thể, cái gì đó, thời gian giới hạn, nơi chốn giới hạn đã tồn tại trong tâm thức chúng ta từ rất lâu. Trước khi đến đây, quý vị có quyết định sẽ ở đây trong bao lâu và có ý niệm về con người, vị thầy, thiền sư Ottamasara; khi đó, quý vị đã dựa trên cái ngã, dựa trên ai đó, hoặc cái gì đó.
Làm với ý niệm về ngã rất dễ cho chúng ta; phần lớn các thiền sinh thực hành với ý niệm về ngã, với ai đó, cái gì đó, với thời gian giới hạn, nơi chốn giới hạn. Nhưng sự chỉ dạy của tôi nhằm vượt lên trên tự ngã, tức hực hành mà không bị giới hạn bởi ý tưởng về ai đó, cái gì đó, giới hạn của thời gian hay nơi chốn. Tâm cần được tự do khỏi các ý niệm về ai đó, cái gì đó, thời gian giới hạn, nơi chốn giới hạn; theo cách này, quý vị có thể thực hành một cách tự do mà không có bất kỳ hạn định nào.
Lời dạy của tôi chú trọng đến việc xóa bỏ các ý niệm về thực thể, thời gian, nơi chốn. Để có được tâm tự do, chúng ta cần làm phước thiện và hành thiền, chúng ta cũng cần sự trợ lực từ Phật – Pháp – Tăng. Sau khi thực hành một cách tự do dưới sự hộ trì của Phật – Pháp – Tăng, chúng ta cần cố gắng tự mình thực hành một cách tự do mà không cần sự gia hộ của Phật – Pháp – Tăng. Về sau, khả năng này sẽ trở thành năng lực của chính chúng ta. Đầu tiên, quý vị thực hành dưới sự giúp đỡ của một người thầy, sau đó, quý vị cần có khả năng tự thực hành; theo cách đó, quý vị sẽ có được sự hiểu biết đúng đắn và sự thực hành đúng đắn của chính mình. Để được như vậy, chúng ta cần có khả năng buông bỏ ý niệm về ngã, nếu chúng ta không thể buông bỏ, xả ly khỏi bản thân thì chúng ta không thể đại diện cho vị thầy của mình.
Làm việc “vì tôi” không phải là một hành động đúng, làm mà không có ý niệm về “tôi” hay “ai đó” mới là hành động đúng. Sự hiểu biết và hành động của chúng ta nên được giải phóng khỏi các giới hạn về ai đó, cái gì đó, thời gian và nơi chốn. Theo cách này, chúng ta không cần nghĩ về bản thân hay điều gì sẽ xảy ra với chúng ta. Bởi bản thân ta chỉ là một trong số các chúng sinh nên việc xảy ra với ta không khác gì việc xảy ra với các chúng sinh khác. Đây chính là bản chất của chúng sinh hữu tình và chúng sinh vô tình, bản chất này không phải để dính mắc, không phải để chối bỏ, chỉ để sử dụng mà thôi. Sử dụng có sự dính mắc là sai, sử dụng đi ngược lại với sự dính mắc mới là đúng. Nếu đang làm các phước thiện tức chúng ta đang đi trên con đường chân chánh, cũng như làm thiện pháp đi ngược lại với ham muốn thì chúng ta đang theo con đường đúng đắn.
Ban đầu, thiền sinh nên vâng lời theo mong muốn của người thầy để xả ly khỏi mong muốn của mình. Không có ai hoàn hảo ngoài đức Phật, vì vậy, chúng ta cần có khả năng tuân theo ham muốn của một ai đó. Đồng thời, chúng ta cũng cần có khả năng xả ly khỏi hành động đó; theo cách này, mỗi hành động của chúng ta chỉ để làm mà thôi, không có sự dính mắc.
Thiền sư Ottamathara
20/6/2015, Hà Nội, Việt Nam
Phiên dịch: Phật tử Lan Nanika
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara