DẪN THIỀN – THỜI PHÁP SÁNG (3)

Chúng ta hãy nhẹ nhàng khép mắt lại, thư giãn thân – tâm, hãy chánh niệm, ghi nhận quan sát đối với hơi thở, chú tâm quán sát những gì đang xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại đối với hơi thở và dừng lại việc chú tâm vào ngoại cảnh. Tất cả hoạt động của thân – tâm chỉ để sử dụng mà thôi, không phải để dính mắc hay chối bỏ. Hãy chánh niệm trên hơi thở với ý niệm chân chánh, những gì chúng ta đang quan sát, nhận biết chỉ với mục đích sử dụng mà thôi; chánh niệm có sự dính mắc thì không phải con đường trung đạo, không phải là đúng đắn. Thế nên, chúng ta đừng quá khiên cưỡng tập trung chánh niệm, tất cả các hiện tượng thân – tâm đang xảy ra chỉ để sử dụng mà thôi, không đồng hóa là tôi, ta.

Trí thông minh hay sự hiểu biết đều là sự thật do tâm tạo, và sự thật do tâm tạo có mục đích chỉ để sử dụng mà thôi, chỉ để kinh nghiệm mà thôi, chỉ để tăng trưởng hiểu biết mà thôi. Sự thật gốc vốn không có con người, không có cá nhân và sự dính mắc. Chúng ta hãy chánh niệm về sự thật tâm tạo này, đừng để có sự dính mắc, nếu chúng ta chú tâm đến thân của mình thì sẽ có sự dính mắc đến thân và các hoạt động của thân. Chúng ta chỉ để ý sự thật là tất cả mọi sự việc xảy ra đều có mục đích để sử dụng mà thôi, không phải để nắm giữ hay dính mắc, hành động có sự dính mắc sẽ không bao giờ có hồi kết. Trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều thói quen, mục đích của việc thiết lập chánh niệm là để giúp từ bỏ các thói quen cố hữu này; dính mắc với thói quen là do chúng ta chấp nhận có cái thân này.

Chúng ta hãy chánh niệm đối với sự thật đó là chỉ để sử dụng mà thôi và buông bỏ, xả ly những gì chúng ta đang hành động, không chỉ đối với chánh niệm mà ngay trong những hoạt động khác của tâm. Chúng ta đang sử dụng thân tâm một cách sai lạc, không đúng đắn, sử dụng thân tâm với ý nghĩ về “tôi” hay “của tôi”. Thực ra, thân tâm này chỉ có mục đích sử dụng thôi, không phải để đồng hóa rằng có một người nào đó hay một cái gì đó; ngay cả hơi thở cũng chỉ để sử dụng mà thôi, không cho rằng “Tôi đang thở” hay “Hơi thở của tôi”. Chúng ta hãy chánh niệm đối với hơi thở và ghi nhận được sự thật hay bản chất của hơi thở, đó là những gì đang xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại, những gì đang sinh khởi và hoại diệt của hơi thở. Các hiện tượng thân tâm cũng như hơi thở này chỉ để sử dụng mà thôi, không phải để dính mắc hay chối bỏ.

Chúng ta có thói quen luôn chú ý đến thân tâm này, chú ý tới hơi thở và giờ đây chúng ta đang có cơ hội để ngưng lại sự chú ý này; chính do sự lưu tâm này mà chúng ta đang sử dụng hơi thở, thân, tâm mình không đúng đắn. Trên thế gian có rất nhiều chúng sinh mà chúng ta chỉ quan tâm đến bản thân mình bởi có sự dính mắc mạnh mẽ vào thân này, cũng như dính mắc hành động của mình; do đó, chúng ta cần biết cách buông bỏ đối với xác thân này cũng như các thân nghiệp. Mục đích chánh niệm hơi thở là để hiểu ra sự thật về xác thân này, và sự thật ở đây là: không phải ai đó, cái gì đó, chỉ là bản chất vô thường luôn luôn đổi mới. Chánh niệm ở đây tức chúng ta luôn ghi nhận, quan sát những gì đang xảy ra trên thân – tâm, nếu ghi nhận được các hoạt động của tâm sẽ tốt hơn so với chánh niệm trên thân. Do có sự dính mắc nên chúng ta chỉ biết về những gì chúng ta đã quen thuộc hoặc những đã gì đã trải qua; chính vì vậy, chúng ta hiểu theo khía cạnh “của tôi, của ta” trong các hoạt động của mình. Thế nên, chúng ta hãy thiết lập và duy trì chánh niệm với những gì đang xảy ra ngay trong thời khắc hiện tại và buông bỏ những thói quen cũng như sự hiểu biết thông thường trước đây.

Chánh niệm chỉ để sử dụng mà thôi, hay biết cũng chỉ để hay biết mà thôi, không phải để chúng ta dính mắc vào đó. Nếu chúng ta quá quan tâm đến những gì mình đang hay biết thì đó không phải là sự hay biết đơn thuần. Để làm được điều đó, chúng ta cần xả ly và buông bỏ những thói quen và hiểu biết thông thường. Thói quen của chúng ta luôn làm gì đó với sự dính mắc, hay biết với sự dính mắc, trải nghiệm, hiểu biết cũng với sự dính mắc. Đó là thói quen của mỗi chúng ta, và do có sự dính mắc này nên chúng ta luôn quá để ý đến thân thể mình và để ý đến những người khác xung quanh. Hãy học cách buông bỏ thói quen này và chỉ có sự hay biết đơn thuần, hành động đơn thuần đang xảy ra mà thôi. Các thói quen của chúng ta đều liên quan đến ý tưởng về cái tôi hay của tôi, trong khi bản chất thực của các hiện tượng là vô thường, không có một thực thể, một con người, một cá nhân nào ở đó cả.

Chúng ta cần chánh niệm đối với hởi thở của mình mà không có sự dính mắc ở đó, và chánh niệm về những gì đang xảy ra tại thời điểm hiện tại mà không có những thói quen cũ xen vào. Đôi khi ta thấy mình đang thực hành đúng, đang đi trên con đường trung đạo, nhưng trong hầu hết các trường hợp không phải đang đi đúng con đường trung đạo. Những gì đang xảy ra chỉ để kinh nghiệm mà thôi, để trải nghiệm mà thôi, không phải để dính mắc vào đó; chúng ta hãy trải nghiệm bất kỳ những gì đang xảy ra, biết cái sai là cái sai, đó là chánh kiến.

Thiền sư Ottamathara

12/06/2013 – Thiền viện Phước Sơn, Việt Nam
Xin tri ân sư Thư (sư Chân Tuệ – U Pannisara) đã phiên dịch và cám ơn sư cô Hương, chị Hạnh, Bích đã đánh máy
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app