Dẫn thiền thời pháp sáng

* Càng buông bỏ được sự dính mắc, chúng ta càng đơn thuần hành động, chỉ đơn thuần quan sát mà thôi; vì có sự dính mắc nên chúng ta quan sát và thực hành với khái niệm về cái tôi. Cái biết thông thường về sự vật, con người thật ra chỉ để sử dụng mà thôi nhưng chúng ta thường sử dụng sai lầm bản thân mình với ý tưởng về cái gì đó hay ai đó. Nếu có ý tưởng đó tồn tại tức chúng ta đang thực hành với ý tưởng tôi đang hành thiền; chính vì vậy, ngay từ ban đầu chúng ta cần có chánh kiến và hiểu biết đúng đắn để giúp chúng ta buông bỏ được các suy nghĩ sai lệch – tà kiến. Thông thường, chúng ta biết về bản thân với khái niệm tôi hay của tôi, và chúng ta cũng có khả năng buông bỏ được những ý tưởng, suy nghĩ như vậy. Nếu chúng ta ghi nhận hay biết sự vật với ý tưởng đó trong tâm nghĩa là đang ghi nhận sai lạc. Chúng ta có thể thực hành bất kỳ pháp môn nào nhưng không có sự dính mắc đến bất kỳ phương pháp hay tông phái nào; điều đó nghĩa là thực hành mà không có sự dính mắc hay chối bỏ, đơn thuần là chỉ thực hành, chỉ quan sát mà thôi.

* Và với sự hiểu biết đúng đắn – chánh kiến như vậy, chúng ta đang thực hành cho tâm trở nên buông bỏ được sự hiểu biết sai lạc. Nếu chúng ta nhận thấy trạng thái tâm thất vọng hay bất cứ điều gì tương tự, chúng ta cần chú tâm chánh niệm nhiều hơn với hơi thở của mình. Tâm chúng ta thường bất an hơn khi cứ hướng ra ngoại cảnh, nếu chúng ta có thể chánh niệm trên hơi thở thì tâm dần trở nên an lặng và quân bình hơn. Nếu tâm an ổn hơn thì thân hành và cuộc sống sẽ trở nên ổn định hơn, đây là mối quan hệ nhân quả, thể hiện phương pháp chỉ sử dụng mà thôi, chỉ kinh nghiệm mà thôi, không chối bỏ hay dính mắc đối tượng. Chánh niệm trên hơi thở là điều kiện, là nhân tố cần thiết mà chúng ta cần thực hành; tuy nhiên, chúng ta chỉ đơn thuần quan sát, không có sự dính mắc ở đó. Ban đầu, chúng ta có thể chánh niệm trên hơi thở, đó là điều cần thiết nhưng vẫn chưa hoàn thiện; bước tiếp theo, chúng ta phải chánh niệm ghi nhận được các hoạt động của tâm. Chúng ta luôn luôn thở nhưng chưa có thói quen để quan sát hiện tượng này, chúng ta luôn luôn sử dụng tâm của mình nhưng chúng ta cũng chưa có thói quen ghi nhận được các hoạt động của tâm, nên chúng ta không thấu suốt sự thật về chính bản thân con người mình; chính vì vậy, do hiểu biết sai lạc nên chúng ta cho rằng có tôi, anh, đàn ông hay đàn bà.

* Những cái gọi là tôi, anh, của tôi, của anh hay đàn ông đàn bà chỉ bó buộc trong quan kiến của chúng ta mà thôi, nên chúng ta luôn luôn quan sát bản thân và người khác với cái nhìn về thực thể, cá nhân, về cái tôi hay con người nào đó. Vì vậy, chúng ta cần buông bỏ quan kiến, khái niệm về thực thể, cái tôi hay con người nào đó. Do có sự dính mắc với quan kiến của mình nên chúng ta khó mà nhận ra chánh kiến đúng đắn và một trong những bản chất của sự thật gốc đó là luôn luôn vô thường, không phải là một thực thể, cá nhân hay con người nào, vì sự thật gốc vượt lên trên, thoát ra ngoài mối quan hệ nhân quả. Sự thật gốc luôn luôn an toàn và thường hằng, chúng ta không thể hiểu được sự thật gốc bằng quan kiến cá nhân và không ai phá vỡ được sự thật gốc này. Bản chất của chúng sinh hay sự vật là luôn luôn vô thường đổi mới, đó chính là bản chất của sự thật gốc; và để tiếp cận với sự thật gốc này, chúng ta cần chạm tới trí tuệ nguyên bản Và để có được trí tuệ nguyên bản, chúng ta cần thấu suốt bản chất sự thật do tâm tạo, nghĩa là chỉ kinh nghiệm mà thôi, chỉ hay biết mà thôi.

* Trong khi hành thiền hay các hoạt động khác, chúng ta luôn ghi nhớ một điều chỉ để sử dụng mà thôi, kể cả sự ghi nhớ cũng chỉ để sử dụng mà thôi; đó là những điều cần thiết để áp dụng vào hoạt động thường ngày. Nếu không ghi nhớ, không thực hành phương pháp chỉ sử dụng mà thôi, chúng ta không thể tiếp cận với sự thật gốc – chỉ để sử dụng mà thôi. Chúng ta cần có sự can đảm để buông bỏ bản thân và các mối quan hệ xã hội, các mối quan tâm ra bên ngoài và thông qua hoạt động của tâm, chúng ta mới có thể kết nối với việc chỉ để sử dụng mà thôi. Nếu quá bận rộn với việc quan tâm các hoạt động bên ngoài, chúng ta không thể kết nối với việc chỉ để sử dụng mà thôi. Quý vị có thể ghi nhớ những hướng dẫn tôi đưa ra và đừng quên một điều, chỉ để sử dụng mà thôi, ngay cả với sự hướng dẫn này. Tương tự, khi chúng ta ghi nhận, quan sát cũng chỉ để sử dụng mà thôi, bất cứ điều gì chúng ta làm cũng chỉ để sử dụng mà thôi.

* Chỉ để sử dụng mà thôi, nghĩa là các hoạt động thuần túy, đơn thuần, không quá quan tâm đến bản thân mình và điều chúng ta đang làm; những gì chúng ta làm với mối quan tâm đến bản thân và điều chúng ta làm thì cần phải xả ly, buông bỏ. Nếu không thực hành được việc chỉ để sử dụng mà thôi, chúng ta sẽ làm điều đó cùng với sự dính mắc; do có sự dính mắc với những gì đang làm nên chúng ta sẽ dính mắc với những gì chúng ta đang trải nghiệm và dính mắc đến cái chúng ta biết và cái chúng ta không biết.

* Chúng ta dính mắc đến việc hành thiền hay sự tu tập của mình, nên chúng ta dính mắc đến kinh nghiệm và dính mắc đến điều biết và không biết; cho nên, điều quan trọng là chỉ để sử dụng mà thôi với bất cứ điều gì chúng ta đang làm. Hiển nhiên, chúng ta cần chánh niệm nhưng cũng chỉ để sử dụng mà thôi, đừng quá chú ý đến điều chúng ta đang làm, cần buông bỏ những gì mình biết được, những gì chúng ta hay biết. Nếu biết mình đang thở, chúng ta cũng buông bỏ cả cái biết đó; cái biết đó đơn thuần hay biết mà thôi, sử dụng mà thôi, không phải để dính mắc hay chối bỏ.

Luôn luôn ghi nhận một cách liên tục việc chỉ để sử dụng mà thôi giúp chúng ta buông bỏ được sự hay biết thông thường. Để có thể thấu suốt trí tuệ nguyên bản, trí tuệ gốc và bản chất của các hiện tượng luôn luôn vô thường thì chúng ta cần buông bỏ được những hay biết thông thường của mình. Đối với sự thật gốc, có hai loại: thứ nhất, bản chất của nó là luôn luôn vô thường; thứ hai, bản chất của nó là luôn luôn thường hằng.

* Với trí tuệ nguyên bản cũng có hai loại: thứ nhất, trí tuệ nguyên bản hiểu về bản chất luôn luôn vô thường của các hiện tượng; thứ hai, trí tuệ nguyên bản hiểu được bản chất luôn luôn vô thường và hiểu về bản chất luôn luôn thường hằng. Và điều đầu tiên, chúng ta cần tiếp cận với trí tuệ nguyên bản để hiểu về bản chất luôn luôn vô thường của các hiện tượng. Trí tuệ gốc hay trí tuệ nguyên bản không phải là những điều để chúng ta sở hữu hay nắm giữ, trí tuệ gốc là hoàn thiện và thường hằng, và sự hiểu biết của trí tuệ này cũng hoàn thiện và thường hằng. Chúng ta chỉ luôn quan tâm đến bản thân và cộng đồng xã hội quanh mình, nếu chúng ta hay biết ghi nhận việc chỉ để sử dụng mà thôi sẽ giúp chúng ta buông bỏ được mối quan tâm này. Nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ dần dần tiến bước đạt đến trí tuệ gốc hay trí tuệ nguyên bản và sẽ thấu suốt được bản chất luôn vô thường của các hiện tượng. Để có thể hiểu được bản chất luôn luôn vô thường, chúng ta phải buông bỏ ngay cả đối với bản thân mình, đối với những gì chúng ta làm và những điều chúng ta trải nghiệm. Trong khi hành thiền hay trong các hoạt động hàng ngày, chúng ta hãy luôn ghi nhớ là chỉ để sử dụng mà thôi, nghĩa là các hoạt động thuần túy, đơn thuần, không quá quan tâm đến bản thân mình và điều chúng ta đang làm.

Thiền sư Ottamathara

14/6/2013 – thiền viện Phước Sơn – Việt Nam
Xin tri ân sư Thư (Sư Chân Tuệ – U Pannisara) đã phiên dịch và cám ơn sư cô Hương, chị Hạnh, Bích đã đánh máy
Nguồn: Facebook Thiền sư Ottamathara

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app