BẢN CHẤT VÔ NGÃ
Vô ngã là gì ạ?
Ý niệm về ngã là sự hiểu biết sai lầm. Sự thật là không có ngã hay không có atta. Vô ngã nghĩa là không phải cái gì đó, không phải ai đó, chỉ làm mà thôi, chỉ sử dụng mà thôi, chỉ trải nghiệm mà thôi, chỉ biết mà thôi và sự thật về vô ngã không phải là ai đó hay cái gì đó. Khi bạn hỏi nếu không có ai cả, thì ai đang hành thiền, đó là nắm giữ vào sự thật; do không biết về sự thật, nên chúng ta có thói quen nắm giữ. Nắm giữ vào một ý niệm, sử dụng với ý niệm nắm giữ là sai; còn vô ngã là để sử dụng mà thôi, để trải nghiệm mà thôi, để biết mà thôi, không phải để nắm giữ là cái gì đó. Hỏi rằng, nếu không có ngã nghĩa là bạn đang nắm giữ vào tình huống vô ngã là cái gì đó; như thế là sai. Nếu chúng ta hiểu sự thật là vô ngã thì sẽ không có lỗi nắm giữ, lỗi nắm giữ liên quan đến tâm. Nếu thực sự hiểu sự thật vô ngã hay tính không, chúng ta sẽ không sử dụng sai lầm sự thật vô ngã. Do không thấu suốt sự thật – vô ngã – nên có lỗi nắm giữ, lỗi nắm giữ sẽ không kết thúc, và cứ thế hết lỗi này đến lỗi khác.
Nếu thực sự hiểu sự thật vô ngã, câu hỏi này sẽ không xuất hiện, chúng ta sẽ không nghĩ “cái gì là vô ngã”, “tôi là ai” hay “bạn là ai”. Nếu có sự hiểu biết sai lầm hay tà kiến, sẽ có không ngớt những lỗi lầm của tâm. Nếu không có tà kiến, sẽ có chánh kiến; nếu tà kiến biến mất, chánh kiến sẽ xuất hiện. Nếu có chánh kiến hay sự hiểu biết đúng đắn hay giác ngộ thật sự, sẽ không có lỗi nắm giữ.
Ban đầu chúng con sẽ phải hành thiền với ngã nhưng sau đó điều đó trở nên vô ích, có phải không ạ?
Không, sự thật là vô ngã. Vô ngã là sự hiểu biết sai lầm có ngã hay có bản thể, atta (bản thể), do vô minh và không hiểu biết về sự thật nên cho rằng có cái ngã, có ai đó hay cái gì đó. Nếu có sự hiểu biết đúng về sự thật xuất hiện, ý niệm về ai đó, cái gì đó sẽ biến mất vĩnh viễn. Do không có bản thể, bản ngã là không thật nên không cần phải nói chuyện về ngã hay bản thể. Do không biết về sự thật, đó là vô ngã, nên sự hiểu biết về cái gì đó, ai đó hay cái ngã xuất hiện. Nếu chúng ta nghĩ từ cái nhìn của cái gì đó hay ai đó, thì đó là hành động sai.
Chúng ta luôn luôn mắc sai lầm, đặc biệt sai lầm về tâm. Bất cứ điều gì chúng ta làm, bất cứ điều gì chúng ta nghĩ, bất cứ điều gì chúng ta nói, chúng ta đều làm với ý niệm về cái gì đó hay ai đó. Nhưng sự thật là không phải cái gì đó, không phải ai đó. Đó là nguyên do tất cả các hành động bình thường về thân, khẩu, ý của chúng ta chỉ là những kiến tạo, không có thật. Do đó, tôi giảng dạy rất nhiều về vô ngã, không phải ai đó, không phải cái gì đó và tôi giảng để có khả năng thực hành mà không có ý niệm về cái gì đó, ai đó.
Thế ai đang giảng dạy thưa ngài?
Hiểu biết đúng. Sự hiểu biết đúng đang dạy. Không phải ai đó, không phải sự hiểu biết đúng của tôi. Sự hiểu biết đúng và xả ly. Xả ly đang dạy. Sự hiểu biết sai lầm và sự dính mắc đang lắng nghe. Đó là thực. Sự hiểu biết sai lầm và dính mắc tạo ra “có tôi”, “có bạn”, “đây là của tôi”, “đây là của bạn”, các ý niệm này được gây ra bởi sự không giác ngộ và sự dính mắc. Chúng ta cần phải thay đổi từ hiểu biết sai lầm sang hiểu biết đúng đắn, từ dính mắc sang xả ly; thế nên, chúng ta cần phải làm điều nên làm: giúp đỡ người khác, sử dụng của cải của mình chia sẻ cho người khác, sử dụng trí thông minh, năng lực và cuộc sống của mình cho người khác là hành động đúng, là điều chúng ta nên làm.
Nếu có khả năng làm điều đúng, chúng ta sẽ ngày càng giảm thiểu sự hiểu biết sai lầm và dính mắc; theo cách này, chúng ta có thể giải phóng khỏi sự hiểu biết sai lầm và dính mắc. Nếu không có sự hiểu biết sai lầm, sẽ có sự hiểu biết đúng; nếu không có sự dính mắc, sẽ có sự xả ly. Trước kia khi chưa hành thiền, tôi đã không thể chấp nhận sự thật là vô ngã, chẳng có gì cả; để có thể chấp nhận sự thật, tôi đã phải làm rất nhiều thiện pháp và hành thiền. Tôi đã phải làm các thiện pháp một cách liên tục và cố gắng không để lỡ cơ hội làm thiện pháp, cũng như vậy, tôi đã phải hành thiền bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào và trong bất cứ tình huống nào.
Nếu không nghe pháp thì chúng ta đang mắc một sai lầm; nếu không hành thiền, chúng ta đang mắc một sai lầm; nếu không giữ giới, hay phá giới, chúng ta đang mắc một sai lầm; nếu chúng ta nắm giữ, nếu chúng ta đang làm việc để có nhiều của cải, tài sản hơn, đó là một sai lầm; nếu chúng ta đang tiết kiệm tiền hay vật chất, chúng ta đang mắc một sai lầm. Chúng ta chỉ nên tiết kiệm và giữ gìn các thiện pháp và vun bồi năng lực để dành cho việc làm các thiện pháp.
Chỉ một khoảnh khắc ý niệm về ngã xuất hiện và chúng ta tin rằng “tôi là cái gì đó” hay “anh là cái gì đó”. Tại sao chúng ta không thể trải nghiệm vô ngã trong mọi lúc?
Chúng ta không thể buông bỏ các hành động của mình, nguyên nhân do chúng ta luôn thích làm việc chúng ta muốn làm. Chúng ta tuân theo ham muốn của mình, tuân theo truyền thống, tự tin vào năng lực của mình, đó là lý do chúng ta chỉ làm những điều chúng ta có thể làm. Đây là nguyên nhân không hiểu về sự thật vô ngã. Để biết về sự thật, chúng ta nên buông bỏ mọi ham muốn, khả năng, truyền thống của mình. Điều này liên quan đến mọi chúng sinh, đối với loài vật, chúng sẽ tuân theo ham muốn, chúng sẽ làm gì chúng muốn làm, chúng sẽ làm những gì chúng hiểu. Loài vật không có lựa chọn nào để kiểm soát hành động của chúng. Đối với con người, chúng ta có thể hiểu biết vượt lên trên ham muốn, vì thế chúng ta có cơ hội để kiểm soát các hành động thông thường của mình.
Giờ đây tất cả các hành động thân, khẩu, ý của chúng ta đều được kiểm soát bởi sự hiểu biết sai lầm và sự dính mắc. Chúng ta nên hiểu rằng tất cả hành động là để làm và để buông bỏ. Đối với loài vật, chúng chỉ có thể hiểu rằng tất cả hành động là để làm, chúng không thể hiểu về buông bỏ hành động. Là con người, chúng ta có thể hiểu, đó là lý do chúng ta có thể buông bỏ việc kiếm tiền cho bản thân, buông bỏ cuộc sống của mình. Để có thể đi đến trường thiền, chúng ta cần buông bỏ ngôi nhà và cuộc sống của mình; để hành thiền, để giữ giới, chúng ta cần buông bỏ các hành động thông thường. Những thiện nghiệp: bố thí, cúng dường, giữ giới, hành thiền định và thiền tuệ là những hành động đúng đắn. Nếu chúng ta không thực hành tu tập như thế, chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được sự thật về vô ngã.
Càng nhiều hành động sai càng gây ra sự hiểu biết sai lầm mạnh mẽ, nếu chúng ta đi ngược lại các hành động sai thì sự hiểu biết sai lầm ngày càng yếu đi. Đó là nguyên do tôi giảng dạy hàng ngày. Tôi thành lập các trung tâm thiền và tổ chức các khóa thiền hết trung tâm này đến trung tâm khác, hết khóa này đến khóa khác bởi tôi muốn mọi người làm các thiện pháp. Theo cách này, sự hiểu biết sai lầm sẽ ngày càng ít đi.
Nhiều người mà có sự đồng hóa, nhận diện mạnh mẽ về ngã hay về bản thân, cũng sẽ sợ chết, khi họ nghe rằng không có cái ngã nào cả. Làm thế nào để họ đối diện với nỗi sợ thưa ngài?
Tôi cũng đã từng như thế, nhưng tôi có cơ hội để nghe pháp và hành thiền. Tôi đã tận dụng cơ hội đó bằng cách cố gắng hành thiền hàng ngày, nghe lời dạy của đức Phật đều đặn, cố gắng giữ giới và luôn luôn giúp đỡ những người gặp khó khăn. Đó là cách tôi đã cố gắng thay đổi hành động của mình. Trước khi biết đến hành thiền, tôi đã làm những việc giống mọi người trong xã hội. Khi bắt đầu hành thiền, tôi cố gắng thực hành như những thiền sinh và các vị thiền sư và cố gắng tu tập theo thiện nghiệp của đức Phật, càng thực hành tôi càng nhận ra vô số lợi ích từ các việc làm thiện pháp. Bất cứ khi nào tôi có thể buông bỏ của cải, buông bỏ các hành động và thói quen của mình, khi đó có sự bình an trong tâm và sự hiểu biết đúng. Tôi càng làm như thế, sự hiểu biết đúng và sự bình an càng xuất hiện trong tâm, từ đó, tôi có thể buông bỏ mọi tài sản, mọi hành động và cuộc sống của mình.
Đó là nguyên nhân tôi trở thành một nhà sư. Chỉ có sự hành thiền và làm thiện pháp mới có thể giải quyết vấn đề, nếu không dám hành thiền và làm các thiện pháp, chúng ta không có cơ hội để thấu suốt được sự thật. Vì vậy, chúng ta phải cố gắng. Việc hành thiền và làm các thiện pháp trở nên phổ biến ở đất nước tôi, đặc biệt là trong số những người trẻ tuổi. Thói quen này cũng có thể lan rộng sang các nước khác, theo cách này, sự hiểu biết sai lầm và dính mắc ở các nước khác sẽ ít đi. Chúng ta phải làm việc chăm chỉ và phải tin tưởng vào việc làm thiện pháp và hành thiền. Do không có khả năng hành thiền một cách nghiêm chỉnh nên bạn chỉ biết chút ít về sự hành thiền. Bạn cần hành thiền nhiều hơn nữa và cũng cần làm nhiều thiện pháp hơn nữa. Rồi bạn sẽ có sự trải nghiệm của riêng mình về quả thiện của việc hành thiền và làm thiện pháp. Nhờ vậy, bạn có thể hiểu và tin tưởng vào hành thiền và làm các thiện pháp. “
Nếu không có ai cả, vậy thì ai đang hành thiền?
“Sự thật là bản chất vô thường luôn luôn đổi mới, cũng có thể gọi là ngũ uẩn hay danh – sắc. Sự thật của ngũ uẩn hay danh – sắc là không phải ai đó, không phải cái gì đó. Chúng ta không thể nắm giữ sự thật là của mình, sự thật không phải là ai đó, không phải tôi, không phải bạn, không phải chúng sinh, không phải cái gì đó, không phải là đồ vật. Nhưng chúng ta lại tin rằng chúng sinh hữu tình là có thật và chúng sinh vô tình cũng là thật. Trên thực tế, trí thông minh mà chúng ta đang sử dụng thì không thật, đó là lý do bất cứ hiểu biết nào xuất hiện trong tâm cũng đều không thật. Nếu không hiểu điều này, chúng ta sẽ sử dụng sự hiểu biết sai lầm. Không phải thực tại sẽ không thể hiểu được thực tại. Sự thật do tâm tạo không thể hiểu được sự thật gốc, sự thật do tâm tạo cũng không hiểu được nó là sự thật do tâm tạo, chỉ có sự thật gốc mới hiểu được cả sự thật gốc và cả sự thật do tâm tạo. Không có ai nghe cũng không có ai đọc, chỉ là nhân và quả.
Nghe pháp là thiện nghiệp. Thiện nghiệp sẽ đưa đến quả thiện, nghiệp bất thiện sẽ mang lại quả bất thiện và tác động bất thiện. Khi chúng ta hành thiền, nghe pháp, học kinh điển của đức Phật hay chúng ta làm mọi việc trong đời sống hàng ngày, chúng ta phải cố gắng để sử dụng sự hiểu biết đúng – chánh kiến. Chúng ta phải trân trọng giá trị của sự thật, yêu quý sự thật, không quên sự thật; theo cách này, chúng ta sẽ nương tựa vào sự thật và sự thật đáng tin cậy cho chúng ta. Bản chất tức là sự thật, điều này có sức mạnh vĩ đại nhất trên trái đất, nếu hài lòng với sự thật, chúng ta sẽ an toàn. Nếu có khả năng dựa vào sự thật, chúng ta sẽ hoà nhập là một với sự thật. Chúng ta không cần phải dựa vào ai khác, thậm chí cũng không cần cuộc sống của chính mình. Như vậy, chúng ta sẽ giải phóng khỏi hiểu biết sai lầm và dính mắc và giải thoát mọi khổ đau.
Chúng ta phải hiểu sự thật là chúng ta phải hành thiền, phải học kinh điển của đức Phật, giữ giới nhiều nhất có thể và phải làm các việc thiện pháp cho tất cả, chúng ta phải có trải nghiệm của chính mình về việc làm các thiện pháp. Với sự hiểu biết đúng này, tất cả chúng ta phải cố gắng để làm được ngày càng nhiều việc phước thiện của chính mình. Theo cách này, chúng ta sẽ có thể thay đổi cuộc sống, thay đổi môi trường sống, thay đổi xã hội của mình. Chúng ta phải thực hành vận dụng sự hiểu biết đúng với hành động chánh niệm và rồi, chúng ta phải áp dụng sự hiểu biết đúng này vào các hành động khác. Sự hiểu biết đúng là mẹ của sự xả ly, nếu có sự hiểu biết đúng, sẽ có sự xả ly; nếu có sự hiểu biết sai lầm, sẽ có sự dính mắc.
Chánh niệm là hành động về tâm, dính mắc là không dám buông bỏ hành động. Nếu không dám buông bỏ cuộc sống thông thường và các hành động thông thường, chúng ta không thể hiểu chánh niệm, dính mắc và xả ly. Chúng ta nên hiểu rằng chúng ta cần buông bỏ cuộc sống, của cải, và hành động của mình vì lợi ích của sự hiểu biết đúng và xả ly. Để buông bỏ cuộc sống của mình, chúng ta có thể trở thành một thiền sinh, một nhà sư hay một tu nữ. Để buông bỏ tài sản của mình, chúng ta có thể sử dụng chúng cho tất cả, cho những người khó khăn, cho từ thiện hay cho tu viện hoặc trường thiền… Để buông bỏ tất cả hành động, chúng ta cần làm công việc thiện nguyện, giữ giới và hành thiền định và thiền tuệ. Mục đích của việc hành thiền và làm các thiện pháp giúp cho chúng ta buông bỏ cuộc sống, hành động và của cải của mình. Theo cách này, chúng ta có thể thấu suốt về hiểu biết đúng và xả ly.”
Thiền sư Ottamathara
Trung tâm Thabarwa Thanlyin, Myanmar – 18/1/2015
Xin cảm ơn quý đạo hữu đã thực hiện bản dịch
Nguồn: FB Thiền sư Ottamathara