Sự Xuất Gia Của Isidāsi

Người thương gia cảm thấy lúng túng không biết phải làm gì cho đứa con gái của mình nữa. Bị ruồng bỏ thậm chí bởi một gã ăn mày, Isidāsi rất khổ sở. Nàng cảm thấy bẽ mặt và tuyệt vọng đối với số phận và cuộc sống trần tục của mình. Nàng nghĩ đến việc rời bỏ cha mẹ để hoặc là chết hoặc là xuất gia. Lúc bấy giờ một vị Tỳ-kheo ni tên là Jinadattà đi đến nhà của người thương gia để khất thực theo thường nhật. Isidāsi đảnh lễ vị này và sau khi cúng dường vật thực, nàng ngỏ lời xin phép được gia nhập Tăng Đoàn.

Người thương gia khuyên can con gái không nên trở thành một Tỳ-kheo ni, ông nói rằng nàng cũng có thể ở tại nhà làm công việc bố thí và sống một cuộc đời hiền thiện như một người cận sự nữ. Dĩ nhiên, ông không muốn rời xa đứa con gái duy nhất của mình. Nhưng Isidāsi, với đôi mắt đẫm lệ, trả lời rằng những nỗi bất hạnh của nàng có lẽ là do những ác nghiệp mà nàng đã phạm quá nhiều trong tiền kiếp, và nàng muốn tự mình rửa sạch những ác nghiệp ấy bằng việc thực hành pháp như một Tỳ-kheo ni. Sau đó, cha nàng suy xét thấy không nên cản trở ý nguyện của nàng và cho phép nàng được xuất gia. Ông cũng chúc những lời chúc tốt đẹp nhất cho nàng: “Mong cho con đắc được trí tuệ ở mức A-la-hán thánh đạo và thánh quả như Đức Phật Tối Thượng đã chứng đắc! Cầu mong cho con sớm chứng ngộ Niết Bàn!”

Rồi, Isidāsi từ giã cha mẹ và những người lớn tuổi khác trong gia tộc, sau đó nàng xuất gia dưới sự hướng dẫn của Trưởng-lão ni Jinadattà và không bao lâu nhờ thiện nghiệp cao quý của mình, chỉ trong một tuần, nàng trở thành một bậc A-la-hán với đầy đủ tam minh.

Việc chứng đắc A-la-hán thánh quả sau khi thực hành Pháp trong bảy ngày của nàng là do tiềm lực nghiệp đặc biệt. Những người thành tựu trí tuệ phi thường trong một thời gian ngắn như vậy rất hiếm trong số những hành giả ở đây. Những ai thực hành Pháp một cách chuyên cần và không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm thường sẽ đắc sanh diệt trí (udayabbaya ñāṇa) và diệt trí (bhaṅga ñāṇa) trong vòng một tuần. Isidāsi đã đắc tam minh chỉ sau bảy ngày thực hành. Tam minh có nghĩa là ba loại trí: 1) Túc mạng minh (pubbenivāsāñāṇa): trí giúp người ta có khả năng nhớ được các tiền kiếp của mình; 2) Thiên nhãn minh (dibbacakkhu-ñāṇa): trí giúp người ta có khả năng thấy mọi thứ trên cõi trời, địa ngục và các cảnh giới khác mà mắt trần không thể thấy được; 3) Lậu tận minh (āsavakkhaya-ñāṇa): một loại trí có cùng ý nghĩa với A-la-hán thánh đạo trí có thể giúp người ta đoạn diệt tất cả mọi khuynh hướng và phiền não hay nói cách khác các lậu hoặc (āsava).

Khi chứng đắc minh cuối cùng này là đã chứng đắc A-la-hán thánh quả. Như vậy, Isidāsi thành tựu mục đích của đời phạm hạnh chỉ trong bảy ngày và trong trí hồi nhớ (phản khán trí) có thể nàng đã tự chúc mừng mình vì đã được hết ông chồng này đến ông chồng khác ruồng bỏ. Khi bị người chồng đầu tiên bỏ, lẽ ra nàng sẽ không lấy người chồng thứ hai, và lại càng không nghĩ đến việc trở thành một vị Tỳ-kheo ni nữa. Quả vậy, ngay cả việc sống đời với gã ăn mày có thể cũng đã ngăn chặn khả năng sống đời phạm hạnh đối với nàng. Thực sự, nàng chọn sống đời phạm hạnh là vì những ảo mộng về cuộc đời của nàng đã tan vỡ. Nàng trở thành một bậc A-la-hán chỉ trong bảy ngày và thành tựu sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau bén rễ trong vòng luân hồi này. Đối với nàng, sự ruồng bỏ của hết người chồng này đến người chồng khác theo một nghĩa nào đó là một sự may mắn đã được nguỵ trang mà thôi.

Chúng ta nên nhìn trường hợp của Isidāsi một cách trí tuệ như vậy. Hẳn Isidāsi sẽ cảm thấy rất hài lòng, vì mặc dù nàng phải chịu quá nhiều khổ đau do ác nghiệp quá khứ, nhưng cuối cùng chính những khổ đau ấy đã giúp nàng trở thành một bậc A-la-hán. Vì thế khi một sự bất hạnh xảy đến với chúng ta, chúng ta không nên để nó ám ảnh tâm trí và trở nên ngã lòng. Chúng ta nên có một cái nhìn lạc quan về nó. Thái độ của tâm giúp an ủi chúng ta và có lợi cho nhu cầu tâm linh của chúng ta này được gọi là Như Lý Tác Ý (yonisomanasikāra) trong Pāḷi. Nhưng tôi nghĩ rằng không người phụ nữ nào lại muốn bị chồng bỏ giống như Isidāsi cả. Vì, mặc dù Isidāsi trở thành một bậc thánh A-la-hán, nhưng đối với những người phụ nữ khác có lẽ sẽ khó mà chuyển được những bất hạnh của mình thành lợi thế như Isidāsi đã làm.

Khi Isidāsi hồi nhớ lại các kiếp sống quá khứ bằng túc mệnh minh của mình, những ác nghiệp quá khứ và những quả khổ đau trong suốt bảy kiếp cuối kéo đến với nàng. 1) Kiếp thứ nhất nàng là một người thợ bạc ở thành phố Erakiccha. Là một thanh niên được tiếp xúc thân mật với nhiều phụ nữ, người thợ bạc này đã phạm tội tà dâm. Do ác nghiệp tà dâm ấy, lúc chết 2) anh tái sanh vào địa ngục và phải chịu khổ trong một thời gian dài. 3) Sau đó anh tái sanh làm một con khỉ đực. Sau khi sanh ra được bảy ngày khỉ chúa đã cắn đứt hòn dái của nó vì không muốn có bất kỳ một con khỉ đực nào trong bầy. Đây là quả nghiệp của tà dâm. 4) Rồi trong kiếp kế anh tái sanh làm một con cừu đực. Con cừu cũng bị thiến và cuối cùng bị giết làm thức ăn cho con người. 5) Trong kiếp thứ năm anh sanh làm một con bò đực, người ta cũng thiến nó để dùng cho việc cày bừa và kéo xe. Chúng ta biết bò đực thường bị thiến để cho dễ dạy. Khi còn nhỏ tôi có chứng kiến những bò đực bị người ta thiến. Đó thực sự là một cảnh tượng khủng khiếp. Con bò bị cột ghì xuống và người ta lấy một cái chày gỗ nện vào hòn dái của nó và đập bể ra. Chắc hẳn là nó rất đau đớn, vì con vật không thể ăn được trong ba hoặc bốn ngày. Sau đó, khi nó đã đủ khoẻ để làm việc, nó phải làm việc quần quật suốt cả ngày dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt hoặc trong những cơn mưa ướt lạnh mà không thể phàn nàn được gì ngay cả khi bị bệnh. Cuối cùng khi nó trở nên quá già không thể làm việc được nữa, người ta bán nó cho một tay đồ tể chẳng kể đến quá trình phục vụ lâu dài của nó cho người chủ. Rồi nó chết một cách tuyệt vọng và đau khổ dưới tay của người đồ tể. Cuộc sống của một con vật như vậy quả thực là nát lòng. 6) trong kiếp thứ sáu nàng thọ thai trong bào thai của một người nữ nô lệ và như vậy trở thành đứa con do người nô lệ sanh. Tệ hơn nữa, lúc sinh ra nàng không có cơ quan sinh dục nam cũng chẳng có cơ quan sinh dục nữ, một hiện tượng bất thường đáng xấu hổ vốn là quả nghiệp của tà dâm. Suốt ba mươi năm nàng phải chịu khổ với thân tướng như thế và 7) trong kiếp thứ bảy nàng tái làm con gái của một phu xe nghèo hèn, khốn khó.

Vì cha nàng không có tiền để trả nợ cho chủ, nên nàng bị người này bắt làm nô lệ. Nàng phải làm đủ mọi loại công việc trong nhà người chủ. May thay, nhờ được chút nhan sắc nên khi lớn lên nàng trở thành vợ lẽ của Giridasa, con trai của chủ nhân. Thói đời, vợ cả và vợ lẽ thường hay tìm cách làm tổn hại đến quyền lợi của nhau. Người vợ lẽ cố gắng nói xấu người vợ cả để tạo mối bất hoà giữa nàng và chồng nàng. Nhưng người vợ cả là một người phụ nữ có nhân cách đạo đức tốt, vì thế những lời bình phầm có tính cách chia rẽ của nàng chống lại người phụ nữ tốt bụng này đã tạo ra rất nhiều những trọng nghiệp bất thiện và với những nghiệp tà dâm trong kiếp trước bây giờ nàng lại làm cho số phận của nàng trở nên xấu hơn bằng những lời ác độc của mình. Thực sự Isidāsi đã nhận ra những lầm lỗi của nàng và quy sự ghét bỏ của những người chồng trước bất chấp sự tận tuỵ như nô lệ của nàng đối với họ là do quả nghiệp nói lời chia rẽ của nàng trong tiền kiếp mà ra.

Nàng thêm rằng do ác nghiệp của nàng, nàng đã bị ruồng bỏ ngay cả bởi người ăn mày và rằng nhờ đi theo con đường bát chánh nàng đã đạt đến A-la-hán thánh quả và dứt trừ được món nợ ấy. Đây là điểm quan trọng nhất. A-la-hán thánh quả có nghĩa là sự tận diệt hoàn toàn của mọi nghiệp lực. Nghiệp không còn cho quả nữa; đó là kiếp cuối của vị A-la-hán và đúng thời vị ấy sẽ Bát Niết Bàn (parinibbāna). Sau khi Bát-Niết Bàn không còn một đời sống mới hay nói khác hơn không còn hợp thể thân-tâm nữa. Vì thế, tất cả những khổ đau của Isidāsi đã vĩnh viễn chấm dứt.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app