Kẻ Ăn Thịt Người Bị Lưu Đày

Vua xứ Benares này rất ghét những bữa ăn không có thịt và vì thế người đầu bếp của vua phải phục vụ món thịt cho vua hàng ngày. Một ngày kia lùng kiếm không ra thịt vì người ta không giết thú trong ngày cấm kỵ ấy. Người đầu bếp sợ bị trừng phạt nên đã đi vào nghĩa địa và cắt một miếng thịt nơi một tử thi mới vừa chết để nấu cho vua ăn. Ở Ấn Độ người ta có phong tục đưa xác người chết vào nghĩa địa ngay liền sau khi chết, nên đa số các tử thi còn tươi nguyên. Ngày hôm đó Đức Vua thấy món thịt rất thơm ngon nên đã hỏi người đầu bếp xem đó là loại thịt gì. Rasaka, người đầu bếp của vua không dám nói gì cả nhưng khi bị đe doạ giết chết, ông buộc phải tiết lộ sự thực. Thế là từ đó Đức Vua ra lệnh cho ông phải làm món thịt người này mỗi ngày. Rasaka đã giết chết những tên tử tù trong nhà tù để lấy thịt cho đức vua. Khi trong nhà tù không còn người bị kết án nào nữa, anh ta phải giết một người đàn ông bình thường mỗi đêm. Cuối cùng khi tục ăn thịt người của đức vua bị phát hiện viên đại tướng cùng toàn dân đã trục xuất nhà vua ra khỏi đất nước.

Porisāda, Kẻ Ăn Thịt Người

Đức Vua rời khỏi quốc độ và cùng với người đầu bếp ông chọn nơi trú ngụ dưới một gốc gây đa lớn ở trong rừng. Từ đây ông đã giết những người lữ hành đi trên con đường rừng và sống nhờvthịt người do người đầu bếp nấu. Vì thế ông được gọi là Porisāda, (Pori = thịt người, sāda = kẻ ăn), kẻ ăn thịt người.

Một ngày nọ Porisāda trở về tay không. Ông bảo người đầu bếp nhen lửa và bắc nồi. Người đầu bếp hỏi ông về thịt nhưng ông nói, “Ô! đừng lo. Chúng ta sẽ có thịt thôi mà.” Rasaka rất hoảng sợ. Anh ta run rẩy nhóm lửa và bắc nồi lên bếp với nỗi lo sợ rằng phiên mình đã đến. Quả thật, Porisāda đã giết chết tên đầu bếp và nấu bữa ăn cho mình. Vì thế dân gian thường nói, khi không có gì để ăn, người thân nhất phải là vật hy sinh.

Sau đó Porisāda còn lại có một mình. Ông tấn công những người lữ hành đi ngang qua khu rừng và tự nấu các bữa ăn cho mình. Ngày nọ một người Bà-la-môn cùng đi với đám tuỳ tùng của mình rơi vào tay của Porisāda. Những người hộ vệ liều lĩnh đuổi theo, túng thế Porisāda vội nhảy qua hàng rào và bị một gốc cây nhọn đâm vào chân. Do bị thương nghiêm trọng, y đã buông bỏ người bà-la-môn và nằm nghỉ dưới gốc cây đa. Y cầu xin vị thọ thần giúp y chữa lành vết thương và hứa sẽ dâng cúng máu hiến tế của 101 vị vua nếu như lời cầu nguyện của y được thành tựu. Hồi còn nhỏ chúng tôi có biết một số điều về sự chữa lành của các thần linh (nats). Chẳng hạn một người phụ nữ nhà quê nọ cầu khấn thần linh để chữa bệnh cho đứa con của con của mình và hứa sẽ làm một cái gì đó để tạ ơn. Thực sự thì những vị thần linh này không thể chữa được bệnh nhưng do sự thiếu hiểu biết của người phụ nữ quê, mà đa số những phụ nữ ở thôn quê thường nương tựa vào các thần linh theo tín ngưỡng dân gian cổ xưa của họ mà thôi.

Có lẽ, do bị thiếu ăn, vết thương của Porisāda đã nhanh chóng lành lại trong vòng một tuần lễ. Ông cho việc chữa lành ấy là do ý của thọ thần. Giữ đúng lời hứa, trong vòng một tuần ông đã đi bắt được một trăm vị vua, cột họ lại bằng dây và giam giữ họ tại gốc cây đa. Ấn độ hay còn gọi là xứ Diêm Phù Đề (Jambudīpa) theo kinh điển, chiều rộng từ đông sang tây, từ nam đến bắc nằm trong khoảng giữa hai và ba ngàn dặm. Tính ra ông phải làm một trăm cuộc hành trình, mỗi cuộc mất một đoạn đường khá dài. Vì, như đã nói ông mất một tuần để bắt các vị vua, tính ra ông chỉ mất có 168 giờ làm việc, và điều này có nghĩa là việc bắt mỗi vị vua trung bình mất khoảng hai tiếng. Như vậy, việc bắt 100 vị vua ở khắp đất nước Ấn Độ là chuyện không thể xảy ra đối với ông. Có thể lắm những người ông bắt chỉ là những lãnh chúa địa phương mà thôi. 

Một trong các vị vua không bao gồm trong số những người bị bắt là Sutasoma. Vì Porisāda đã từng nằm dưới sự dạy dỗ của vua Sutasoma này, Porisāda nghĩ bắt người thầy cũ của mình thật là điều không hợp lẽ vì thế ông tiến hành lễ hiến tế bằng máu của các vị vua đang bị giam giữ. Tuy nhiên vị thọ thần biết rằng mình không liên can gì cả đến việc chữa lành chân cho Porisāda và ông không thích thú với hình ảnh của lễ hiến tế bằng máu vốn sẽ làm cho cái cây ông ở trở nên nhơ uế và nhất là lại liên quan đến việc giết hại vô nghĩa các vị vua như thế này. Vì thế, theo lời khuyên của các vị chư thiên có quyền lực hơn vị thọ thần đã hiện hình ra cho Porisāda thấy và đòi bắt cho bằng được vị vua nổi tiếng Sutasoma.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app