Khắc Phục Lời Nói Ly Gián

Dù thế nào đi nữa chúng ta cũng nên tránh đưa ra những nhận xét hay bình phẩm có khả năng tạo ra sự hiểu lầm và bất hoà. Những lời nói của chúng ta nên được dùng như thế nào để người khác biết kính trọng những người đáng kính trọng, biết hoà hợp những người đang bên bờ vực của sự xung đột. Nếu chúng ta nghe một người nào đó bị chỉ trích do hiểu lầm, chúng ta nên khuyên họ chế ngự. Còn đối với người chỉ trích chúng ta nên khuyên họ bằng cách nói, “Tôi tin người này không nói như vậy đâu”, hay “Có thể y nói điều đó nhưng không phải nói với ác ý mà với ý tốt thôi.” Đức Phật mô tả sự tiết chế nói lời ly gián như sau:

“Người đã nguyện tiết chế không nói lời ly gián nên tránh việc ngồi lê đôi mách. Người ấy nên đem lại sự đoàn kết giữa những người chia rẽ. Những lời nói của người ấy phải làm sao củng cố được sức mạnh hoà hợp giữa những người đã hoà hợp. Người ấy hoan hỷ khi thấy người khác sống trong hoà hợp. Người ấy yêu thích sự hoà hợp và do đó người ấy sẽ chỉ đưa ra những lời bình phẩm có khuynh hướng khuyến khích mối quan hệ hoà hợp.”

Vậy thì chúng ta không nên truyền lại những lời bình phẩm có tính gây ly gián của một người đến người khác liên quan. Chúng ta không nên nói cho một người biết những lầm lỗi của người khác. Chúng ta chỉ nên nói những lời thận trọng và lợi ích. Chúng ta chỉ nên đưa ra những lời bình phẩm đem đến sự hoà hợp, nhưng lời bình phẩm như “Bạn anh thường khen ngợi tính chân thật, phóng khoáng và năng lực làm việc của anh đấy.” Khi chúng ta nghe một người nói xấu về người khác, chúng ta nên nói “Điều bạn nói có thể không đúng sự thưc như vậy đâu; có lẽ bạn đã hiểu lầm y hay y đã phạm sai lầm một cách chân thực thôi, y là một người rất tốt. Y không thể nào đưa ra một nhận xét điên rồ như vậy đâu”. Bất cứ thế nào, chúng ta cũng không nên ủng hộ một nhận xét có tính chê bai. Thay vào đó, chúng ta nên nói những gì làm dịu được cơn giận của một người. Những lời nói như vậy sẽ giúp ngăn chặn mọi xung đột có thể xảy ra hay phục hồi lại tình đoàn kết giữa những người đã chia rẽ.

Như vậy chúng ta nên thực hành pháp đoạn giảm (Sallekha dhamma) tránh xa lời nói ly gián (phương diện đoạn giảm); chúng ta nên trau dồi những ý nghĩ liên quan đến việc tránh nói lời ly gián (phương diện khởi tâm); chúng ta nên tránh nói lời ly gián bằng cách đi theo con đường tránh ly gián ngữ (phương diện tránh né); chúng ta nên tránh nói lời ly gián để nâng cao tinh thần của chúng ta lên (phương diện hướng thượng); và chúng ta tránh ly gián ngữ để chứng đắc Niết Bàn (phương diện trừ diệt).

Có những người bản tính không có thói quen nói lời ly gián và có những người tránh được nó vì sự cam kết giữ giới vững chắc của họ. Đây là sự diệt của phiền não có gốc ở sự vi phạm bằng lời, một sự diệt được dựa trên giới bẩm sinh hay trên giới tự áp đặt trên bản thân. Tất nhiên một sự diệt như vậy là tốt và được đề nghị trong Kinh Đoạn Giảm. Nhưng chúng ta không nên tự bằng lòng với nó. Vì nó không vĩnh hằng. Mặc dù hiện tại chúng ta không có những phiền não, nhưng không gì có thể bảo đảm cho chúng ta sẽ được như vậy trong kiếp sau. Vì thế điều cần thiết là phải bứng gốc nó trên bình diện của thánh đạo (Ariyamagga). Một sự bứng gốc như vậy được gọi là đoạn ly hay xa lìa phiền não bằng sự tuyệt diệt khi đắc thánh đạo (samuccheda-virati), một trong ba loại virati (virati [vi-rati=veramaṇī] 離, có ba loại: sampattavirati, samādānavirati, samucchedavirati) chúng tôi đã nói ở trên.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app