Giảng Giải Kinh Đoạn Giảm – Sự Xác Nhận Về Đức Tin (cittuppādavāra,[pháp Môn Khởi Tâm]…)

Sự Xác Nhận về Đức Tin (Cittuppādavāra, [pháp môn khởi tâm]…)

Điều quan trọng hơn nữa là phải xác nhận đức tin của chúng ta trong Nghiệp khi chúng ta giao tiếp với những người ngoại đạo hoặc khi chúng ta sống giữa họ. Bất chấp những người bác bỏ nó có nói điều gì chúng ta cũng phải trung thành với chánh kiến. Một số thiếu niềm tin vững chắc vì thế họ thường lầm đường lạc lối sau khi đọc những cuốn sách ủng hộ tà kiến. Một số xa rời chánh kiến để chạy theo việc hôn nhân hoặc những mối quan hệ xã hội của họ. Đây thực sự là một tổn thất về di sản tinh thần vô cùng đáng tiếc. Những con người lầm đường lạc lối như vậy sẽ chỉ nhận ra sự sai lầm của mình và chịu đựng sự hối tiếc muộn màng lúc sắp lâm chung và trong đời sau của họ.

Tà kiến có nghĩa là tà đạo, chánh kiến có nghĩa là chánh đạo, và cũng như một người đi theo chánh đạo để tránh tà đạo thế nào, thì người chưa hoàn toàn thoát khỏi tà kiến nên thay đổi đạo lộ của mình như vậy. Đây là những gì Đức Phật dạy liên quan đến sự chọn lựa chánh kiến như một thay thế cho tà kiến.

Hơn nữa tà kiến đưa xuống cõi thấp, trong khi chánh kiến đưa đến những cảnh giới hiện hữu cao hơn. Trong hai con đường này Đức Phật nói chúng ta nên chọn con đường đưa đến cõi cao hơn. Một người không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp sẽ không làm điều thiện và cũng không tránh điều ác. Vì thế họ không thể hy vọng có được một kiếp sống cao hơn mà chắc chắn sẽ rơi xuống những cõi thấp. Nhưng một người tin nghiệp và quả của nghiệp sẽ biết tránh điều ác, và cố gắng sống một cuộc sống hiền thiện cho đến mức có thể. Nhờ những thiện nghiệp của mình người ấy sẽ đạt đến những cảnh giới cao hơn như nhân giới và thiên giới hoặc đạt đến thánh đạo, thánh quả và Niết Bàn nhờ thực hành thiền minh sát. Như vậy, chỉ khi có chánh kiến người ta mới có thể thực hiện được những tiến bộ tinh thần.

Mọi người đều mong mỏi một đời sống cao hơn và cất công đi tìm nó nhưng có số tìm nó bằng cách đi theo tà đạo. Một số người không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp nhưng vẫn đạt được một đời sống cao hơn và thành công trong cuộc sống do nghiệp quá khứ và sự năng nỗ của họ trong kiếp hiện tại. Người được thành công bất chấp sự bác bỏ quy luật nghiệp báo của họ như vậy vẫn được một số người có cùng quan niệm như họ kính trọng và nghe theo lời họ khuyên. Theo cách này họ có thể thành tựu những mục đích của họ trong kiếp sống hiện tại nhưng rất có thể họ sẽ phải rơi xuống các cõi thấp sau khi chết do nghiệp tà kiến ấy. Do đó chúng ta nên mưu cầu một đời sống cao hơn bằng chánh kiến.

Cuối cùng, theo Đức Phật, chấp nhận chánh kiến là yếu tố cần thiết cho sự dập tắt hoàn toàn mọi phiền não hay nói cách khác, cho sự chứng đắc Niết Bàn.

Nếu một người tin rằng không có nghiệp và quả của nghiệp hay có xu hướng về một niềm tin như vậy, họ nên từ bỏ nó và chấp nhận chánh kiến sau khi nghe một bài pháp giải thích đầy đủ về nghiệp và như lý tác ý (yonisomanasikāra). Điều này sẽ đưa đến sự diệt của các phiền não có gốc ở tà kiến. Phàm phu bình thường dù chưa hoàn toàn thoát khỏi tà kiến song cũng sẽ được bảo đảm thoát khỏi chúng nếu họ biết củng cố chánh kiến hay vững tin vào nghiệp, thực hành thiền minh sát và đạt đến giai đoạn nhập lưu thánh đạo và nhập lưu thánh quả.

Do đó, hợp theo lời dạy của Đức Phật trong Kinh Đoạn Giảm, chúng ta hãy xác nhận một lần nữa rằng:

“Người khác có thể chấp giữ tà kiến cho rằng không có nghiệp và quả của nghiệp nhưng chúng ta sẽ giữ vững chánh kiến tin có nghiệp và quả của nghiệp. Chúng ta sẽ thực hành pháp làm giảm nhẹ phiền não. Chúng ta sẽ trau dồi những ý nghĩ về chánh kiến (tin) vào nghiệp (pháp môn khởi tâm). Chúng ta sẽ tránh tà kiến bằng cách chấp nhận chánh kiến để nâng cao tinh thần của chúng ta lên (pháp môn hướng thượng) và để dập tắt các phiền não (pháp môn đoạn diệt).”

Như vậy, chúng ta cần phải củng cố niềm tin vào nghiệp. Bằng cách bất cứ khi nào chúng ta gặp hay nghe nói về một việc làm ác chúng ta phải nhớ rằng nó sẽ có quả báo ác của nó và hãy tránh xa ác nghiệp ấy. Khi chúng ta làm một điều thiện, chúng ta phải làm nó với toàn tâm toàn ý, ghi nhớ trong tâm rằng nó sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta.

Cách làm điều thiện này phát sanh do sự hiểu biết. Nó bảo đảm cho một người có được tái sanh tốt trong kiếp sau. Hơn nữa, khi chúng ta quán về quy luật nhân quả chúng ta đã có tâm thiện (diṭṭhijukamma, tri kiến chánh trực về nghiệp). Đây là một loại tu tập tâm mà chúng ta cần phải thực hành nó trước khi chúng ta thực hành các loại tu tập (thiền) khác.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app