Ý Sân (Vyāpāda)

Vyāpāda là ác ý muốn gây ra cái chết hay sự huỷ diệt của một người nào đó. Vì thế trong kinh điển Pāḷi thường định nghĩa từ ý sân (vyāpāda) với dẫn đoạn như sau: “Cầu cho những người này (hay những chúng sanh này) bị hành hạ đi hay bị giết chết đi! Cầu cho toàn thể bộ lạc này hay dòng tộc này bị tiêu diệt đi hay bị diệt vong đi! Loại ý muốn làm hại và huỷ diệt những chúng sanh khác như vậy gọi là ý sân.” Do đó, có thể nói ý sân là ý định của một người đang sân muốn gây ra cái chết hay sự hành hạ một người hay một chúng sanh nào đó. Thực ra ý muốn tự nó đã là một bất thiện nghiệp trong tâm. Ở mức tối thiểu nhất ước muốn cho một con muỗi hay một con côn trùng nào đó chết hay bị huỷ diệt đi cũng có nghĩa là ý sân mang quả nghiệp bất thiện. Tuy nhiên vì những dạng thức thấp của sự sống này không có giá trị đạo đức nên ý sân đối với chúng thường không có quả nghiệp nghiêm trọng. Quả nghiệp sẽ rất nghiêm trọng nếu chúng ta ước muốn đem lại sự chết hay sự huỷ diệt cho những người hay những nhà sư có giới đức và những ân đức đặc biệt khác.

Bởi thế, chúng ta nên loại trừ ý sân bằng cách tu tập tâm từ và thường xuyên rải tâm từ này đến muôn loại chúng sanh: “Cầu mong cho những chúng sanh này thoát khỏi hiểm nguy! Cầu mong cho tất cả chúng sanh được thoát khỏi khổ thân và khổ tâm! Cầu mong cho tất cả chúng sanh được sống an vui, hạnh phúc!” Đây là cách để tránh con đường độc ác của ý sân bằng con đường hiền thiện của tâm từ. Nếu chúng ta tu tập tâm từ theo cách này, chúng ta có thể thăng tiến hết giai đoạn này đến giai đoạn khác để dập tắt ngọn lửa sân hận bằng nước mát của từ bi.

Những người không tự chế được mình thường có ý muốn cho những người họ ghét phải bị chết hay bị huỷ diệt đi. Khi chúng ta sống giữa những người như vậy chúng ta phải tự thoát khỏi ý sân này; chúng ta sẽ chiến thắng ý sân bằng tu tập tâm từ. Nếu chúng ta có ý sân, chúng ta phải lấy chánh niệm để loại trừ nó. Sự thực hành pháp đoạn giảm (Sallekha dhamma) là như vậy.

Chúng ta cũng có thể chiến thắng ý sân bằng thiền minh sát, đó là, bằng cách chánh niệm vào mỗi lúc thấy, nghe, và v.v…. Khi chúng ta thấy một người mà chúng ta không muốn thấy hay khi chúng ta nghe một âm thanh mà chúng ta không muốn nghe, đặc biệt khi chúng ta biết một người nào đó đang làm một việc gì phương hại đến lợi ích của chúng ta hay khi chúng ta phát hiện hay biết được điều chúng ta không muốn phát hiện hay không muốn biết, chúng ta thường có ý sân, “Cái gã chết tiệt ấy! Trời tru đất diệt nó đi!” Nhưng, khi có chánh niệm vào mỗi lúc thấy, nghe, v.v…chúng ta sẽ thấy mọi ý nghĩ, cảm xúc diệt ngay tức thời, và vì thế ý sân không thể nào sanh khởi lúc đó. Vì thế, chánh niệm liên tục trên mọi hiện tượng tâm sẽ loại trừ được sự có thể khởi lên của ý sân và đó là cách để vượt qua nó bằng sự thực hành thiền minh sát.

Nếu chúng ta không hành minh sát được, chúng ta vẫn có thể vượt qua ý sân bằng cách tu tập Thiền Tâm Từ (mettā-bhāvanā). Chúng ta sẽ rải tâm từ đến mọi chúng sanh mà chúng ta thấy hay nghe. Nhờ làm thế, chúng ta sẽ không có ý sân đối với họ. Những chúng sanh chúng ta không thấy hay nghe cũng phải là trọng tâm của tâm từ mà chúng ta rải. Nếu chúng ta quan sát được tâm đang rải tâm từ, thì điều đó có nghĩa là chúng ta cũng đang hành minh sát. Như vậy, nhờ rải tâm từ và ghi nhận việc rải tâm từ ấy, như một hình thức của thiền minh sát, chúng ta có thể thăng tiến hết giai đoạn này đến giai đoạn khác trong minh sát trí của chúng ta cho đến khi chúng ta đạt đến giai đoạn Bất Lai (anāgāmi), lúc ấy ý sân bị dập tắt hoàn toàn. Ngay cả ở giai đoạn Nhập lưu người hành thiền cũng đã thoát khỏi loại ý sân có khả năng đưa đến các cõi thấp. Vì thế, ít nhất chúng ta cũng nên cố gắng kiếm cho được giai đoạn Nhập lưu này để khắc phục ý sân và nếu có thể hãy cố gắng đạt đến giai đoạn Bất lai để có được sự diệt hoàn toàn của nó.

Bây giờ chúng ta hãy phát triển tâm từ và hành thiền: 

– Cầu cho tất cả chúng sanh thoát khỏi hiểm nguy!

– Cầu cho tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ tâm!

– Cầu cho tất cả chúng sanh thoát khỏi khổ thân!

– Cầu cho tất cả chúng sanh được sống an vui, hạnh phúc! Trong khi phát triển tâm từ, nếu quan sát chúng ta sẽ thấy rằng tâm tập trung trên đó cũng như hoạt động tự nhiên của ý chí biến mất tức thời. Sự biến mất này chỉ ra cho thấy quy luật vô thường (anicca). Hiện tượng vô thường này là khổ (dukkha). Và vô thường, khổ là những dấu hiệu của vô ngã (anatta). Sự hay biết về bản chất của các pháp khi tu tập tâm từ như vậy là minh sát (vipassanā). Vì thế, trong khi tu tập tâm từ chúng ta có thể hành minh sát cùng một lúc.

– Cầu mong cho tất cả chúng sanh thoát khỏi hiểm nguy!

– Cầu mong cho tất cả chúng sanh có thể chịu đựng được gánh nặng của năm uẩn này!

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app