Sơ Thiền và Ngã Mạn

“Này Cunda, Như Lai sẽ nói cho ông biết về nguyên nhân khiến cho người ta có tà kiến và ngã mạn liên quan đến việc hành thiền. Trong số những đệ tử của Như Lai, có một số vị Tỳ-kheo đã đạt đến sơ thiền được biểu thị bằng trạng thái hỷ lạc, thoát khỏi dục tham, thoát khỏi các triền cái và phóng tâm.”

Thiền (jhāna) là tập trung sự chú ý trên một đối tượng duy nhất như biến xứ đất, biến xứ nước, hơi thở vô-ra, một bộ phận nào đó của cơ thể hay một tử thi. Trạng thái tâm cần phải có sự tập trung và yên tĩnh này là thiền chỉ (samatha jhāna). Có một loại thiền khác là thiền minh sát (vipassanā jhāna) vốn lấy sự quán và minh sát trí về ba đặc tánh của hiện hữu, đó là vô thường, khổ và vô ngã, như đối tượng của nó.

Những Thuộc Tính Của Sơ Thiền

Trong sơ thiền người hành thiền thoát khỏi những tham dục vốn luôn luôn chi phối tâm kẻ phàm phu và thậm chí gây trở ngại cho những người hành thiền chưa phát triển được định. Sơ thiền cũng bảo đảm thoát khỏi bốn triền cái khác, đó là sân, hôn trầm-thuỵ miên, trạo cử phóng dật và hoài nghi. Người hành thiền hưởng được sự giải thoát này không chỉ trong lúc nhập thiền mà ngay cả trước và sau khi nhập thiền nữa.

Sự giải thoát khỏi các triền cái được theo sau bởi hỷ (pīti) và lạc (sukha). Người hành thiền có một cảm giác ngây ngất ngập tràn khắp toàn thân không thể mô tả được. Vị ấy không cò n cảm thấy bị tê cứng, mệt mỏi, hay những bất ổn khác trên thân nữa.

Như vậy, ngoài sự giải thoát khỏi các triền cái người hành thiền còn có năm thuộc tính biểu thị sự an trú sơ thiền, đó là, tầm (vitakka), tứ (vicāra), hỷ (pīti), lạc (sukha) và nhất tâm hay định (ekaggatā hay samādhi). Thân của người hành thiền an trú trong sơ thiền sẽ bất động, vững chắc, và thanh thản.Trạng thái tâm thiền này có thể kéo dài hai hoặc ba giờ; cũng có khi nó kéo dài cả ngày hoặc cả đêm tuỳ theo quyết định của người hành thiền mà không có sự đổ sụp hay lắc lư của thân. Thật lầm lẫn khi một số người xem việc nằm dài hay lăn quay trên sàn nhà như dấu hiệu của sự chứng đắc tâm linh. Những chứng đắc được gọi tên bằng những từ như thiền (jhāna), đạo (magga) hay quả (phala) gọi là appanajavana mà chúng ta có thể dịch là tốc hành an chỉ vì các bản chú giải xác định nó là sự duy trì và làm cho vững chắc các oai nghi ngồi hoặc đứng của thân.

Do thoát khỏi năm triền cái và kinh nghiệm năm thiền chi biểu thị đặc tính của sơ thiền, người hành thiền có khuynh hướng tự cao và ngã mạn. Nhưng, như trong câu trả lời của Đức Phật cho Cunda, ngài đã khẳng định rõ ràng rằng sự chứng sơ thiền không có nghĩa là sự đoạn giảm của các phiền não.

Tất nhiên, phần người chứng sơ thiền cũng có những lý do để ảo tưởng. Trước khi hành thiền vị ấy đã hy vọng sẽ có được những kinh nghiệm phi thường, vì thế nếu đạt được những kinh nghiệm như vậy, họ có khuynh hướng bị đánh lừa vào cảm giác sai lầm của sự chứng đắc. Cũng có một số mắc ảo tưởng do bị hướng dẫn sai lầm bởi những vị thầy không có khả năng. Trong trường hợp của một số người hành thiền, sự giải thoát tương đối của những triền cái và cảm giác hoan hỷ cũng như những kinh nghiệm khác thường làm cho họ thoả mãn đủ để phát sanh sự tự mãn.

Tuy nhiên, trong thực tế kinh nghiệm chứng thiền này khác xa với minh sát trí về vô thường, khổ và vô ngã. Nó không thể nào bị lầm lẫn với việc thực hành sallekha (tức thực hành sự đoạn giảm) vốn giúp vị hành giả giảm bớt những phiền não được. Vì sơ thiền chỉ có thể tránh xa những phiền não, trong khi nhờ thực hành đoạn giảm người hành thiền cuối cùng có thể đoạn trừ được chúng, cả gốc lẫn cành. Mặc dù vậy, sự chứng thiền vẫn có khuynh hướng tạo cho người hành thiền cái ấn tượng rằng mình đã là một bậc thánh nhập lưu hay A-la-hán. Khi Đức Phật còn tại thế và sau khi ngài nhập diệt không lâu cũng vậy, có những vị Tỳ-kheo đã mắc phải những ảo tưởng như vậy.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app