Chánh Tư Duy (Sammāsaṅkappa)

Chánh tư duy là đối nghịch của tà tư duy và vì vậy nó cũng có ba loại, đó là, tư duy về sự xuất ly hay xuất ly tầm (nekkhammavitakka, 出離尋), tư duy về sự không sân hận hay vô sân tầm (avyāpādavitakka, 無瞋尋), và tư duy về sự vô hại, hay còn gọi là vô hại tầm (avihiṁsāvitakka,無害思惟,無害寻). Trong ba tư duy này tư duy về sự xuất ly là ý định tự giải thoát mình khỏi tham dục, phiền não và luân hồi. Theo chú giải, gia nhập Tăng Đoàn hay xuất gia trong Phật giáo là sự xuất ly (nekkhamma). Niết Bàn hay sơ thiền hay thiền minh sát hay thực hành bố thí, trì giới,…cũng là sự xuất ly. Vì thế suy nghĩ đến việc gia nhập tăng đoàn, suy nghĩ đến việc tu tập tâm để đạt đến sơ thiền, suy nghĩ đến việc đắc Niết Bàn, nghĩ đến việc đi tới một trung tâm thiền, nghĩ đến việc giữ giới, nghĩ đến việc bố thí, nghĩ đến việc nghe pháp – mỗi ý nghĩ như vậy đều là tư duy xuất ly (nekkhammavitakka). Và mỗi ý nghĩ về việc xuất ly đều bao hàm chánh kiến về nghiệp. Chánh kiến này cũng có mặt vào lúc chuyển tư duy thành hành động. Như vậy khi chúng ta tu tập chánh tư duy, chúng ta cũng tu tập chánh kiến và ngược lại. Các chi phần khác của đạo ít nhiều cũng được tu tập hợp theo cách đã nói.

Tư duy vô sân là đối nghịch của tư duy sân hận. Nó là những tư duy về sự an vui, hạnh phúc của tất cả chúng sanh dựa trên lòng từ ái và yêu thương. Tư duy vô hại là đối nghịch của tư duy não hại. Nó là tư duy phát sanh từ lòng bi mẫn và thông cảm. Con người ta thường chỉ có sự kính trọng đối với những người hợp tác với họ. Họ có khuynh hướng bạc đãi bất cứ người nào nghịch lại với họ. Trong cái thế giới suy đồi đạo đức này nghĩ đến an vui, hạnh phúc của tất cả chúng sanh với lòng từ mẫn quả thực là điều rất cao quý. Ở đây chúng tôi sẽ trích dẫn lại câu chuyện về tư duy xuất ly của đức Bồ tát Sumedhā mà không ai có thể quên được.

Bồ tát Sumedhā sanh cách đây đã nhiều a-tăng-kỳ kiếp trước. Cha mẹ ngài chết khi ngài còn rất trẻ. Vì thế viên trưởng khố của gia đình đã giao lại cho chàng toàn bộ số tài sản mà bảy đời cha ông của chàng đã tích luỹ được. Bồ tát Sumedhā suy xét đến sự chết của các bậc cha ông, những người đã để lại toàn bộ khối tài sản to lớn của họ vào tay người khác. Họ không thể trở lại để chăm sóc những tài sản đó. Họ không thể dùng chút tài sản nào của người đi trước và cũng không thể đem nó theo với họ khi chết. Vì thế, bây giờ Sumedhā hy vọng sẽ mang được hết những của cải của mình dưới hình thức quả của nghiệp bằng cách bố thí. Nói cách khác, ngài hy vọng rằng nhờ bố thí ngài sẽ có được phước, loại phước được gọi là tài sản tuỳ thân (anugāmika, 追随的, truy tuỳ đích) bởi vì nó là thứ tài sản luôn luôn đi theo người bố thí trong vòng luân hồi này.

Có bốn loại tài sản, đó là: động sản (Jaṅgama, 活动, hoạt động), bất động sản (thāvara 不動,固定, bất động, cố định), Tài sản như tứ chi (aṅgasama), và tuỳ thân sản (anugāmika, 追随的, truy tuỳ đích). Chú giải mô tả nô lệ, trâu bò và những vật hữu tình khác là động sản, và những vật không có sự sống, không có sự chuyển dịch là bất động sản. Nhưng chúng tôi sẽ phân loại tài sản theo cách truyền thống. Vàng, bạc, áo quần,… những thứ vốn thay đổi một cách dễ dàng được xem là động sản. Loại tài sản này không bền. Mặc dù nó là tài sản của chúng ta, nhưng nó sẽ trở thành tài sản của người khác khi bị lọt vào tay của một kẻ cắp, một tên trộm, hay một kẻ lừa đảo. Chẳng hạn, một cây viết máy hay một chiếc đồng hồ bỏ túi bị một tay móc túi ăn cắp sẽ trở thành tài sản của nó và rất khó mà lấy lại trừ phi vật dụng đó có mang những dấu hiệu nhận dạng hay có người nào đó chứng thực được quyền sở hữu của chúng ta. Vì thế chúng ta không thể sở hữu một vật nào thường xuyên nếu vật ấy có thể chuyển sang sở hữu của người khác một cách dễ dàng. Lúc này nó là của bạn nhưng lúc khác nó có thể là của người khác.

Như vậy vàng, bạc,… không phải những vật dùng được liền đối với chúng ta, cần phải chuyển thành tài sản cố định như đất đai, nhà cửa,… Một tài sản cố định hay bất động sản không thể nào bị chuyển dịch một cách bí mật và vì thế sẽ bền hơn loại động sản. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể bị mất nó khi một người quyền lực hơn đòi lại nó một cách hợp pháp bằng quyền thừa kế của họ. Hay chúng ta có thể mất nó vì không phải lúc nào chúng ta cũng hy vọng ở nó do sự thay đổi của thời gian. Nếu đã không thể hy vọng vào nó thì tốt hơn nên chuyển nó thành loại tài sản như tứ chi (aṅgasama) hay tài sản giống như các bộ phận của cơ thể chúng ta. Chúng ta mang tài sản này theo mình đi bất cứ nơi đâu giống như tay với chân của mình vậy. Loại tài sản này là nghề nghiệp của mỗi người giống như vẽ, dạy học, viết văn, luật, … Một người có thể kiếm sống bằng một nghề nào đó của mình, không ai có thể ăn cắp nghề đó của họ và vì thế người ta mới bỏ tiền ra để cho con cái của họ đi học đặng cho chúng có một cái nghề nuôi thân. Nhưng những nghề bị luật pháp cấm sẽ không đem lại lợi ích gì. Vì thế vững chắc hơn tài sản nghề nghiệp này là tài sản tuỳ thân (anugāmika) dưới hình thức bố thí, giữ giới,… Không người nào có thể ăn cắp nó hay ăn trộm nó hay ngăn không cho nó tạo ra những quả nghiệp thiện của nó. Nó sẽ đi theo chúng ta trong vòng luân hồi này và chứng minh sự lợi ích của nó. Vì thế Bồ tát Sumedhā đã nghĩ đến việc chuyển của cải của mình thành loại tài sản vững chắc nhất, đó là tài sản tuỳ thân (anugāmika), tài sản mà ngài có thể đem theo khi chết.

Sau đó Đức Bồ Tát đã đem bố thí hết tất cả những của cải của mình và trở thành một đạo sĩ. Lúc bấy giờ ngài mới khoảng mười bảy tuổi hay tối đa hai mươi tuổi. Là một đạo sĩ trẻ, ngài phát triển thiền định, tu tập tâm và trong bảy ngày ngài lần lượt đạt đến các thiền chứng và thần thông. Sau đó ngài cúng dường thân mình làm cầu dưới chân Đức Phật Nhiên Đăng (Dīpaṅkarā Buddha), người đã thọ ký rằng ngài sẽ trở thành Phật sau bốn A-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kếp.

Ở đây suy nghĩ của Đức Bồ Tát về việc bố thí hết tất cả tài sản là chánh tư duy hay tư duy về sự xuất ly. Cũng vậy, là tư duy của ngài về vệc trở thành một vị đạo sĩ và cố gắng để đắc các thiền chứng và thần thông. Suy nghĩ đến việc tầm cầu Phật quả của ngài bằng cách cúng dường thân mình làm cầu cho Đức Phật cũng là tư duy xuất ly.

Sau đó, những tư duy của ngài như, tư duy về việc thực hiện những bổn phận hàng ngày trước bảo toạ của Đức Phật và thọ trì ngũ giới, tư duy về việc thọ trì bát giới vào những ngày trai giới hay tư duy về việc nghe pháp và thực hành pháp của ngài cũng là tư duy xuất ly. Ở đây, việc thực hành pháp có nghĩa là thực hành sự xuất ly khỏi những dục trần khả ý và bất khả ý. Từ Dhamma hay Pháp sẽ là xa lạ đối với những người có khuynh hướng về các dục lạc. Vì thế mặc dù chúng ta khuyên họ thực hành pháp, song chắc là họ sẽ từ chối nó vì lý do này hay lý do khác.

Chúng ta sẽ có những tư duy vô sân (avyāpāda) khi chúng ta rải tâm từ đến một người hay nhiều người; hoặc khi chúng ta quan tâm đến an vui và hạnh phúc của họ; hoặc khi chúng ta làm việc vì sự an vui và hạnh phúc của họ bằng lời nói và hành động, hoặc khi chúng ta, như một người lãnh đạo, làm một điều gì đó vì lợi ích của những người đi theo chúng ta.

Chúng ta có những tư duy vô hại (avihiṁsāvitakka) khi chúng ta, vì lòng bi mẫn và thông cảm, tránh làm hại một người; hoặc khi chúng ta nghĩ đến việc cứu giúp một người đang đau khổ. Những tư duy chan chứa bi mẫn như vậy thường khởi lên trong những người y tá và bác sỹ chăm sóc bệnh nhân một cách nhân từ. Và chính với lòng bi mẫn và tư duy vô hại này mà chúng ta cầu nguyện cho khổ đau chấm dứt giữa mọi người. Chúng ta trau dồi tâm bi đặc biệt đối với những người đang bệnh hoạn, những người đang gặp tai hoạ hay đang than khóc vì những bất hạnh của đời họ.

Trong khi thực hành thiền minh sát mỗi sát-na chánh niệm có nghĩa là sự loại trừ của ba loại tư duy bất thiện và (là) sự trau dồi của ba loại tư duy thiện. Nếu vào sát na thấy, đối tượng thấy được quan sát và nhận thức được bản chất thực của chúng (vô thường, khổ, và vô ngã), sẽ không thể có tư duy tham dục, tư duy sân hận va tư duy não hại trong lúc đó. Chúng ta cũng có thể nói như vậy đối với trạng thái tâm vào sát na nghe, ăn,…Nói chung, mỗi sát na chánh niệm có nghĩa là sự phát triển của những tư duy thiện đối nghịch lại với những tư duy bất thiện. Hay nói cách khác, tự thân chánh tư duy có mặt trong chánh niệm sẽ giúp (người hành thiền) phát triển những tư duy xuất ly, nhờ đó ngăn chặn những tư duy tham dục. Những tư duy sân hận và não hại cũng được loại trừ theo cách đó. Vì nếu chúng ta hay biết tính chất vô thường của mọi hiện tượng xuất hiện ở từng sát na chánh niệm, làm thế nào sự tham muốn đối với một đối tượng vô thường hay những tư duy hãm hại và công kích có thể khởi lên được vì nó?

Vì thế ở mỗi sát na chánh niệm người hành thiền phát triển được ba loại chánh tư duy và khi minh sát trí của họ phát triển và trở nên hoàn thiện, chúng sẽ thấy Niết-Bàn và đạt đến Thánh Đạo. Chánh tư duy ở mức chánh đạo giúp người hành thiền vượt qua được những tư duy bất thiện theo tuần tự. Ở tầng thánh đầu tiên, nó loại trừ những tư duy tham dục có khả năng đưa xuống các cõi khổ. Ở tầng thánh thứ hai nó loại trừ những hình thức thô của tư duy tham dục,… Ở tầng thánh thứ ba những tư duy tham dục bị dập tắt trong khi ở tầng thánh cuối cùng, đó là A-la-hán thánh đạo, chánh tư duy nhổ bật gốc những tư duy bất thiện phát sanh từ tham muốn các cõi sắc giới và vô sắc giới.

Do đó Đức Phật thúc giục các đệ tử của ngài đoạn giảm phiền não bằng sự tu tập chánh tư duy. Chúng ta phải thường xuyên trau dồi chánh tư duy để tránh con đường sai lầm của tà tư duy nhằm nâng cao giá trị tinh thần của chúng ta và để (tạo ra) sự diệt hoàn toàn của tà tư duy này.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app