Nói Lời Thô Ác (Pharusavācā)

“Những người khác có thể nói lời thô ác nhưng chúng ta sẽ tránh nói lời thô ác.” Như vậy, chúng ta nên thực hành Pháp Đoạn Giảm (Sallekha Dhamma) để làm giảm các phiền não.”

Pharusavācā là lời nói thô ác như lăng mạ, chửi rủa, và ngoa nguyền… Loại lời nói này đem lại rất nhiều đau đớn cho người có liên quan, và khó chịu ngay cả đối với những người không có liên quan nữa. Không người nào muốn nghe những lời nói như vậy; và một người có trí không bao giờ dùng chúng. Tuy nhiên để trở thành một nghiệp có khả năng cho quả, việc sử dụng thô ngữ đòi hỏi phải có ba yếu tố, đó là, 1) người bị lăng mạ, nguyền rủa; 2) ác ý chống lại người đó; và 3) hoàn tất hành động lăng mạ hay nguyền rủa ấy.

Nếu vắng mặt bất kỳ một ước muốn bất thiện (muốn) gây đau đớn hay phiền muộn (cho người khác), việc dùng lời nói thô ác sẽ không có quả nghiệp. Chẳng hạn, có lần một đứa bé đi vào rừng không nghe lời khuyên của mẹ nó. Người mẹ giận dữ và nguyền rủa nó, “Cầu cho trâu rừng húc chết mày đi!”. Ở trong rừng đứa bé gặp một con trâu rừng lao tới tấn công nó thật. Trong cơn nguy khốn đứa bé cầu khấn năng lực của sự chân thật, nó nói, “Hãy để cho điều ấy xảy ra (để cho trâu rừng húc tôi), không phải theo những điều mẹ tôi nói mà theo ước muốn và ý định của mẹ tôi.” Người ta nói rằng ngay lúc ấy con vật dừng lại và đứng yên tại chỗ. Một số các bậc cha mẹ thường rủa xả con cái như cầu cho mày bị trâu húc, rắn cắn chết đi, hoặc cầu cho trời đánh, thánh vật mày đi,…đối với những đứa con không vâng lời của họ, nhưng trong thực tế, họ không muốn thấy một sự tai hại nào dù nhỏ nhoi nhất xảy đến với con mình. Những thầy cô giáo cũng vậy, thường hay rầy la những đứa học trò ngang bướng của mình, như “Cút đi! Đừng có ở đây với tôi nữa! Mặc xác chuyện gì xảy ra với mấy đứa!” Nhưng trong thực tế, lòng họ lại luôn mong muốn cho những đứa học trò của mình có được sức khoẻ và đạo đức. Loại lời nói như vậy, mặc dù nghe có vẻ thô ác, vẫn không xuất phát từ những động cơ xấu và vì thế, nó không có quả nghiệp bất thiện. Trái lại, một lời bình phẩm nhẹ nhàng nhưng xuất phát từ ác ý hay sự bất mãn vẫn có quả nghiệp của nó. “Hãy để cho người này an giấc ngàn thu” là những gì các vị vua thời xưa thường nói một cách hoa mỹ về một người mà họ muốn xử trảm. Tất nhiên là lời nói ấy dựa trên ác ý và vì thế nó sẽ có quả nghiệp của nó.

Do đó, chúng ta nên tránh nói lời mắng nhiếc và rủa xả. Chúng ta chỉ nên nói những lời có động cơ thúc đẩy chính đáng, và nói một cách nhẹ nhàng, dễ nghe, và dễ chấp nhận. Chúng ta nên chế ngự việc sử dụng ngôn ngữ thô ác bằng việc cam kết giữ giới và tập trung tâm trên một đề mục thiền. Khi chúng ta phải đối diện với những ngoại cảnh khó chịu chúng ta nện dựa vào thiền minh sát, nghĩa là chúng ta phải chánh niệm và nhìn vào tâm đang phản ứng của chúng ta liền. Chúng ta hay có khuynh hướng sử dụng thô ngữ khi bị tức tối bởi những ngoại cảnh không mong muốn. Đặc biệt, một lời bình phẩm mà chúng ta không thích thường gợi lên những lời nói thô ác và vì thế chúng ta phải đặc biệt chánh niệm mỗi khi nghe những lời khó ưa như vậy.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app