Nội Dung Chính

Tham (Abhijjhā)

Chúng ta cũng phải tránh nuôi dưỡng ý tham (abhijjhā). Ở đây, ý tham là ý định muốn sở hữu tài sản của người khác một cách phi pháp. Tuy nhiên trong Kinh Đoạn Giảm này dục tham (kāmachanda) vốn chỉ là một triền cái cũng được mô tả như abhijjhā. Vì thế chúng ta nên xem nó như cả hai loại tham (lobha), đó là, tham (lobha) tạo ra ác hạnh và tham không tạo ra ác hạnh. Chúng ta có loại tham tạo ra ác hạnh khi chúng ta thèm khát được sở hữu tài sản của người khác. Trong trường hợp này ý tham (abhijjhā) không mang nghĩa ý định mua tài sản ấy mà ý định thực sự là muốn có nó một cách phi pháp.

Bốn Loại Ý Tham

Abhijjhā như một triền cái (nīvaraṇa) đơn thuần có bốn loại, đó là: 1) Tham muốn bình thường; 2) Pāpicchā: ác dục;

3) Mahicchā: đa dục và 4) Atricchā: quá độ dục.

(1) Tham muốn bình thường là tham muốn một cái gì đó mà mình thấy hay nghe và kể cả những điều mình không thấy, không nghe. Loại tham muốn này khó có thể chế ngự chỉ bằng cách lập nguyện (không để cho nó khởi lên) hay chỉ bằng một hành động của ý chí. Bao lâu chúng ta chưa thoát khỏi tâm tham (lobha) nó vẫn sẽ khống chế chúng ta. Tuy nhiên đối với người hành thiền khéo phòng hộ, bất cứ khi nào nó khởi lên, vị ấy quan sát và loại trừ nó liền.

(2) Ác dục (pāpicchā) là mong muốn giành được sự kính trọng và ngưỡng mộ của người khác cái mà mình không đáng có. Có một số người muốn tạo cho những người khác cái ấn tượng rằng mình là người có đức tin… có giới đức… có trí tuệ…có thực hành pháp, nhưng thực sự họ không có; hoặc có ấn rượng rằng mình là người đắc thiền, có các tuệ minh sát, hay có những năng lực thần thông, nhưng thực sự họ không có; hoặc mình là một bậc thánh, nhưng kỳ thực họ không có chút phẩm chất hay đức độ nào của một bậc thánh. Có số còn làm ra vẻ mình là bậc thánh A-la-hán để đánh lừa người khác. Họ thích thú được mọi người xem họ là bậc A-la-hán. Nói chung những mong muốn để được sự kính trọng và ngưỡng mộ của mọi người đối với những đức tính mà mình không có được gọi là ác dục (pāpicchā). Kinh Đoạn Giảm nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thoát khỏi loại tham muốn này.

(3) Đa dục (Mahicchā): là tham quá mức, phản nghĩa với tri túc. Một người bị thiêu đốt với loại tham dục này không bao giờ biết thoả mãn với những gì mình có. Họ muốn có được thật nhiều và được những thứ tốt nhất. Làm suy yếu loại tham này cũng là một điều quan trọng.

(4) Quá độ dục (atricchā) là tham muốn những thứ thuộc người khác với ấn tượng cho rằng cái của họ tốt hơn cái của mình. Nói khác hơn, đó là một sự bất mãn. Nỗ lực để vượt qua loại tham này có thể nói là cực kỳ quan trọng đối với những người từng đau khổ trong cuộc tìm kiếm của họ về một cái gì mới mà họ nghĩ là sẽ tốt hơn cái cũ họ đang có.

Lời dạy trong kinh Đoạn Giảm về ý tham (abhjjhā) chủ yếu liên quan đến sự tham muốn tạo ra ác hạnh. Vì thế ở đây cũng cần nói thêm một ít về nó. Ý tham là mong muốn có được vật gì đó của người khác một cách phi pháp. Ngày nay, loại tham muốn này dường như chi phối rất nhiều người. Có những cuộc nói chuện và những hướng dẫn về cách thức hay phương tiện để có được tài sản của người khác. Kết quả là rất nhiều người hình như chỉ chờ đợi để có những thứ không thuộc về mình. Trong thực tế, họ không thể nào thực hiện được những hy vọng của họ. Tuy nhiên bất cứ khi nào chúng ta nghĩ đến việc có được tài sản của người khác, ý nghĩ ác ấy luôn khởi lên cùng với những quả nghiệp của nó. Vì thế, nếu chúng ta muốn thực hành pháp Đoạn Giảm (Salekkha dhamma), chúng ta không nên ôm ấp những ý nghĩ như vậy mà phải cố gắng để có những gì mình muốn bằng những phương tiện hợp pháp; nhưng nó cũng cần phải đúng giá và việc kiếm tiền để mua nó cũng cần phải lương thiện.

Những ý nghĩ tham muốn tự nó vẫn có quả nghiệp, và quả này có thể đủ mạnh để đưa đến những cõi sống thấp hèn. Ý định ăn trộm hay ăn cướp được xem là đáng sợ hơn vì nó là dự định báo trước (tư tiền) sự phạm tội ác; và tất nhiên, sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa là khi thực sự phạm tội. Do đó, chúng ta nên chế ngự những ý nghĩ ác ấy bằng việc cam kết giữ giới và thường xuyên phản tỉnh như vầy, “Ta không thích người khác lấy tài sản của ta một cách phi pháp như thế nào; thì cũng chẳng ai thích ta nếu ta lấy tài sản của họ một cách phi pháp như vậy.” Chúng ta cũng còn phải thường xuyên tu tập thiền định để không chừa chỗ trống trong tâm cho ý tham. Tham có thể khởi lên khi chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, hay dùng những vật vừa lòng của người khác. Vì thế nếu người hành thiền chánh niệm liên tục vào lúc thấy, nghe, … sẽ thấy mọi thứ biến mất khi vị ấy ghi nhận hiện tượng với minh sát trí mạnh mẽ của mình. Bằng cách này việc thèm muốn tài sản của người khác còn không thể xảy ra đối với vị ấy, huống nữa là nghĩ đến việc lấy nó một cách phi pháp. Chúng ta cũng có thể vượt qua ý tham bằng thiền minh sát. Và khi chúng ta đắc các Thánh Đạo những ý tham này có thể bị bứng gốc hoàn toàn. Sự dập tắt hoàn toàn của tham dẫn đến các hành ác được bảo đảm ở giai đoạn Nhập Lưu (Sotāpatti), và ác dục (pāpicchā) cũng vậy. Các loại tham khác sẽ được trừ diệt ở ba thánh đạo cao hơn.

Thanh Tịnh Đạo nói rằng chỉ khi đắc A-la-hán thánh đạo ý tham (abhijjhā) mới được đoạn trừ hoàn toàn. Sở dĩ bộ luận này nói như vậy là vì nó mô tả loại tham bình thường (lobha) cũng là một loại ý tham. Do đó chúng tôi cho rằng giai đoạn nhập lưu bảo đảm sự diệt của ý tham có khuynh hướng đưa đến các hành ác và ác dục (pāpicchā) vì lẽ hai phiền não này có thể đưa người ta xuống các cõi thấp vậy. Cách vượt qua ý tham mà Kinh Đoạn Giảm dạy chúng ta rất là thâm sâu khi nói chúng ta phải thực hành pháp cho đến mức chiến thắng được ý tham (abhijjhā) này bằng việc chứng đắc bốn thánh đạo. Chúng tôi có thể xác chứng điều đó qua đoạn kinh này:

“Những người khác có thể có ý tham, nhưng chúng ta sẽ tránh ý tham. Chúng ta sẽ nâng cao giá trị tinh thần của chúng ta bằng pháp vô-tham. Chúng ta sẽ đoạn tận phiền não tham này bằng pháp vô-tham.”

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app