Thoát Khỏi Những Dị Giáo Nhờ Trí Phân Biệt Nhân Quả

Tuy nhiên kiến thức chúng ta có được từ sách vở hoặc do nghe những người thầy (sutamayañāṇa, trí do nghe hay trí văn) không được xác đáng lắm, chỉ có minh sát trí (bhāvanāmayañāṇa, trí do tu thiền sanh) mới có căn cứ vững chắc hơn. Vì thế nhất thiết chúng ta phải hành thiền và nhờ thiền này chúng ta sẽ phân biệt được giữa tâm và thân đồng thời biết rõ được bản chất của chúng. Khi bạn co, duỗi, hay chuyển động chân tay, bạn nhận ra tâm muốn co, duỗi,…, và lúc đó bạn đi đến cái biết không cần suy nghĩ rằng sự co, duỗi, chuyển động của chân, tay là do khuynh hướng muốn co, duỗi,… của tâm, và v.v… Nếu bạn có một sự ghi nhận trong tâm khi thấy một điều gì, bạn biết rằng sở dĩ bạn thấy là vì có con mắt, cảnh sắc và thức thấy. Chúng ta cũng có thể nói như vậy đối với việc nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, và chúng ta cũng biết được tâm và thân hay danh và sắc là nhân và sự thấy, nghe,…là quả. Chúng ta cũng biết được rằng những sát na tâm đi trước quyết định những sát na tâm theo sau, rằng sự nhận thức dựa vào sự có mặt của đối tượng được nhận thức, và rằng những sát na tâm sanh và diệt làm mới trở lại như những đơn vị.

Như vậy đối người hành thiền, cái chết giống như sự tan hoại của một đơn vị tâm hiện đang được tự ý thức bằng sự nội quan. Nó không phải sự tan hoại của một con người hay một cá thể. Tái sanh cũng vậy, giống như sự sanh khởi của một đơn vị tâm. Chết không phải sự diệt của một con người. Vì thế tái sanh có nghĩa là sự sanh khởi của một đơn vị tâm tiếp liền theo sau sự dính mắc vào một đối tượng nào đó ngay trước khi chết. Người hành thiền thường nhận ra mối quan hệ nhân quả (của các hiện tượng danh và sắc) này một cách độc lập như vậy và có số hành giả còn có thể giải thích rõ ràng được điều đó mặc dù họ không có chút kiến thức về sách vở nào cả.

Một khi bạn nhận ra các hiện tượng tâm-vật lý thuần tuý của sự sống vốn nằm trong một trạng thái trôi chảy không ngừng và liên hệ nhân quả lẫn nhau này, bạn sẽ thoát khỏi thường kiến (cho rằng linh hồn tiếp tục hện hữu sau khi chết) hay đoạn kiến (cho rằng linh hồn bị huỷ diệt sau khi chết). Tà kiến cho rằng con người do Thượng Đế sánh tạo và tà kiến cho rằng con người đi vào hiện hữu một cách tự động cũng được vứt bỏ. Tin vào sự sáng tạo của Thượng Đế được gọi là visamahetukadiṭṭhi, là một loại thường kiến, trong khi tin vào sự tự động có mặt, được định danh là vô nhân kiến (ahetukadiṭṭhi, 无因见) thuộc về nhóm tà kiến xu hướng về điều ác. Đối lại với bốn loại tà kiến này là trí phân biệt nhân duyên (paccayapariggahañāṇa).

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app