Appassutatā (少聞, Thiểu Văn)

Theo Đức Phật; kiến thức nghèo nàn hay không có kiến thức cũng là một khuyết điểm mà chúng ta phải loại trừ để đoạn giảm phiền não.

Kiến thức có hai loại, một là kiến thức chúng ta có được do nghe (āgamasuta) và hai là kiến thức có được do hiểu biết độc lập (adhigamasuta). Trong khi nhiều người có thể vẫn trong tình trạng ngu dốt, chúng ta sẽ đi tìm kiến thức.

Một số loại kiến thức liên quan đến những công việc thế gian, một số liên quan đến đời sống tinh thần của chúng ta. Dù thuộc loại nào, kiến thức cũng là tốt. Kiến thức thế gian có lợi ích cho cuộc sống thế gian, vì thế càng biết nhiều, càng tốt. Một số người biết rất ít về những vấn đề thế gian. Kiến thức của họ bị giới hạn trong phạm vi khu vực họ ở; họ chưa bao giờ sống ở nơi khác. Sự ngu dốt ấy sẽ không đem lại lợi ích gì cho họ, nhất là khi đến thăm những nơi xa xôi, họ sẽ không biết phải làm gì. Vì thế chúng ta nên tìm kiếm kiến thức thế gian càng nhiều càng tốt.

Nhưng cái chúng tôi muốn nhấn mạnh là kiến thức thuộc tinh thần. Một số người có rất ít kiến thức về Phật-Pháp. Có số người chưa từng nghe nói về Đức Phật huống hồ biết được tí gì về giáo pháp của ngài. Có rất nhiều người như vậy ở khắp nơi trên thế gian. Ngay cả ở Miến Điện cũng vậy, Pháp hoàn toàn xa lạ đối với những người sống ở vùng biên địa. Ở một số ngôi làng cũng có những vị pháp sư nhưng những bài pháp nghiêm túc của họ rất khó để mọi người hiểu. Phần lớn những bài pháp chỉ đề cập đến việc bố thí, giữ giới, sự chết và tang lễ. Ngay cả như thế cách họ thuyết cũng không toàn diện mà có tính qua loa chiếu lệ và không đáp ứng được những gì mà truyền thống đòi hỏi cho những dịp vui hay buồn trong cuộc sống.

Có thể nêu ra đây một bài pháp mẫu của họ: “Bujjhatīti buddho yo bhagavā – Đức Thế Tôn được gọi là Phật bởi vì ngài đã thấy rõ tứ thánh đế. Một thời Đức Phật trú tại Kỳ Viên tinh xá ở kinh thành Xá-vệ (Sāvatthi). Lúc bấy giờ…” và v.v… Người thuyết thường nói bằng một cái giọng quyền hành. Họ ít khi nói cho người ta biết chính xác phải có thái độ như thế nào khi bố thí hoặc phải trau dồi những tư duy như thế nào mỗi khi giữ bát quan trai giới. Ở một số nơi những hướng dẫn như vậy vẫn chưa được mọi người lưu ý, nhất là những người vẫn xem những bài pháp truyền thống chỉ như những lời dạy của Đức Phật (tức người thuyết pháp chỉ lập lại những lời dạy của Đức Phật chứ không thuyết những gì có tính thực dụng trong cuộc sống). Trong những buổi thuyết pháp ấy, những bài pháp về thiền minh sát (vipassanā) thực sự rất hiếm.

Cái gọi là những hướng dẫn về thiền minh sát của một số vị thiền sư thì hầu như không chính xác và toàn diện. Chúng không bảo đảm cho người hành thiền thực hành theo đó sẽ đắc định, hay minh sát trí hay thành công trong thiền. Một số những hướng dẫn thậm chí còn thiếu thẩm quyền của kinh điển. Nói chung người ta không biết gì về thiền minh sát và người hành thiền phải tự thực hiện những nhu cầu tâm linh của họ. Qua những bài giảng của các vị thiền sư tinh thông, kinh nghiệm họ có thể gia tăng kiến thức của họ dần dần. Họ cũng nên nghiên cứu các cuốn sách có thẩm quyền và tham vấn các vị thầy đa văn quảng kiến về những vấn đề mà họ không hiểu. Ngày nay, có những bản dịch tiếng Miến về Kinh Điển Pāḷi có thể cho chúng ta một kiến thức tốt về Pháp. Tuy nhiên do cấu trúc câu từ cổ điển nên khi nghiên cứu chúng ta cần phải có sự giúp đỡ của một vị thầy.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app