Những Yếu Tố Của Tinh Tấn (Padhāniyaṅga 精勤支, Tinh Tấn Chi)

Có năm yếu tố của tinh tấn:

(1) Phải có đức tin nơi sự giác ngộ tối thượng của Đức Phật.

Điều này có nghĩa rằng bạn phải tin rằng lời dạy của Đức Phật được dựa trên toàn giác trí của ngài. Ngày nay đối với người hành thiền điều cần thiết là phải có đức tin nơi vị thiền sư cũng như nơi phương pháp thiền của vị ấy. Không có đức tin sẽ không có tinh tấn. Vì vậy đức tin nơi Đức Phật là cần yếu cho sự tinh tấn.

(2) Phải có sức khoẻ và không bệnh tật.

Vì chỉ những hành giả có sức khoẻ mới có thể vận dụng được hết sức tinh tấn tích cực của mình bất chấp sự căng thẳng và khó chịu của thể xác. Nhưng với một hành giả nhiệt tâm thì không cần phải lo lắng về những đau đớn nhỏ ở thân vì vị ấy có thể vượt qua chúng trong lúc hành thiền. Một số thậm chí đắc đạo quả nhờ thiền trên giường bệnh lúc sắp chết của họ. Tuy nhiên một sự tinh tấn tích cực và suốt đời phải có sức khoẻ tốt và người hành thiền nên tìm cái đó.

(3) Phải không giả bộ như có những phẩm chất mà mình không có và phải nhìn nhận những khuyết điểm của mình thay vì che giấu chúng.

Người hành thiền phải khai hết nhưng trạng thái tâm của mình cho thiền sư hay những bạn đồng tu của mình. Sự liên hệ của vị ấy với thiền sư cũng giống như sự liên hệ của bệnh nhân đối với bác sĩ vậy. Chỉ khi bệnh nhân thành thật tiết lộ hết sự đau đớn của mình vị bác sĩ mới có thể chữa cho họ. Cũng vậy, chỉ khi người hành thiền nói hết những sự thực về kinh nghiệm của mình vị thiền sư mới có thể đưa ra những chỉ dẫn cần thiết được. Người thầy không thể giúp được gì cho thiền sinh nếu người ấy không giải trình đúng những kinh nghiệm của mình hay nhìn nhận khuyết điểm của mình, như ngủ gật trong suốt những giờ thiền,…Vì thế, tính chân thật không có bất cứ một sự giả bộ hay che đậy nào là một nền tảng cho sự tinh tấn. Nó cũng là thuốc giải cho nọc độc giả dối (sātheyya).

(4) Phải áp dụng nghị lực vào trong tinh tấn với sự kiên trì và tích cực để chế ngự các ác pháp và thiết lập những trạng thái tâm thiện.

Vị ấy phải vận dụng hết nghị lực của mình bất kể chuyện gì có thể xảy ra với thân của vị ấy. Trong tinh tấn vị ấy phải quyết tâm kiên trì cho dù máu và thịt của vị ấy có thể khô héo chỉ còn lại da, gân và xương do sự tinh tấn đó. Ở đây, máu và thịt khô héo là một yếu tố trong khi da, gân và xương còn lại tạo thành ba yếu tố khác của tinh tấn. Vì lý do đó tinh tấn mà hành giả cần phải có được gọi là tinh tấn bốn chi (caturaṅga viriya).

(5) Phải có minh sát trí về sự sanh và diệt của danh-sắc.

Trước khi hành thiền hay ở giai đoạn ban đầu của sự hành thiền bạn không thể có minh sát trí này. Tinh tấn không ngừng có thể bảo đảm có được trí ấy trong một tuần, chỉ một phần trăm người hành thiền có thể đắc trí ấy trong ba hoặc bốn ngày. Đối với người kém trí hoặc tinh tấn không đầy đủ thì phải mất ít nhất mười hay mười lăm ngày để đạt được nó. Một số có thể cả tháng sau vẫn chưa có nó do những khiếm khuyết khác nào đó. Nói chung, trong bất kỳ điều kiện nào thì trung bình người hành thiền tinh tấn cũng phải mất một tuần lễ. Trí này khiến người hành thiền rơi vào trạng thái ngây ngất vì lúc đó vị ấy tràn đầy hoan hỷ, đức tin, thận trọng và nhiệt tâm cho sự nỗ lực thêm. Hơn nữa, người hành thiền đắc được trí này chắc chắn sẽ trở thành một bậc Thánh trong vòng vài ngày nếu vị ấy kiên trì tinh tấn.

Như vậy, năm yếu tố của tinh tấn là đức tin, sức khoẻ, chân thật, nghị lực và trí (minh sát). Năm phẩm chất này được xem là thiết yếu để thành công trong thiền và chứng đạt những kinh nghiệm phi thường ngay trong kiếp sống hiện tại. Ban đầu người hành thiền có thể chỉ có đức tin, sức khoẻ và sự chân thật nhưng đối với một số hành giả đức tin và sự chân thật sẽ có được một đà thúc đẩy cùng với sự đắc định. Tinh tấn chân chính tuỳ thuộc vào nghị lực của người hành thiền. Vận dụng tinh tấn một cách toàn tâm toàn ý sẽ đưa đến sanh diệt trí chỉ trong vòng một vài ngày. Trạng thái tâm đi kèm với trí minh sát này được đánh dấu bằng việc thấy ánh sáng, ngây ngất và cảm giác hoan hỷ lan toả toàn thân. Lúc này người hành thiền cảm nghe rất thoải mái, an lạc cả ở thân lẫn tâm. Trong lúc ngồi hay đi, thân hành giả dường như thể (nổi) trên hư không trên mặt sàn và trong một số trường hợp không phải dường như nữa mà là thực sự như vậy. Sự chú ý hay chánh niệm lúc này rất nhạy bén. Người hành thiền dường như nhớ được mọi thứ không cần nhiều nỗ lực. Khả năng hay biết rất nhanh mọi giai đoạn của sự sanh và diệt.

Vì thế người hành thiền lúc này tràn đầy nghị lực và ước muốn tiếp tục thực hành chánh niệm cho đến khi đạt được mục đích. Cũng có số phải rời khỏi trung tâm thiền ngay sau khi đạt được minh sát trí (sanh diệt trí) do những hoàn cảnh tất yếu nhưng vẫn nhiệt tâm và họ sẽ nắm được cơ hội đầu tiên để quay trở lại. Có thể nói hầu hết trong họ đều quay trở lại trung tâm thiền và thường hoàn tất được công việc tu tập của họ.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app