Thường Kiến và Đoạn Kiến

Sassatadiṭṭhi hay thường kiến là quan niệm cho rằng một chúng sanh sẽ mãi mãi thường hằng, di chuyển từ một hiện hữu này sang một hiện hữu khác sau khi chết. Theo quan niệm này, linh hồn hay tự ngã không bao giờ chết mặc dù thân vật lý thô phải chịu sự hoại diệt. Sau cái chết của thân linh hồn sẽ di chuyển đến cõi khác. Linh hồn là bất khả hoại và nó sẽ tồn tại sau sự tan hoại của vô số kiếp quả đất.

Nói chung thường kiến là một quan niệm rất thịnh hành giữa những người tin vào nghiệp (kamma). Nó được thánh thư của Ấn Giáo chấp nhận một cách dứt khoát. Theo quan niệm của họ, chúng sanh có hai loại thân, đó là, thân thô và thân vi tế. Thân thô cuối cùng hoại diệt nhưng thân vi tế sẽ chuyển sang một cõi mới và giữ nguyên không thay đổi. Linh hồn đi tìm một cõi sống mới rất nhỏ, nhỏ hơn đầu cây kim và có thể đi xuyên qua cả lỗ kim. Trong chớp mắt nó có thể đi tới một nơi rất xa và xuyên qua cả núi non, tường vách. Họ phải tin linh hồn có những sức mạnh siêu nhiên như vậy vì chỉ lúc đó nó mới có thể có được cơ hội đi vào nơi người mẹ tương lai đang ngủ trong một căn nhà xây không có một khe hở nào. Không có cuốn sách Phật nào tuyên bố rõ ràng một quan niệm như thế. Nhưng hàng phàm nhân si mê vẫn tin rằng linh hồn rời bỏ thể xác sau khi chết và chuyển sang một cõi khác hay một hiện hữu khác. Tất nhiên quan niệm này không có một ảnh hưởng nào đối với những người có tri kiến hiểu biết về mối liên hệ nhân quả giữa tâm và thân. Tuy nhiên, không người nào hoàn toàn thoát khỏi thường kiến bao lâu họ còn thiếu minh sát trí ở mức thánh đạo.

Đối nghịch với thường kiến là đoạn kiến, một tà kiến nhấn mạnh đến sự huỷ diệt sau khi chết. Nếu bạn tin rằng không có gì còn lại sau khi chết là bạn đã thừa nhận có một cái gì đó trước khi chết và có thể đoán chừng cái ấy là cái tôi hay tự ngã. Vì thế, mặc dù những người chủ trương đoạn kiến nhấn mạnh đến tính vật chất của mọi vật (hay nhấn mạnh đến tính ưu thắng của vật chất) họ cũng không thực sự thoát khỏi ngã kiến. Nói cách khác, đoạn kiến cũng có gốc ở ngã kiến. Theo thường kiến, cái tôi hay tự ngã tiếp tục hiện hữu sau khi chết trong khi theo đoạn kiến cái tôi ấy bị huỷ diệt bằng cái chết. Vì thế cả hai quan kiến đều gán cái tôi cho một chúng sanh, cái khác duy nhất là ở chỗ quan kiến thứ nhất nhấn mạnh trong khi quan kiến thứ hai bác bỏ sự hiện hữu liên tục của cái tôi hay ngã sau khi chết.

Một số người chủ trương rằng tâm và thân của thời thơ ấu vẫn hiện hữu trong con người trưởng thành nhưng điều này không phải là thường kiến. Nó chỉ là khái niệm về sự thường hằng; bạn có thể gọi nó là ngã kiến (attadiṭṭhi) nhưng nó không là một với thường kiến (sassatadiṭṭhi) vì đoạn kiến cũng nhấn mạnh đến sự thường hằng như vậy trước khi chết. Hơn nữa, nếu việc tin vào tâm và thân của thời thơ ấu được gán cho là thường kiến, thời sự hay biết của chúng ta về sự diệt không ngừng (trong thiền minh sát) cũng được gọi là đoạn kiến vậy. Thực sự thì, sự hay biết này được dựa trên sự suy quán và thiền minh sát. Quan niệm đối lại với nó chỉ là ngã kiến, chứ không phải thường kiến. Tóm lại thường kiến nhấn mạnh đến sự thường hằng trong khi đoạn kiến nhấn mạnh đến sự huỷ diệt của cái ngã sau khi chết.

Giáo lý đoạn kiến được rao giảng bởi Ajita, một ngoại đạo sư sống vào thời Đức Phật. Cốt lõi của giáo lý này là khi một người chết, thân xác của nó được đặt trên một cái cáng và khiêng ra ngoài nghĩa địa bởi bốn người đàn ông. Tại đó nó được thiêu thành tro và không còn lại gì cả. Theo quan kiến này thì không cần phải tránh điều ác. Người ta có thể làm bất cứ điều gì phục vụ lợi ích cho mình. Và cũng không cần thiết phải làm điều thiện. Những người chủ trương tà kiến này thúc giục chúng ta hãy làm bất cứ điều gì có lợi cho chúng ta và họ còn khuyên chúng ta không cần làm điều thiện với giá phải hy sinh lợi ích riêng của chúng ta. Như vậy đoạn kiến bác bỏ nghiệp và quả của nghiệp và như vậy nó là một quan kiến sai lầm làm phát sanh những ác hạnh.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app