Chia Để Trị

Tránh nói lời chia rẽ, như một giá trị luân lý, là một đức hạnh cao quý nhưng một số người xem việc dùng lời vu khống là thích hợp trong một số hoàn cảnh nào đó nhằm đạt được mục đích của họ. Thời xưa, các vị vua đã dùng những thủ đoạn dối trá để tạo ra sự bất hoà gữa những kẻ thù đoàn kết của họ và nhờ thế họ đã đạt được chiến thắng. Vua A-xà-thế đã đánh bại bộ tộc Licchāvis đoàn kết bằng mưu lược này. Trước tiên ông cho trục xuất bà-la-môn Vassakāra, một vị quan cận thần của ông, lấy cớ trừng phạt vị này vì đã phạm vào một tội nào đó. Vassakāra đã đi đến Vesāli. Một số hoàng tử Licchāvis cho rằng người Bà-la-môn này rất xảo quyệt và chống đối việc cho ông cư trú trong kinh đô của họ. Nhưng phần lớn các vị hoàng tử khác đều không có sự nghi ngờ gì bởi vì họ tin rằng sở dĩ ông bà-la-môn này bị trục xuất là do những điều ông nói có lợi cho họ mà ra. Vì thế họ đón tiếp ông và giao cho ông nhiệm vụ dạy dỗ những đứa con của họ.

Để lấy lòng tin của công chúng, đầu tiên Cà-la-môn Vassakāra dạy cho các vị hoàng tử trẻ một cách đúng đắn. Các vị hoàng tử tỏ ra rất kính trọng và xem ông như một người thầy đáng tin cậy của họ. Sau đó Vassakāra mới tìm cách tạo ra mối bất hoà và hiểu lầm giữa họ. Cách ông làm rất vi tế. Ông sẽ gọi một vị hoàng tử đến và thì thầm hỏi: “Cậu đã ăn cơm chưa? Hôm nay cậu ăn món cà-ri gì? Thực chất những câu hỏi của ông rất vu vơ chỉ với ý đồ làm sao cho các vị hoàng tử khác nghi ngờ mà thôi. Rồi ông sẽ lại thì thầm hỏi một vị hoàng tử khác, “Cha cậu có đi cày với hai con bò không?” Cứ như vậy một bầu không khí bí mật bao trùm những câu hỏi của ông và thái độ hỏi của ông. Vị hoàng tử nào được vị bà-la-môn này hỏi đều trở thành đối tượng nghi ngờ của những người khác. Ông nói với mọi người rằng ông biết cách để làm sáng tỏ những câu hỏi của các bà-la-môn nhưng họ nghĩ ông chỉ nói dối. Sau đó ông hỏi một vị hoàng tử khác xem y có sợ bạn bè của y tên thế này, thế này đi báo cáo không. Đương nhiên vị hoàng tử này sẽ cảm thấy khó chịu với những gì cậu ta tin là bạn mình sẽ vu khống mình. Cứ như vậy chỉ trong ba năm Vassakāra đã làm cho các vị hoàng tử mâu thuẫn với nhau và tình trạng chia rẽ giữa họ trầm trọng đến nỗi họ ghét phải gặp mặt nhau.

Kế tiếp Vassakāra gởi một bức thư cho vua A-xà-thế thông báo đã đến lúc để vua thâu tóm kinh thành Vesāli. Vua A-xà-thế liền kéo binh đến kinh thành Vesāli. Những hồi trống trận vang lên báo động nhưng vì các hoàng tử không đoàn kết nên không một ai xuất đầu lộ diện để bảo vệ kinh thành. Họ giận dỗi ở nhà không làm gì cả. Vì thế vua A-xà-thế đã dễ dàng chiếm lấy kinh thành mà không có sự kháng cự nào cả. Đây là một ví dụ điển hình về những mưu đồ chia rẽ dựa trên sự ly gián dẫn đến chiến thắng, có thể nói ví dụ này đã dạy cho chúng ta một bài học vô cùng quý giá.

Ngày nay, các chính trị gia và những người tham gia vào những công việc thế tục khác thường sử dụng những thủ đoạn lừa đảo để đạt được mục đích cá nhân của mình. Các cơ quan tuyên truyền cũng tận dụng những bài nói chuyện với ý định làm mất thể diện những đối thủ của họ. Ngay cả trong những vấn đề tôn giáo cũng vậy, một số thường đưa ra những lời bình phẩm gây tổn hại cho các tôn giáo khác hay cho người khác. Có thể nói bất cứ lời bình phẩm hay nhận xét nào được dự trù để làm mất uy tín hay khơi dậy lòng hận thù với một người hay một nhóm người đều được xem là những lời ly gián. Tuy nhiên nếu một người nào đó tỏ ra tôn kính một người không đáng tôn tôn kính và có thể bạn phải nói xấu về y bằng cách cảnh báo những người này không nên để bị đánh lừa vốn sẽ đem lại sự thiệt hại cho quyền lợi của họ. Loại bình phẩm này không phải là nói lời chia rẽ và ác ý.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app