Sự Cố Chấp Của Một Đạo Sư Ngoại Đạo

Sau khi đắc nhập lưu do nghe bài kệ của Trưởng Lão Assaji, hai du sĩ ngoại đạo Upatissa và Kolika, người mà sau này trở thành Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đã quyết định đi đến với Đức Phật. Họ mời thầy của họ là Sañjaya cùng đi nhưng ông này từ chối. Sañjaya nói rằng lâu nay ông đã là đạo sư của một bộ phái nên việc trở thành đệ tử của Sa-môn Gotama sẽ là không thích hợp cho ông. Khi được nghe nói rằng mọi người sẽ bỏ ông để đi theo Đức Phật, ông trả lời ông không lo chuyện đó vì những người ngu tạo thành số đông của nhân loại sẽ đến với ông. Đây là trường hợp cố chấp vì lợi dưỡng, danh vọng.

Do đó chúng ta nên tránh sự dính mắc thái quá vào những tà kiến đi ngược lại với sự giác ngộ chánh Pháp. Một số người tin chắc rằng cả đời họ chẳng thiếu thốn gì và vì thế họ không biết tận dụng cơ hội để hành thiền và điều này có nghĩa là về phương diện tâm linh họ phải chịu một sự tổn thất rất lớn. Trong cuộc sống đời thường cũng vậy chúng ta không nên cố chấp vào những điều không hợp lý. Chúng ta nên suy nghĩ kỹ trước khi tin hay chấp nhận một quan điểm nào và nếu cần thiết hãy sẵn sàng thay đổi hoặc vứt bỏ quan kiến của chúng ta. Tất nhiên một người bảo thủ thường không dễ từ bỏ quan điểm của mình bất chấp những lời dạy hợp lý của các bậc hiền thánh giống như Đức Phật và vì thế họ phải chịu khổ đau trong kiếp này cũng như các kiếp sau.

Trong đời sống hàng ngày sự cố chấp vào một quan niệm nào cũng là một sự bất lợi cho an vui và hạnh phúc của chúng ta. Ở mức thấp nhất, một người phủ nhận những gì người khác đã trải qua sẽ bị quở trách là người bảo thủ. Tuy nhiên sự cố chấp trong cuộc sống đời thường này không làm tổn hại đến đời sống tâm linh trong khi sự cố chấp trong đời sống tôn giáo có thể làm tổn hại đến những cơ hội tái sanh thiên giới hay chứng đắc tinh thần của một người. Vì thế chúng ta nên suy xét một cách hợp lý trên những gì các bậc hiền trí và những học giả đa văn đnói và sẵn sàng từ bỏ những quan niệm cũ nhưng sai lầm của mình thay vì cố chấp một cách mù quáng vào chúng.

Từ trước đến đây tôi đã giải thích đầy đủ tất cả những phiền não mà Đức Phật liệt kê trong bài Kinh Đoạn Giảm (Sallekha). Đức Phật đã kết luận bài kinh bằng cách khích lệ các vị đệ tử hãy đi vào hành thiền dưới một gốc cây hay bất kỳ một nơi thanh vắng nào khác. Theo chú giải chúng ta nên quán ba mươi tám loại đề mục luyện tâm để phát triển định và quán tính chất vô thường, khổ và vô ngã của danh sắc cũng như năm uẩn, mười hai xứ,…để phát triển trí tuệ minh sát. Tóm lại, chúng ta nên thực hành cả thiền chỉ lẫn thiền minh sát.

Như vậy, chính Đức Phật đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thực hành thiền định, vì thế chúng ta không nên xem nhẹ nó. Các bậc A-la-hán thuở xưa đều thực hành minh sát trên căn bản thiền định. Nhưng phải nhớ rằng quán năm uẩn,…là thiền minh sát chứ không phải thiền định. Tuy nhiên sẽ không đúng khi nói rằng quán tứ oai nghi,…như Kinh Đại Niệm Xứ đề nghị là thực hành thiền định. Trong thực tế, quán bản chất (vô thường, khổ, vô ngã) của danh sắc khác biệt với 40 đề mục thiền định và là thuần quán.

Kết thúc bài kinh Đức Phật thúc giục các vị Tỳ-kheo thực hành thiền quán dưới một gốc cây hay một nơi yên tĩnh nào đó. Điều này cho thấy Đức Phật đã đưa ra những hướng dẫn đầy đủ cho việc thắng phục các phiền não. Việc có đi theo và thực hành đúng như lời Đức Phật chỉ dẫn hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào người đệ tử. Chúng ta không nên quên những gì chúng ta phải làm cho sự giải thoát tinh thần của chúng ta. Bằng không, khi đã quá trễ, chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ và dằn vặt do hối tiếc (vì đã không nghe theo lời dạy của Đức Phật vậy).

Dịch Xong Tại Viên Không Cuối Hạ 2013

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app