Thân Người Cũng Trở Nên Già Cỗi

Thân người cũng phải chịu già nua và tàn tạ. Tất nhiên đây là kinh nghiệm của những người lớn tuổi đã sống hơn 60 năm hay 70 năm trong cuộc đời. Bất kỳ một người lớn tuổi nào khi suy xét đến thân mình cũng phải nhận ra một sự thực rằng tuổi già đang tố cáo họ. Với một vài ngoại lệ như tóc bạc, răng long còn ra những dấu hiệu của sự lão suy khác, như bắp thịt mềm nhũn, da dẻ nhăn nheo, khuôn mặt xếp nếp,… xuất hiện quá rõ ràng đến nỗi không cần phải bàn đến ở đây. Có thể nói con người lúc về già chỉ còn là một bọc da chứa đựng xương chứ không đẹp đẽ gì nữa. Một số thì mắt mờ, số khác thì tai điếc và số khác nữa thì trở nên yếu đuối, mong manh.

Như vậy, bị tuổi già làm cho biến dạng và mất khả năng, thân của một người già phô bày một sự tương phản rất dễ nhận ra so với những gì nó từng là 40 năm trước. Lúc đó nó giống như thân của một người thanh niên. Tuổi thanh niên có những nét đẹp của nó và người ta thường xuyên chú ý đến diện mạo của mình. Nhưng người già thì không còn ở trong tình trạng thể lực như xưa nữa. Họ đã trải qua những thay đổi và những người trẻ hôm nay cũng sẽ chịu chung số phận như vậy. Vì thế những người trẻ nên suy tưởng đến tuổi già mà họ sẽ phải đương đầu một ngày nào đó thay vì gạt bỏ những ý nghĩ ấy cho là không đúng. 

Thân người chắc chắn phải già đi theo thời gian vì nó được cấu thành bởi vật chất vốn luôn luôn trong tiến trình trở thành (già). Vào lúc thụ thai sự sống bắt đầu với thứ chất lỏng gọi là kalala (卵黄, noãn hoàng) trong kinh sách Phật giáo. Quan niệm về khởi nguyên của con người này về cơ bản không khác với sự giải thích của Tây Y. Theo họ, con người là do sự kết hợp của tế bào trứng (ovum) và tinh trùng. Chất noãn hoàng sau đó phát triển thành một hòn bọt và hòn bọt này trở thành một cục thịt hay một phôi thai. Phôi thai có năm chỗ nhô ra để sau đó trở thành đầu và tứ chi (chân tay). Ở giai đoạn này đầu lớn còn thân thì nhỏ. Đúng thời mắt, tai, mũi và các cơ quan khác phát triển cùng với những đặc điểm giới tính.

Phôi thai phát triển theo trình tự như vậy và sau chín hay mười tháng đứa bé được sanh ra. Do nhờ sự nuôi dưỡng và chăm sóc của cha mẹ, đứa bé lớn lên và thời kỳ thơ ấu kéo dài cho đến tuổi mười hai hay mười ba. Thời kỳ thiếu niên tuy vẫn là một đứa trẻ nhưng về phương diện thể xác, so với đứa bé ẵm ngửa, nó đã già hơn. Thuổi thiếu niên là lứa tuổi trẻ trung, xinh đẹp và nó có thể giữ được diện mạo ấy cho đến những năm đầu của tuổi ba mươi. Từ ba mươi đổ đi nó phải chịu những hệ quả huỷ hoại của tiến trình thời gian. Có số không lộ rõ những dấu hiệu của tuổi già cho đến khi họ trên bốn mươi tuổi nhưng dần dần, tuổi già rồi cũng tố cáo chúng ta trong những năm đầu của tuổi năm mươi và những dấu hiệu của nó thì không thể nhầm lẫn được nơi những người đã trên sáu mươi tuổi. Vì thế chúng ta nên suy xét trên tính chắc chắn phải xảy ra của tuổi già và đi tìm cái đáng tin cậy hơn để đề phòng nó. Còn những người đã già rồi thì nên tìm đến Pháp để bảo đảm sự giải thoát khỏi tuổi già càng sớm càng tốt.

Vị bà-la-môn đề cập đến Pháp này trong vần kệ kế tiếp: “Pháp (Dhamma) của bậc trí là Pháp bất lão. Đây là những gì bậc trí thường nói vói nhau.”

Pháp bất lão này là pháp của những con người có trí, không phải của những người bình thường. Ở đây bậc trí chúng ta có thể nhận ra là chư Phật, các bậc Thánh A-la-hán và các bậc Thánh nhân khác. Pháp bất lão của các vị là Niết Bàn. Khi một người chứng ngộ Niết Bàn ở mức A-la-hán Thánh Đaọ và Thánh Quả, họ chắc chắn thoát không còn tái sanh, và điều này có nghĩa là họ cũng thoát khỏi già, đau và chết. Sở dĩ bài kệ của người bà-la-môn chỉ đề cập đến già thôi là vì để phù hợp với ví dụ về chiếc xe vua, sự gìa cỗi và hư hoại của nó mọi người ai cũng có thể nhận ra.

Do tái sanh mà con người phải chịu già, đau, và chết không biết bao lần trong quá trình luân hồi, vì thế, chúng ta nên đi tìm pháp bất lão, bất khổ, và bất tử. Đức Bồ-tát đã đi tìm nó trong nhiều a-tăng-kỳ kiếp và trong kiếp cuối ngài đã từ bỏ hết tất cả của cải và những lạc thú thế gian, trở thành một người xuất gia để thành tựu mục đích tối hậu của mình. Rồi, hơn 2600 năm trước Đức Bồ-tát đã chứng ngộ Niết Bàn, sự diệt tận của mọi khổ đau, và ngài tuyên bố rằng bất kỳ ai thực hành Pháp này đều có thể đạt đến nó. Những hành giả ở trung tâm thiền này cũng đã quyết đạt cho được mục đích ấy và họ chắc chắn sẽ chứng ngộ Niết Bàn cho chính mình với sự phát triển đầy đủ của trí tuệ và sự hỗ trợ của định.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app