Khó Dạy (Dovacassata)

Dễ dạy là một trong những đức tính mà Đức Phật bắt buộc những đệ tử của ngài phải có vì nó giúp đoạn giảm các phiền não. Nhiều người không hề dễ dạy chút nào. Họ không màng đến lời khuyên của người thầy và những người giỏi hơn họ. Một số đứa trẻ không biết vâng lời cha mẹ, một số đứa không biết vâng lời thầy cô giáo, một số đứa không biết vâng lời người trên và một số đứa phớt lờ lời khuyên của bạn bè chúng. Chính thói ngạo mạn, cứng cỏi và bốc đồng, làm cho chúng nổi tiếng về sự khó dạy này.

Những cáo buộc về sự không vâng lời một số người xuất phát từ tâm sân và vì thế không thể đổ lỗi cho thái độ tâm của họ. Điều quan trọng là phải biết lưu ý đến những lời khuyên được xem là hợp lý và do lòng từ mẫn thúc đẩy. Hơn nữa, chúng ta nên học cách đừng làm phiền người khác. Một người không đếm xỉa đến lời khuyên hợp lý của người khác được gọi là người cứng đầu hay khó dạy (dubbaca). Thời Đức Phật Tỳ-kheo Xa-nặc (Channa) được xem là người bị tai tiếng nhất về sự khó dạy này.

Xa-nặc không phải là người bình thường. Ông là người hầu cận của Thái Tử Sĩ-đạt-đa (Đức Phật sau này), và là người cùng đi với đức Bồ Tát khi ngài rời khỏi hoàng cung để trở thành một vị sa-môn. Về sau, Xa-nặc cũng gia nhập vào Tăng Đoàn của Đức Phật. Tuy nhiên ông không sống theo giới luật và vì thế ông thường bị các bạn đồng tu chỉ trích. Nhưng ông không hoan hỷ đón nhận những lời nhắc nhở của họ. Ông bắt bẻ lại rằng ông không phải là một vị Tỳ-kheo bình thường, rằng ông là thị giả của đức Bồ Tát khi ngài xuất ly thế gian, rằng ông là người đi theo thái tử đến tận bờ sông A-nô-ma (Anomā) và rằng ông đã chăm lo phục vụ những nhu cầu cần thiết của thái tử lúc đó. Là một người đệ tử kỳ cựu của Đức Phật, ông không quan tâm đến lời khuyên của một ai, kể cả những người mới nổi như Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên.

Chính điều này đã dẫn đến việc Đức Phật ban hành một điều luật, và những gì điều luật nói về việc khiển trách đối với một vị Tỳ-kheo trong Tăng Đoàn này rất đáng chú ý. Nếu một vị Tỳ-kheo tỏ ra ngoan cố và không biết vâng lời khi được các bạn đồng tu nhắc nhở một cách hợp lẽ, họ nên nói với vị ấy như thế này: “Bạch Đại Đức, đừng nên xem cá nhân mình cao hơn hơn lời khuyến giáo của các bạn đồng phạm hạnh. Hãy xem mình như đang cần sự khuyến giáo. Và hãy khuyến giáo các vị Tỳ-kheo khác nếu cần. Các vị Tỳ-kheo khác thỉnh thoảng sẽ khuyến giáo Đại đức. Sự khuyến giáo lẫn nhau như vậy sẽ góp phần vào sự phát triển tốt đẹp của Phật Pháp.”

Nhưng Tỳ-kheo Xa-nặc vẫn giữ thái độ khó bảo như đã từng. Vì thế vị ấy đã không đạt đến sự giác ngộ cho đến khi Đức Phật nhập diệt. Sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn, Tăng Chúng cho áp dụng một hình phạt gọi là phạm đàn (brahmadaṇda) đối với vị ấy như đã được Đức Thế Tôn hướng dẫn. Hình phạt này kêu gọi các vị Tỳ-kheo cứ để mặc Xa-nặc muốn nói gì tuỳ thích và (các Tỳ-kheo) không nói chuyện cũng như khuyến giáo vị ấy nữa. Hình phạt đã khiến cho Xa-nặc phải hồi tâm. Vị ấy nhận ra sự tẩy chay của chư Tăng sẽ đem lại bất hạnh cho vị ấy như thế nào. Từ đó, vị ấy không còn ngạo mạn và cố gắng thực hành pháp một cách tín thành, để rồi cuối cùng trở thành một bậc thánh A-la-hán.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app