Tỳ Kheo Sāti Và Ngã Kiến

Nếu Ngã kiến ăn sâu trong bạn đến nỗi bạn không thể khắc phục được nó, nó có thể sẽ gây nguy hiểm cho đời sống tâm linh của bạn giống như trường hợp của vị tỳ-kheo Sāti thời Đức Phật này. Thời Đức Phật, một vị tỳ-kheo tên Sāti nghiên cứu rất kỹ về Túc Sanh truyện (chuyện tiền thân của Đức Phật) và đã kết luận rằng thức là tự ngã hay attā. Vị ấy đi đến kết luận này dựa trên việc nhận dạng được nhân vật chính trong các câu chuyện ấy là Đức Phật. Theo các câu chuyện ấy thì dù là Vua Mahājanaka, hay Rồng Chúa Bhuridatta, hay voi chúa Saddana hoặc Vua Vessantarā, cuối cùng thì cũng là Đức Phật. Chắc chắn thân vật lý của vua Mahājanaka hay bất kỳ vị Bồ Tát nào khác sẽ không chuyển sang kiếp sống của Đức Phật, các cảm thọ, các tưởng và hành nghiệp của họ trong các tiền kiếp cũng thế. Chỉ có thức của Mahājanaka,… là trở thành thức của Bồ Tát Thái Tử Siddhattha mà thôi, Thức ấy được thể hiện trong Đức Phật hiện tại. Lý luận theo cách này, vị ấy kết luận rằng chính thức đi từ kiếp này sang kiếp khác không phải chịu sự hủy diệt.

Quan niệm của Sāti được đề cập trong Kinh Ái Đoạn Tận (Mahātanhāsankhaya sutta) của Trung Bộ như sau: “Theo như tôi hiểu lời dạy của Đức Thế Tôn thì chính thức (viññāṇa) hiện hữu trong kiếp trước di chuyển từ kiếp này sang kiếp khác. Thức hiện tại không là gì khác ngoài thức của kiếp trước.”

Như vậy Tỳ Kheo Sāti đã đồng nhất thức với tự ngã và tin vào sự bất tử của nó. Các vị tỳ-kheo khác đã nói với vị ấy rằng đó không phải là những gì Đức Phật dạy; rằng tiến trình tâm của một cá nhân chỉ là một dòng tâm trôi chảy với những đơn vị tâm mới không ngừng thay thế cho những đơn vị tâm cũ; và chính do tiến trình (trôi chảy) liên tục này Đức Vua Mahājanaka (tiền thân của Đức Phật) được đồng nhất với Đức Phật mà thôi, chứ thức là vô thường, không phải thức cũ đi vào hiện hữu mới. Nhưng tỳ-kheo Sāti vẫn không từ bỏ quan niệm của mình. Vị ấy chấp chặt vào đó xem như lời dạy chính đáng của Đức Phật. Do không thể làm cho vị ấy tỉnh ngộ, các vị tỳ-kheo đã trình bày sự việc lên Đức Phật.

Đức Phật cho gọi Sāti đến để hỏi rõ sự thực. Sāti trình bày lại quan niệm của mình với Đức Phật và Đức Phật hỏi vị ấy quan niệm như thế nào về thức. Sāti trả lời, “Bạch Đức Thế Tôn, đó là cái tự ngã (attā) nói năng và cảm thọ. Tự ngã này tốt hay xấu tùy theo nghiệp thiện hay ác mà nó đã làm trong tiến trình hiện hữu của nó. Con xác nhận cái ngã ấy với thức.”

Đức Phật quở trách, “Này kẻ si mê kia! Ta đã từng dạy điều đó cho ai khi nào? Phải chăng bằng nhiều cách Ta đã nói về thức là do duyên sanh? Không có nhân duyên thức không sanh đó sao? Ông đã hiểu sai lời dạy của Ta và còn khiến cho những người khác công khai chỉ trích ta. Với quan niệm sai lầm này Ông đã tự hủy hoại bản thân mình và đem lại bất lợi cho ông lâu dài, ông có biết không?”

Rồi Đức Phật đã hỏi các vị tỳ-kheo xem với quan niệm như vậy Sāti có thể đạt đến bất kỳ một trí tuệ minh sát nào được không. Các vị tỳ-kheo trả lời, “Thưa không, bạch Đức Thế Tôn.” Đức Phật sau đó nhấn mạnh đến sự sanh khởi do duyên của thức với những ví dụ. “Này các Tỷ-kheo, do duyên nào lửa sanh và lửa ấy có tên tùy theo duyên ấy: duyên củi, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa củi. Duyên vỏ gỗ bào, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa vỏ bào. Duyên cỏ, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa cỏ. Duyên phân bò, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa phân bò. Duyên trấu, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa trấu. Duyên đống rác, lửa sanh, lửa ấy gọi là lửa đống rác. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do duyên, thức sanh, và thức ấy có tên tùy theo duyên ấy. Do duyên mắt và các sắc, thức sanh, và thức ấy có tên là nhãn thức. Do duyên tai và các tiếng, thức sanh, và thức ấy có tên là nhĩ thức. Do duyên mũi và các hương, thức sanh, và thức ấy có tên và tỷ thức. Do duyên lưỡi và các vị, thức sanh, và thức ấy có tên là thiệt thức. Do duyên thân và các xúc, thức sanh, và thức ấy có tên là thân thức. Do duyên ý và các pháp, thức sanh, và thức ấy có tên là ý thức.” Như vậy Đức Phật đã giải thích tự thân mỗi đơn vị tâm sanh lên khác biệt nhau và riêng biệt nhau như thế nào rồi nó diệt và được thay thế bằng một đơn vị tâm mới ra sao. Dù được Đức Phật giải thích tận tường như vậy, Sāti cũng không từ bỏ tà kiến của mình và đã bỏ lỡ Thánh Đạo do sự cố chấp của vị ấy.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app