Sự Thanh Tịnh và Thiền Minh sát

Những hành giả tu tập tại trung tâm thiền này mới đầu không hiểu biết gì cả về phương pháp hành thiền. Một số hoàn toàn mù mờ về nó. Họ chỉ trở nên quen thuộc với việc hành thiền cũng như với sự phát triển minh sát qua tiếp xúc với những thiền sinh cũ, qua sách vở và những bài giảng pháp. Tất nhiên điều này có nghĩa là một sự tiến bộ trong quan điểm tâm linh của họ. Quả thực, chúng ta có thể xem sự tiến bộ trong từng giai đoạn phát triển trí tuệ minh sát (vipassanāñāṇa) như vậy là một điều hiển nhiên. Những giai đoạn này là định và sự tịnh chỉ bằng niệm hay tâm thanh tịnh (cittavisuddhi). Người hành thiền chỉ thấy sắc như đối tượng của chánh niệm và danh hay tâm như chủ thể (quán), đây là kiến thanh tịnh (diṭṭhivisuddhi); kế tiếp vị ấy hướng tâm tìm mối quan hệ nhân quả giữa danh và sắc (kaṅkhāvitaranavisuddhi, đoạn nghi thanh tịnh); một giai đoạn được Thanh Tịnh Đạo mô tả như giai đoạn của một bậc Tiểu Nhập Lưu (Culasotāpanna), người bước vào giai đoạn này thường không còn bị tái sanh vào bốn ác đạo nữa; kế đó hành giả biết rõ sự sanh và diệt của danh và sắc cùng với tính chất vô thường, khổ và vô ngã (udayabbayañāṇa, sanh diệt trí) của chúng; một giai đoạn được đánh dấu bằng (việc thấy) ánh sáng, hỷ, lạc, v.v… Sau đó hành giả thấy rằng đối tượng đang quan sát cũng như tâm quan sát tan hoại cùng nhau ở mỗi sát-na chánh niệm (bhaṅgañāṇa, hoại diệt trí); vị ấy kinh nghiệm sự sợ hãi (danh sắc) ở từng sát-na (‘bhayañāṇa, 怖畏智, bố uý trí); kế đó sự nhận thức về những lỗi lầm hay sự nguy hiểm của danh sắc (過患智, quá hoạn trí) khởi lên; tiếp tục, trí về sự nhàm chán khởi lên (nibbidāñāṇa, 厭 離 智, yểm ly trí); rồi ước muốn giải thoát khỏi danh sắc khởi lên (muñcitukamyatāñāṇa); và rồi thái độ xả đối với các đối tượng lạc và khổ khởi lên (saṅkhārupekkhāñāṇa, 行舍智, hành xả trí). Người hành thiền lúc này đã rất gần với mục tiêu giải thoát. Ngay lập tức vị ấy có được minh sát trí sắc bén dẫn đến sự diệt của các hành danh và sắc (rūpa-nāma saṅkhāra), đó là, sự chứng đắc Niết Bàn qua bốn Thánh Đạo và bốn Thánh Quả. Đây được xem là tột đỉnh của sự phát triển tinh thần. Như vậy mỗi giai đoạn nối tiếp nhau trong sự phát triển minh sát trí đánh dấu một sự tiến bộ thêm nữa trong đời sống tinh thần.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app