Quả Nghiệp

Theo Tăng Chi Bộ Kinh, quả nghiệp của nói lời phù phiếm là người nói có thể rơi vào bốn ác đạo hoặc nếu có tái sanh làm người thì những gì anh ta nói hầu hết mọi người không ai muốn nghe hoặc chú ý đến.

Điển hình của nói lời phù phiếm được xem như đủ xấu để dẫn đến các cõi thấp là nói những điều đại loại như trong câu chuyện đánh nhau của các vị vua Bhārata trong Mahābhārata, truyền thuyết về việc bắt cóc Sitadevi bởi ác thần Rāvaṇa gọi là Dasagiri và v.v… Các bản chú giải mô tả những cuộc nói chuyện như vậy chỉ là nói lời phù phiếm. Sau đây là sự cô đọng của câu chuyện trong Mahābhārata.

Trên bờ sông Yamunāmột một đứa bé trai được sanh ra do sự kết hợp của đạo sĩ Parāsara và Saccavati. Đứa bé trai ấy được gọi là Depāyana. Sau khi sanh đứa bé, người mẹ lại trở thành một trinh nữ do năng lực thần thông của vị đạo sĩ. Devāyana về sau cũng trở thành một đạo sĩ có tên là Bhyāsa. Anh hứa với mẹ là khi nào bà muốn gặp anh thì anh sẽ đến. Về sau, Saccavati được đức vua Santanu của xứ Kurus phong cho làm hoàng hậu. Nàng sanh cho đức vua hai người con trai, hoàng tử anh tên Citriṇgadahu và hoàng tử em tên Citraviriya. Khi đức vua Citraviriya băng hà, dù có hai hoàng hậu nhưng lại không có người con nào, Saccavati lúc đó liền cầu cứu sự giúp đỡ của Bhyāsa, vị đạo sĩ và cũng chính là con mình, giúp đỡ. Do lời hứa trước kia vị đạo sĩ đã đến giúp để bảo tồn dòng dõi của hoàng tộc này. Tuy nhiên vị đạo sĩ là một người xấu trai đến nỗi khi đến với bà hoàng hậu lớn, hoàng hậu phải nhắm đôi mắt lại, và vì thế bà hạ sanh một hoàng tử mù, Dhataraṭṭha. Bà hoàng hậu trẻ nhìn đạo sĩ với ánh mắt lờ mờ và vì thế bà được một hoàng tử thong manh, tên Panḍu. Do người anh bị mù nên Panḍu lên làm vua và lấy Gandhāri, công chúa của vua Gandhāra. Nàng có một trăm người con trai, hoàng tử lớn nhất là Duyodhana.

Một hôm vua Paṇdu hạ được một cặp nai bằng cây cung của mình. Nai đực là một đạo sĩ có quyền lực, nó đã nguyền rủa đức vua phải chết khi đang hưởng dục.Vì thế Paṇdu quyết định sẽ tránh hành dâm. Ông có hai bà hoàng hậu, Kunti và Maddi. Do tránh hành dâm nên cả hai bà đều không có con để kế thừa sự nghiệp. Kunti cầu nguyện và có được ba người con trai, Yudhiṭṭhira, Bhima, và Ajjuna nhờ những quan hệ của bà với thần Dhamma, thần gió và Sakka. Maddi có hai người con sinh đôi, Nakula và Sahadeva, nhờ hai vị thần Assavi. Paṇdu chết và hoàng tử mù Dhataraṭṭha lên ngôi.

Duyodhna, con trai của Dhataraṭṭha, và những người khác được gọi là nhóm Korabhyasa trong khi những người con của Paṇdu bị Duyodhana và những người khác thù ghét. Yudhiṭṭhira và những người khác được gọi là nhóm Pandavas. Là những chiến sĩ can đảm, những người con của Paṇdu bị Duyodhana và những người khác căm ghét. Vì thế sau khi bàn bạc với Pussāsana em mình, bạn mình Kaṇṇa, và cậu mình Sakuṇi, Duyodhna đã ra lệnh cho nhóm Pandavas nhân danh vua chuẩn bị một cuộc tượng-chiến tại một căn nhà ở nông thôn. Kế hoạch của anh ta là đốt cháy căn nhà vào ban đêm và giết hết mọi người trong lúc họ đang ngủ. Nhưng hoàng hậu Kunti và năm người con trai, đã được bậc hiền trí Vidura cảnh báo, chạy thoát được. Tuy nhiên họ phải chịu đựng rất nhiều gian khổ trong rừng và năm người con của bà phải giả dạng làm những người bà-la-môn. Câu chuyện cũng kể cho chúng ta biết hoàng tử Bhima đã giết hai gã khổng lồ ăn thịt người như thế nào. Về sau, giả dạng như những người bà-la-môn năm vị hoàng tử đến dự lễ kén chồng của Kaṇhā, con gái vua Pañcāla. Công chúa sẽ đội vòng hoa cho người cầu hôn theo sự chọn lựa của cô. Buổi lễ cũng có sự tham dự của Duyodhana (người đã ra lệnh giết năm hoàng tử), nhóm người của anh ta và các nàng công chúa địa phương. Anh trai của Kaṇhā thông báo tên tuổi của những người cầu hôn. Mọi người được giới thiệu đến công chúa. Đây là một cuộc thi tài. Những người dự thi từng người một sẽ cố gắng kéo một cây cung nhưng không ai kéo được. Kaṇṇa, người đánh xe của phe Duyodhana đã khéo léo kéo được cây cung và sắp sửa bắn vào mục tiêu thì công chúa la lên rằng cô không chọn anh ta. Cuối cùng hoàng tử Ajjuna dưới dạng người bà-la-môn đã kéo được cây cung và bắn trúng mục tiêu. Kaṇhā đã đội vòng hoa cho chàng như một sự chọn lựa nhưng Ajjuna nói rằng nàng không chỉ dành riêng cho chàng mà theo truyền thống gia đình nàng sẽ trở thành vợ của cả cả năm anh em. Điều lạ lùng là, nàng công cúa trong câu chuyện này khá giống với Kaṇhādevi trong chuyện tiền thân Kuṇāla. Cuối cùng cuộc chiến nổ ra giữa các vị hoàng tử một bên do Duyodhana dẫn đầu và bên kia Yudhiṭṭhira, và họ đã giết hại lẫn nhau. Cuộc chiến này đã được mô tả trong Mahābhārata.

Lạ hơn nữa là người ta được hướng dẫn để chấp nhận tất cả chuyện này như những sự thực và phải nghe đi nghe lại câu chuyện ấy. Những ai thuật lại hoặc những ai nghe nó một cách chân thành sẽ được bảo đảm giải thoát khỏi mọi ác nghiệp và sau khi chết sẽ sanh lên các cõi cao hơn. Rāmāyana còn kể lại chi tiết cho chúng ta biết Sītādeva vợ của Rāma đã bị gã khổng lồ Rāvana bắt cóc và đưa đến Ceylon (Tích Lan) như thế nào và với sự giúp đỡ của khỉ Hanuman, Rāma đã chiến thắng Rāvaṇa và giành lại được vợ của mình ra sao. Người tin câu chuyện đem thuật lại và người nghe câu chuyện này cũng được bảo đảm một cuộc sống trên cõi trời sau khi chết. Thực sự thì đối với những người không phải là tín đồ Ấn Giáo (Hindus) chính thống và những người có hiểu biết, rõ ràng những câu chuyện này chỉ là chuyện thần thoại và hư cấu. Nếu chúng ta xem những câu chuyện này như những sự kiện có thực, niềm tin ấy không những sẽ cản trở tiến bộ tâm linh của chúng ta mà còn gây ra nhiều tai hại. Do đó kẻ khuyến khích người khác tin những câu chuyện như thế sẽ sa vào bốn ác đạo và nếu có tái sanh lại làm người thì họ là người không đáng tin.

Về phương diện nghiệp lực, theo các bản chú giải, nghe những câu chuyện phù phiếm chỉ có hại nếu như người ta tin chúng. Lại nữa, Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) và các bản chú giải khác nói rằng chỉ khi đắc A-la-hán thánh quả người hành thiền mới có thể vượt qua được sự thích thú trong những cuộc nói chuyện phù phiếm. Do đó chúng tôi cho rằng sự thích thú trong những cuộc nói chuyện phù phiếm bình thường nằm trong ba mươi loại vừa nêu vốn không đưa đến các cõi thấp vẫn còn nấn ná ở các giai đoạn thánh đạo thấp hơn, tức từ nhập lưu đến Bất lai vậy.

Quả nghiệp của tránh nói lời phù phiếm dĩ nhiên chỉ là ngược lại với những gì mà một người nói lời phù phiếm phải chịu. Người tránh nói lời phù phiếm sẽ sanh vào những cõi cao sau khi chết và nếu có sanh lại làm người, họ sẽ là người đáng kính và được mọi người tín nhiệm.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app