Ba Loại Tiết Chế (Virati)

Chánh ngữ, chánh nghiệp, và chánh mạng là sự tiết chế thiện. Mỗi sự tiết chế như vậy lại có ba loại. Thứ nhất là tiết chế do đối đầu (sampatta virati): khi một người tránh làm một điều ác không phải do đã nguyện trọ trì giới luật. Theo đó, một người không nguyện giữ giới vẫn có thể tránh nói dối, trộm cắp hay sát sanh ở những khoảnh khắc nào đó trong cuộc sống đặt người ấy vào sự cám dỗ (phải nói dối, trộm cắp, sát sanh). Kế tiếp chúng ta có tiết chế do thọ giới (samādāna virati 受離, thọ ly). Loại tiết chế này muốn nói đến một người sau khi đã phát nguyện giữ giới thấy được rằng đời sống đạo đức của mình trong sạch, nghĩa là đã giữ giới tốt. Loại tiết chế thứ ba là tiết chế do tuyệt diệt (samuccheda virati 斷離, đoạn ly), khi một người ở trên A-la-hán thánh đạo tất cả mọi điều ác đều bị thánh đạo này bứng gốc, không còn sanh khởi lại nữa.

Trong ba loại tiết chế này loại cuối cùng, đó là tiết chế do tuyệt diệt, không phối hợp với bất kỳ tư duy tiết chế nào cả. Tâm của người hành thiền tập trung trên Niết Bàn. Nhưng kể từ lúc vị ấy đạt đến Thanh đạo tâm vị ấy không còn khởi lên bất kì một ước muốn làm điều ác nào nữa. Những ác dục này bị dập tắt hoàn toàn và điều này có nghĩa là sự tiết chế tối hậu và vì thế nó có tên là tiết chế (virati). Tương tự, trong khi hành thiền, vị hành giả có chánh niệm sẽ nhận ra tính chất vô thường, khổ, và vô ngã của các đối tượng giác quan và vì thế vị ấy không có những tham muốn bất thiện, như sát sanh, trộm cắp, nói dối,…nữa và điều này có nghĩa là sự tiết chế khỏi những điều ác. Như vậy trong thực tế thiền minh sát liên quan đến cả ba loại tiết chế. Khi thiền được hoàn thiện lúc đó sự tiết chế ở mức thánh đạo có mặt và tất cả tà ngữ, tà nghiệp và tà mạng bị bứng gốc.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app