Thất Niệm (Muṭṭhassacca)

Về cơ bản, thất niệm, quên và phóng dật (pamāda) là giống nhau cũng như thận trọng và chánh niệm vậy. Vì thế những gì chúng tôi đã nói về pamāda (phóng dật) có thể áp dụng cho thất niệm. Nếu thất niệm trong những công việc đời thường hay trong đời sống tinh thần đem lại sự tai hại thì chánh niệm trong cả hai lãnh vực ấy của cuộc sống sẽ đem lại lợi ích.

Một số người giàu không bao giờ bố thí. Do khiếm khuyết về bố thí một tương lai bất hạnh sẽ chờ đợi họ sau khi chết. Một số không quan tâm đến giới; thậm chí ngũ giới cũng không được họ giữ một cách nghiêm túc. Họ thường nói rằng họ vẫn chưa già và còn đang sống một cuộc sống thoải mái (nên chưa cần phải giữ giới). Nhưng họ có biết đâu rằng bao người trẻ đã chết! và nếu chết không giới, họ có thể phải đoạ vào bốn ác đạo. Vì thế, chúng ta nên ghi nhớ trong tâm sự quan trọng của giới ngay cả khi còn trẻ. Thiền định, thiền minh sát và vấn đề tu tập tâm còn xa lạ đối với hầu hết mọi người. Có những người biết được một chút nào đó về thiền thì lại nghĩ rằng những pháp cao siêu này không dành cho thế hệ của họ. Nhưng nếu họ chết trẻ chắc chắn họ sẽ bỏ lỡ kinh nghiệm tâm linh vô giá này.

Thiền minh sát đặc biệt quan trọng. Nếu một người Phật tử không đạt được những kết quả của thiền minh sát, sự tin tưởng vào Phật-Pháp của họ kể như không đáp ứng được mục đích. Vì trong khi bố thí, trì giới, và thiền định có thể được tìm thấy ở các tôn giáo khác thì thiền minh sát là giáo lý duy nhất của Đức Phật. Thực hành minh sát đúng cách không phải là việc dễ. Một số người có mong muốn thực hành minh sát nhưng họ đã chết mà không hoàn thành được ước nguyện của mình vì không có người hướng dẫn.

Một số không bỏ lỡ cơ hội hành thiền này. Lúc ban đầu có thể chánh niệm của họ chưa đủ mạnh nên nhiều hiện tượng lẽ ra họ phải quan sát và loại trừ, đã thoát khỏi sự chú ý của họ. Song với sự phát triển của trí minh sát vào bản chất sanh diệt của mọi hiện tượng trong từng sát-na, sự chú ý của họ trở nên nhạy bén hơn và được tập trung tốt hơn trên mọi hiện tượng khởi sanh. Lúc này không có gì thoát khỏi sự ghi nhận của họ. Với chánh niệm như vậy cuối cùng họ có thể đạt đến bốn giai đoạn của thánh đạo.

Chánh niệm mà người hành thiền có được nhờ quan sát trên các đối tượng giác quan được nhấn mạnh trong Kinh Niệm Xứ, đó là, chánh niệm trên thân, thọ, tâm, và pháp. Như trong kinh nói, “Sabbaṁ abhiññeyya – (người hành thiền phải biết tất cả mọi hiện tượng xuất hiện)”, mọi hiện tượng ở đây muốn nói tới tất cả hiện tượng tâm-vật lý hay danh và sắc phát sanh từ sáu giác quan. Điều này đòi hỏi phải hướng tâm đến những gì được thấy trong lúc ấy và ghi nhận sự kiện đó, đối với các hoạt động nghe, ngửi, nếm,… cũng vậy. Sự chú ý được tập trung trên các đối tượng khi chúng sanh khởi nối tiếp nhau. Nếu trong khi đang quan sát sự phồng và xẹp của bụng, bạn nghe hay ngửi thấy một cái gì bạn có thể chuyển sự chú ý qua đối tượng ấy. Làm thế nào để không một điều gì thoát khỏi sự chú ý của bạn hay bạn quên (không ghi nhận) nó. Một sự chú ý nhạy bén đặc biệt như vậy thường xuất hiện cùng với sự phát triển của sanh diệt trí (udayabbayañāṇa). Sự chú ý rơi trên đối tượng ngay tức thời giống như những con chim mổ hết hột thóc này đến hột thóc khác vậy. Đây là một trạng thái tâm gọi là chánh niệm hiện tiền (upaṭṭhitasati).

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app