Chiến Thắng Nhờ Chánh Niệm
Ở ngôi làng Seikkhun quê tôi, thuộc huyện Shwebo có một thiền sinh rất chánh niệm. Người này đã từng là một vị sư trong 20 năm. Khi làm một người tại gia cư sĩ vị ấy luôn ghi nhận với chánh niệm mọi hiện tượng xảy ra, như khi nghe ông bố vợ quở trách, vị ấy ghi nhận “nghe, nghe”. Lời quở trách có thể kéo dài khoảng mươi phút. Đối với vị ấy giọng của người nói cũng như những lời nói của người ấy tan biến liền ngay lúc đó và vị ấy không biết tí gì về những điều ông già vợ đang nói. Vị ấy không giận cũng không muốn trả miếng. Nếu không có chánh niệm, có lẽ người ấy đã đáp trả một cách giận dữ và thốt ra những lời thô lỗ. Đây là một cách rất tốt để vượt qua thói quen nói lời thô ác mà mọi người có thể noi theo. Nó cũng giúp chúng ta chế ngự được cơn giận và bảo đảm sẽ dứt trừ hoàn toàn được thói quen ấy khi chúng ta đạt đến thánh đạo qua việc phát triển các minh sát trí. Nhưng, vì lẽ nói lời ly gian và nói lời thô ác xuất phát từ căn sân, nên người hành thiền chỉ có thể vượt qua được những phiền não này một cách hoàn toàn ở giai đoạn Bất Lai (anāgāmi). Giai đoạn nhập lưu (sotāpatti) chỉ bảo đảm diệt được những thói quen nói lời thô ác đưa đến bốn ác đạo mà thôi. Ở giai đoạn nhất lai (sakadāgāmi) cũng vậy, người hành thiền chỉ bảo đảm diệt được những hình thức thô của nói lời thô ác và nói lời ly gián đưa đến bốn ác đạo. Vị ấy vẫn chưa thoát khỏi những hình thức vi tế của việc thốt ra những lời ly gián, và thô ngữ vốn chỉ được dập tắt hoàn toàn ở giai đoạn bất lai. Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga) mô tả lời nói ly gián, thô ngữ và ác ý kể như ba khuynh hướng bất thiện chỉ bị diệt hoàn toàn ở giai đoạn bất lai. Vì thế người hành thiền phải cố gắng để đạt đến giai đoạn này để bỏ được những thói xấu ấy.