Câu Chuyện Về Trưởng Lão Ni Isidāsi
Trong thời Đức Phật và trong khoảng gần một ngàn năm sau khi Đức Phật Bát Niết-bàn, Tăng Đoàn vẫn còn tồn tại những vị Tỳ-kheo ni. Địa điểm của câu chuyện là ở tại Pataliputta, một đô thị mới phát sanh và trở nên nổi tiếng ở giai đoạn hậu-Niết bàn và vì thế sự kiện này có thể đã xảy ra sau khi Đức Phật nhập diệt. Nhưng vì lẽ câu chuyện được tìm thấy trong Kinh Tạng Pāḷi, nên rõ ràng nó liên hệ đến những sự kiện xảy ra trước Kỳ Kết Tập Lần Thứ Hai hay những sự kiện xảy ra trong khoảng một trăm năm sau Đức Phật nhập diệt.
Một hôm, hai vị Tỳ-kheo ni, Isidāsi và Bodhi, ngồi chơi trên bờ cát trắng của sông Hằng gần đô thị Pataliputta. Cả hai đều là những bậc A-la-hán, với các lậu hoặc (āsava) đã được diệt tận. Họ ngồi với tâm suy quán, hít thở không khí trong lành và ngắm nhìn làn nước trong xanh mát mẻ của sông Hằng. Rồi, khi nhìn vào người bạn của mình, Trưởng-lão ni Bodhi hết sức kinh ngạc với sắc đẹp và tuổi trẻ của Isidāsi. Nói chung, những phụ nữ trẻ đẹp như thế này thường đắm chìm trong các dục lạc. Họ ít khi đi viếng những nơi thiêng liêng, nói gì đến việc nuôi dưỡng ý tưởng xuất gia (gia nhập tăng đoàn). Bodhi tự hỏi hoàn cảnh nào đã đưa Isidāsi đến với đạo và trở thành một vị Tỳ-kheo ni ở tuổi đôi mươi này. Vì thế cô hỏi Isidāsi, “Này sư muội, lẽ ra cuộc đời này là một nơi vui sướng đối với một người phụ nữ trẻ đẹp như sư muội mới phải. Vậy thì nỗi thất vọng hay tâm trạng vỡ mộng của đệ đối với cuộc đời này là gì khiến cho muội phải xuất gia?” Isidāsi đã kể lại câu chuyện của nàng như sau:
Là người con gái duy nhất của một thương gia đức độ và giàu có ở vùng Ujjeni, nàng được cha mẹ rất mực yêu thương. Ujjeni là một thị trấn của bang Bhopa miền trung tây Ấn Độ. Nó cách ngôi tháp mổi tiếng ở Sanchi không xa. Khi Isidāsi đến tuổi trưởng thành, một thương gia giàu có ở Sāketa miền trung bắc Ấn Độ đã xin cưới nàng cho con trai của ông ta. Sāketa cách Ujjeni rất xa; và vào những ngày ấy có lẽ phải đi mất đến hai hay ba tháng gì đó bằng xe bò hay xe ngựa.
Hai gia đình tương xứng với nhau về địa vị xã hội và sự giàu sang nên có thể nói đây là một cuộc hôn nhơn môn đăng hộ đối, vì thế cha mẹ của Isidāsi đã đồng ý. Sau khi kết hôn, theo phong tục Ấn Độ, nàng về sống trong căn nhà của cha mẹ chồng. Là một người con gái được nuôi dưỡng tử tế, nàng kính trọng cha mẹ chồng như cha mẹ mình, cứ hai ngày một lần nàng đến đảnh lễ họ theo đúng phong tục.
Ở Ấn Độ, những người trẻ vẫn còn phong tục đảnh lễ các bậc cha mẹ (kể cả cha mẹ vợ hay chồng) và các bậc lớn tuổi khác. Trên đường đi đến Tích Lan vì một số việc liên quan đến Kỳ Kết Tập Lần Thứ Sáu, chúng tôi có dừng lại tại Madras để thăm một người Ấn giàu có. Song ông ta lúc đó đi vắng, vì thế chúng tôi phải chờ ông ta tại nhà. Khi ông ta trở về, vợ ông ta và tất cả những người trong gia đình đều quỳ xuống đảnh lễ ông. Đó là cách chào đón của họ. Những người lớn tuổi cũng vậy, thường chào nhau bằng cách đưa hai tay lên và chắp lại với nhau. Ở miến không có phong tục như vậy và người Miến rất hiếm khi đảnh lễ cha mẹ và các bậc tôn trưởng. Việc đảnh lễ chỉ được làm với với hình tượng của Đức Phật, chùa tháp và và vị Tỳ-kheo. Những người theo thuyết duy linh (animists) đảnh lễ các vị thần (nats), nhưng họ không tỏ thái độ như vậy đối với đồng loại.
Tất cả những điều này là do thiếu sự tu tập. Một số thậm chí còn không biết phải đảnh lễ cha mẹ mình như thế nào nữa. Tuy nhiên, có những người biết tỏ ra kính trọng các bậc tôn trưởng, và xem đó như một pháp hành, nhưng chỉ trong Tháng Mười (Thadingyut) – chấm dứt tháng ăn chay của Đạo Phật ? Một số đứa bé không ngại ngùng khi đảnh lễ cha mẹ và các bậc tôn trưởng bởi vì chúng đã được dạy phải làm như thế. Đây là một thói quen rất tốt của một xã hội có văn hoá và các bậc cha mẹ nên gieo trồng những thói quen ấy trong tâm trí con cái mình.
Isidāsi cũng rất lễ độ với các anh chị chồng, luôn nhường ghế và tiếp đãi ăn uống mỗi khi họ đến. Đối với chồng thì nàng một mực kính trọng. Mỗi khi đến với chồng, nàng rửa chân tay sạch sẽ, chải tóc cho chồng, đưa gương soi, và tô thuốc nâu vào mắt chồng theo kiểu Ấn. Nàng chăm lo áo quần cho chồng như một người nô lệ. Tự tay sửa soạn bữa ăn cho chồng, rửa chén bát và xoong nồi… thay vì để công việc ấy cho người giúp việc. Tóm lại, nàng phục vụ chồng một cách kỹ lưỡng giống như một người mẹ chăm sóc những nhu cầu cho đứa con độc nhất của mình vậy. Sự chu toàn các bổn phận của một người vợ như nàng có thể nói bất cứ người đàn ông nào cũng sẽ cảm thấy hài lòng.
Tuy nhiên, đúng là sự mỉa mai của số phận, một tháng sau khi cưới, người chồng bỗng ghét cay ghét đắng nàng và y nói với cha mẹ mình rằng y không thể sống chung với nàng được nữa. Họ hỏi y tại sao lại không thích người vợ mà trong mắt họ là một người phụ nữ hiền thục, đảm đang, và tận tâm chu đáo. Y nói rằng vợ y không làm gì cho y phiền lòng hết nhưng bất chấp những tính tốt ấy y cũng không còn yêu thương nàng nữa, vậy thôi. Nếu cha mẹ cứ khăng khăng đòi anh phải có thái độ chung thuỷ với vợ anh sẽ bỏ nhà ra đi.
Thấy thế, người thương gia và vợ lại quay sang hỏi Isidāsi xem nàng có phạm lầm lỗi gì với chồng không. Isidāsi buồn bã trả lời rằng nàng không hề nói hay làm điều gì xúc phạm đến chồng cũng không hề nói hay làm điều gì khiến anh ta không vui, rằng nàng luôn luôn phục vụ chồng với sự kính trọng và tình cảm sâu sắc. Nếu anh ta ghét nàng bất chấp lòng trung thành của nàng, nàng không biết làm gì hơn.
Họ tin sự vô tội của Isidāsi nhưng tình thương con bao giờ cũng vẫn nặng hơn ý thức về sự công bằng. Vì thế họ gởi trả nàng về nhà của cha mẹ nàng dù cảm thấy rất buồn khi phải mất đi người con dâu duyên dáng như vậy.
Như sau này chúng ta sẽ thấy, sự căm ghét của chàng thanh niên này đối với người vợ vô tội của anh ta là do ác nghiệp của nàng trong quá khứ. Tuy nhiên lỗi không hoàn toàn nằm ở một mình Isidāsi. Sự không thích Isidāsi của anh ta cũng có thể được quy cho việc anh ta không có đủ thiện nghiệp để xứng đáng với một người phụ nữ cao quý như nàng. Lát nữa chúng tôi sẽ giải thích về điều này.
Cha của Isidāsi tin con mình có đủ khả năng để kiếm một người chồng tốt khác và ông đã gả nàng cho con trai của một thương gia giàu có thứ nhì trong tỉnh. Isidāsi phục vụ chồng rất mực kính trọng. Nhưng rồi chỉ một tháng sau chồng nàng cũng nói rằng anh ta không thể sống chung với nàng được nữa. Và nàng lại được gởi trả lại cho cha mẹ nàng như trước.
Sau đó người cha nghĩ rằng chính sự giàu có của bên chồng đã khiến cho những người chồng và cha mẹ chồng của nàng kiêu căng và ác nghiệt với nàng như vậy. Vì thế ông quyết định tìm một thanh niên nghèo cho thích hợp với con gái của ông ta. Không lâu sau đó, một gã ăn mày dễ ngó đi đến. Người cha cho anh ta những bộ quần áo mới và thuyết phục anh ta trở thành con rể của ông và sống thoải mái trong căn nhà này. Nhưng sau nửa tháng người ăn mày cũng đổi ý và nói rằng anh ta muốn được ra khỏi căn nhà sang trọng này. Cha mẹ và bà con thân quyến của Isidāsi hết lòng năn nỉ anh đừng đi nhưng chỉ vô ích. Anh ta nói rằng anh ta không thể sống chung với Isidāsi trong cùng căn nhà này được nữa. Thế là anh ta lại bỏ vợ để đi ăn xin như cũ.
Vận hành của nghiệp đôi khi rất đáng kinh ngạc. Thái độ miễn cưỡng của người ăn mày để sống thoải mái trong căn nhà của người thương gia như con rể của ông ta có lẽ là do anh không có đủ tiềm lực của thiện nghiệp để được hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn như vậy. Người ăn mày này giống như người đàn ông trong chuyện tiền thân Mahosadhā, người cũng bỏ vợ của mình.