Câu Chuyện Của Udumbara Devi

Ở đô thị Mithila của vương quốc Videha có một chàng thanh niên gọi là Piṅguttara, được cha mẹ cho đi học tại Takkasila. Là một người thông minh nên chỉ trong thời gian ngắn anh ta đã hoàn tất mục đích của mình và chuẩn bị từ giã thầy để trở về quê hương. Người thầy, theo truyền thống, có thói quen gả con gái tới tuổi trưởng thành cho học trò của mình. Lúc bấy giờ người thầy có một người con gái rất xinh đẹp đến tuổi lấy chồng vì thế ông đã gả cô con gái này cho anh ta. Piṅguttara là người không đủ thiện nghiệp hay nói nôm na là người ít phước nên anh ta không có tình cảm gì với người con gái của thầy, vốn là một người có nhiều thiện nghiệp, và do đó không tương xứng với anh ta. Tuy nhiên vì không muốn làm buồn lòng thầy, anh đồng ý chấp nhận nàng làm vợ.

Đêm tân hôn, khi cô dâu leo lên giường thì anh ta leo xuống ngủ dưới đất. Là phận nữ nhi nàng buộc phải leo xuống đất nằm ngủ bên cạnh anh ta, nhưng anh ta lại leo lên giường. Rồi khi cô gái leo lên theo anh ta, anh ta lại leo xuống. Cứ như vậy, trong suốt bảy ngày, cuối cùng thì cô gái ngủ trên giường còn anh ta thì ngủ dưới đất. Điều này cho thấy sự không tương xứng của hai tiềm lực nghiệp có bản chất trái ngược nhau (thiện và bất thiện).

Sau một tuần Piṅguttara đảnh lễ thầy và rời Takkasila cùng với vợ. Suốt cuộc hành trình họ không nói với nhau một lời nào cả. Khi họ đi đến gần đô thị Mithila, họ thấy một cây sung trĩu nặng những trái chín. Piṅguttara trèo lên cây và hái trái ăn. Vợ anh ta xin anh ném xuống cho mấy trái nhưng anh nói cô muốn ăn thì trèo lên. Khi cô ta trèo được lên cây và hái trái ăn, thì anh ta leo xuống và bỏ chạy sau khi đã lấy các thứ dây gai quây quanh gốc cây. Tất nhiên, hành động của anh ta là tàn nhẫn, nhưng anh ta phải bỏ vợ vì anh không xứng đáng với cô ta vậy.

Lúc bấy giờ đức vua xứ Videha tình cờ đi đến gần cây sung. Nhìn thấy người con gái xinh đẹp trên cây, đức vua đem lòng yêu mến. Đức vua hỏi xem nàng đã có chồng hay chưa. Nàng tình thật kể lại cho đức vua biết nàng là ai, bị chồng bỏ trên cây như thế nào và nàng cũng chẳng biết anh ta đi đâu, hiện giờ nàng đang rất lo lắng, không thể trèo xuống được. Đức vua kết luận rằng chồng nàng không còn quyền sở hữu nàng nữa, vì thế sau khi đưa nàng xuống, đức vua đặt nàng vào địa vị hoàng hậu của đức vua. Nàng được đặt tên là Udumbara Devi (Hoàng Hậu của cây sung), theo tên của cái cây mà đức vua đã tìm thấy nàng trên đó.

Một hôm dân làng gần cổng thành được lệnh tu sửa đường sá để chuẩn bị cho cuộc viếng thăm của đức vua đến khu vườn thượng uyển. Hôm ấy Piṅguttara, như một người dân trong làng, đang dọn dẹp con đường thì đức vua và hoàng hậu ngự đến trên một chiếc vương xa có các vị quan đại thần và cận vệ theo hầu. Nhìn thấy Piṅguttara với lưng áo xăn lên và một cái xẻng trong tay giữa đám dân lao động, hoàng hậu không thể nhịn cười được. Thấy vậy đức vua phán hỏi tại sao nàng cười. Hoàng hậu chỉ vào người chồng cũ và nói rằng chính cái vẻ (mặc cảm) tự ti của anh ta đã khiến nàng tức cười đến nỗi không thể nhịn được. Nhưng đức vua không tin lời nàng. Ngài nói, “Nàng đã dối ta. Chắc chắn nàng cười vì nhìn thấy người yêu cũ của nàng chứ gì. Ta phải giết nàng mới được.” Vì thế đức vua rút gươm ra. Hoàng hậu sợ hãi và van xin đức vua hãy hỏi ý kiến các bậc hiền trí để xác minh lời nói của nàng. Lúc đó đức vua quay qua phán hỏi đại thần Senaka cho biết ý kiến của mình. Senaka trả lời rằng không có người đàn ông nào lại đi bỏ một người phụ nữ xinh đẹp giống như nàng đâu. Tất nhiên, câu trả lời của Senaka đã làm cho hoàng hậu vô cùng kinh hãi nhưng do có chút hoài nghi về trí tuệ của ông ta, đức vua quyết định hỏi ý kiến của Mahosadhā (đại thần hiền trí và cũng là đức Bồ Tát của chúng ta). Vì thế đức vua phán hỏi Mahosadhā xem liệu có thể có một người đàn ông nào không thích và từ bỏ một người phụ nữ xinh đẹp và giới đức không.

Mahosadhā trả lời, “Tâu Đại Vương, người đàn ông từ bỏ một người phụ nữ xinh đẹp và giới đức chỉ có thể là một người có ít thiện nghiệp (người ít phước). Do đó, thần tin rằng người đàn ông kia không thích người phụ nữ này là điều có thể xảy ra. Một người có nhiều thiện nghiệp không bao giờ tương xứng với một người có ít thiện nghiệp. Đúng theo bản chất của pháp, thiện và bất thiện không thể tìm thấy ở chung với nhau (như trời và đất, bờ bên này và bờ bên kia) vậy.”

Chỉ khi nghe xong câu trả lời của Mahosadhā đức vua mới chấp nhận lời nói của hoàng hậu và tình yêu của vua đối với nàng vẫn nguyên vẹn như trước. Lẽ ra nếu không có Mahosadhā đức vua hẳn đã hành động theo lời khuyên của đại thần Senaka và mất đi người hoàn hậu xứng đáng rồi. Đức vua cảm thấy mình đã nợ mạng sống của hoàng hậu với Mahosadhā và vì thế như một dấu hiệu của sự biết ơn vua đã tặng cho Mahosadhā một số tiền lớn.

Câu trả lời của Senaka quả thực là sai lầm. Hơn nữa, câu trả lời ấy còn là một loại lời nói ly gián làm trầm trọng thêm tình thế vốn đã căng thẳng do sự nghi ngờ của đức vua. Nó không phải là câu trả lời mà những người làm công việc cố vấn nên đưa ra. Trái lại, câu trả lời của Mahosadhā là hợp lý và đúng sự thực. Cách trả lời đó còn giải toả được mối bất hoà và phục hồi lại sự hoà hợp giữa đức vua và hoàng hậu. Có thể nói đó là những lời nói của bậc Hiền Trí, không tạo ra sự ly gián và đáng được những người làm công việc cố vấn noi theo.

Một điều hiển nhiên rằng sự ruồng bỏ Udumbara Devi một phần là do ác nghiệp trong quá khứ của nàng nhưng một phần cũng do bởi Piṅguttara là người thiếu phước. Cũng vậy, Isidāsi bị người ăn mày ruồng bỏ bởi vì y không có những thiện nghiệp để sẽ bảo đảm được một cuộc sống tốt đẹp trong căn nhà của người thương gia. Đối với sự ruồng bỏ của hai người chồng trước cũng vậy, không hoàn toàn do nghiệp xấu của nàng mà một phần có thể được quy cho thiện nghiệp của họ quá ít để được sống chung với một người phụ nhữ cao quý như nàng.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app