Câu Chuyện về Khemā
Khemā mới đầu là Chánh Cung Hoàng Hậu của Vua Tần-bà-sa-la, Vua xứ Ma-kiệt-đà (Magadha). Khi Đức Phật ngự đến kinh thành Vương Xá (Rājagaha) cùng với một ngàn vị A-la-hán, vốn là những đạo sĩ thờ lửa thuộc nhóm ba anh em Ca Diếp ở rừng Ưu-lâu-tần-loa đã được Đức Phật chuyển hoá, Ngài đã được Đức Vua và quần thần gồm 12 ngàn người tiếp đón. Dịp này Đức Phật đã thuyết một bài pháp thích hợp và khi nghe xong, Đức Vua và hầu hết mọi người có mặt đều đắc đạo quả nhập lưu. Ngày hôm sau Đức Vua cúng dường thức ăn đến Đức Phật và Tăng Chúng, đồng thời Vua cũng hiến dâng khu vườn Trúc (Veluvana) để làm trú xá cho Tăng. Đức Phật đã trải qua hạ thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ bảy và thứ hai mươi trong ngôi chùa Trúc Lâm này và thỉnh thoảng trên bước đường hoằng hoá ngài cũng ghé lại nơi đó. Trong khi Đức Phật ở đó đức vua đã tận dụng mọi cơ hội để viếng thăm và nghe những bài giảng của ngài.
Tuy nhiên, Chánh Cung Hoàng Hậu Khemā của Đức Vua lại không màng tới việc đến thăm Đức Phật. Vì Hoàng Hậu rất xinh đẹp và hầu hết thời giờ của bà đều được dùng để trang điểm. Bà nghe rằng Đức Phật thường hay nói về cái đẹp của thể xác với sự rẻ rúng và vì thế, bà rất sợ và ngại ngùng không dám đến gặp bậc Đạo Sư. Nhưng Đức Vua, sau khi đã nếm được hương vị của Pháp, rất muốn chia xẻ nó với hoàng hậu. Đức Vua nhỏ hơn Phật năm tuổi, và có thể đoán chừng rằng Hoàng Hậu vẫn còn trong những năm đầu của tuổi ba mươi với ít nhiều kiêu căng tự phụ nên không muốn nghe Pháp. Do đó Đức Vua đã lập một kế hoạch để tạo ra sự gặp gỡ giữa Hoàng Hậu và Đức Phật.
Vua nhờ các thi sĩ soạn ra những bài hát ca ngợi vẻ rực rỡ của khu vườn Trúc này và để cho đám hát rong hát. Các thi sĩ đã làm hết sức mì nhđể vẽ lên một bức tranh toàn hảo của khu vườn. Bài hát của họ ca tụng sự hấp dẫn của vườn Trúc, mô tả nét hao hao của nó với Lạc Viên (Nandavana) trên thiên giới, những du khách đến thăm khu vườn, sự kinh ngạc và mê say của họ, chỗ ở của Đức Phật được thêm vào để làm tăng vẻ lộng lẫy của khu vườn, và v.v… Tất nhiên là bài hát được soạn bằng tiếng Pāḷi và có thể đã tác động một cách sâu xa đến tâm hồn những người nghe khi được hát bởi một ca sĩ tài năng với một chất giọng du dương và biểu cảm.
Bài hát này cũng được những cung phi mỹ nữ trong triều hát. Khi nghe bài hát, Hoàng Hậu trở nên háo hức muốn được đến thăm khu vườn. Thực tế thì không có gì hoài nghi về vẻ tráng lệ của khu vườn. Trước đây, chỉ thưởng ngoạn khung cảnh đầy cỏ cây hoa là của nó đã khiến người ta thích thú. Giờ đây, nó còn được tôn vinh với vẻ huy hoàng của Đức Phật, với những bài giảng Pháp của Ngài, với những hành giả đang hành thiền và với các vị Tỳ-kheo đang an trú trong định. Thảo nào mà các vị chư thiên đều lấy làm thích thú khi đến viếng thăm nó và không hề cảm thấy nhàm chán khi được thấy Đức Phật và nghe những lời dạy của Ngài.
Sau đó, Hoàng Hậu Khemā quyết định xin phép Đức Vua để đến thăm khu vườn. Vua rất hoan hỷ đồng ý nhưng với điều kiện là bà phải đến gặp Đức Phật. Để tránh gặp Đức Phật, Hoàng Hậu chờ khi Đức Phật đi bát theo thường lệ mới đi đến đó. Bà vô cùng thích thú với vẻ đẹp của khu vườn. Lang thang hết chỗ này đến chỗ khác, bà nhìn thấy một vị sư trẻ đang nhập thiền dưới một gốc cây. Bà ngạc nhiên không hiểu tại sao một thanh niên trẻ trung như vậy lại hiến mình cho đời phạm hạnh, mà theo bà nghĩ, chỉ có ý nghĩa đối với những người già đã chán chê việc theo đuổi các dục lạc thời trai trẻ của mình.
Khi bà sửa soạn lui gót quay về hoàng cung thì những người tuỳ tùng nhắc lại lời chỉ dẫn của Đức Vua cho bà nhớ và dưới sức ép của họ bà buộc phải đi đến hương thất (Gandhakuti) của Đức Phật. Bà hy vọng rằng Đức Phật vẫn còn đi khất thực trong kinh thành chưa về nhưng sự đối đầu mà bà lo sợ đã không thể tránh được.
Khi vừa bước vào chính điện, bà nhìn thấy một người con gái cực kỳ xinh đẹp đang đứng hầu quạt cho Đức Phật. Thực sự thì người con gái đó chỉ là một sáng tạo của Đức Phật (một hì nhảnh do Đức Phật biến hoá ra). Hoàng Hậu chưa bao giờ thấy một nhan sắc đẹp như vậy trước đây, có thể nói cô gái đó đẹp đến nỗi so với cô ta, sắc đẹp của Hoàng Hậu bị lu mờ hẳn đi và hầu như trở thành vô nghĩa. Những gì Hoàng Hậu vừa nhìn đã xoá tan sự hiểu lầm của bà cho rằng Đức Phật là người khinh thường những phụ nữ đẹp. Nó cũng là một cú đấm đập vỡ sự kiêu mạn và hão huyền của Hoàng Hậu.
Trong khi Hoàng Hậu còn đang nhìn không chớp mắt vào cô gái, Đức Phật, bằng năng lực thần thông của mình,đã làm cho cô gái trở nên già cỗi ngay dưới mắt Hoàng Hậu. Cô gái cứ già mãi, già mãi cho đến khi trở thành một bà lão chín mươi, với mái tóc bạc trắng, những chiếc răng gãy rụng, làn da nhăn nheo và xương xẩu lộ hẳn ra. Rồi bà lão ấy mất thăng bằng, đổ sụp xuống, rên rỉ và thở hổn hà hổn hển. Nhìn thấy cảnh tượng này hoàng hậu bị chấn động sâu sắc. Bà trở nên ý thức rõ về tính chất bất tịnh và đáng nhờm gớm của thân người, và cũng thấy ra rằng chính sự vô minh đã làm cho người ta đắm trước vào thân xác của họ.
Lúc đó Đức Phật mới thuyết pháp cho Hoàng Hậu. Ngài bảo bà hãy suy xét trên tấm thân này. Tấm thân vốn được xem là đối tượng của sự đắm trước đối với những người vô minh bất chấp mùi hôi hám khó chịu của nó, bất chấp những vật bất tịnh của nó, bất chấp những thứ cặn bã của nó và tính dễ nhiễm những chứng bệnh đau đớn của nó. “Vì thế, này Hoàng Hậu! Bà nên chú tâm trên tính chất đáng nhờm gớm của thân này. Hãy nhàm chán nó. Thân của cô gái này trước đây cũng xinh đẹp như thân của bà. Nhưng giờ đây nó đã trở nên đáng ghê tởm và thân của bà đúng thời rồi cũng sẽ như thế mà thôi. Do đó bà nên tránh đừng để đắm trước vào thân của mình cũng như thân của bất kỳ một ai khác. Bà nên quán tính chất vô thường của các Pháp.”
Tính chất vô thường của các pháp thường thoát khỏi sự ghi nhận của những người không chánh niệm về hợp thể thân-tâm vào sát-na sanh khởi của nó, và sống không suy quán với trí tuệ, tin rằng thân của một người lớn vẫn là một với thân khi còn thơ ấu của họ vậy. Đối với họ tâm cũng là một thực thể thường hằng, thậm chí đối với một số người tâm và thân chỉ là những phương diện của cùng cái ngã bền vững. Như vậy, chính con người có khuynh hướng nhận lầm tướng thường hằng này. Ảo tưởng này không những chỉ có đối với những người không suy xét đúng tự thân mà cả những người có thể mô tả thân, tâm và những thành tố của nó theo cách phân tích nữa. Nhưng đối với một hành giả thực hành chánh niệm liên tục sẽ không có những cái thấy về tay, chân, đầu, v.v… khi họ phát triển định tâm. Họ chỉ thấy sự tan hoại trong từng sát-na của các hiện tượng cả chủ quan lẫn khách quan. Và vì vậy họ nhận thức rõ tính chất vô thường của thế giới hiện tượng cho chính mình.
Kế đó, Đức Phật thúc giục Hoàng Hậu hãy quán bản chất của các Pháp vốn không có bất kỳ tướng thường hằng nào này, vì chính sự không hiểu biết về nó là căn nguyên phát sanh tính quá mạn của bà.
“Vì thế, Này Hoàng Hậu! Nhờ nhìn thấu suốt tính chất vô thường này, bà sẽ vượt qua được cội gốc của kiêu mạn; nhờ vượt qua kiêu mạn, bà sẽ sống trong bình yên.”
“Tựa như con nhện cứ chạy ngược chạy xuôi không ngừng trong cái mạng nhện mà nó đan như thế nào, cũng vậy, do tham ái, con người ta cứ mãi lang thang vô định từ hiện hữu này sanh hiện hữu khác , không thể gỡ mì nh ra khỏi vò ng luân hồi y như vậy. Những ai từ bỏ được các dục lạc và thực hành Chánh Pháp có thể vượt qua được tham ái này và tự giải thoát mì nh ra khỏi vò ng trầm luân sanh tử.”
Các bản chú giải nói rằng sau khi nghe xong bài Pháp của Đức Phật, Khemā đã đắc A-la-hán Thánh quả. Theo Apadāna, sau khi nghe xong những bài kệ của Đức Phật bà có được Pháp Nhãn, còn theoKinh Mahānidāna, bà đắc A-la-hán thánh quả sau khi thực hành Pháp như một vị Tỳ-kheo Ni (bhikkhuni) trong khoảng một tháng rưỡi. Ở đây Pháp Nhãn (Dhammacakkhu) có thể có nghĩa là nhập lưu thánh đạo trí (sotāpattimaggañāṇa) hay bất lai thánh đạo trí (anāgāmimaggañāṇa).
Chú giải Trưởng Lão Ni Kệ (Therigātā) thì xem Pháp Nhãn là nhập lưu thánh đạo trí. Nếu xét về sự xuất gia của bà thì có thể an toàn để nói rằng mặc dù bà không trở thành một bậc A-la-hán ngay lúc ấy, ít nhất bà cũng đã đạt đến tầng Thánh Bất Lai vốn giải thoát cho bà khỏi ái dục rồi vậy.
Bất luận thế nào thì với sự đồng ý của Đức Vua, bà đã gia nhập Tăng Đoàn và được gọi là Trưởng lão Ni Khemā. Do bà nổi bật trong số các vị Tỳ-kheo ni về phương diện trí tuệ, nên bà đã được Đức Phật tán dương là Tỳ-kheo ni tối thắng về trí tuệ.