Visākhā
Saṇghadayikā, người con gái thứ bảy của vua Kiki sanh làm Visākhā, người phụ nữ đã dâng cúng ngôi chùa Pubbarāma (Đông Viên Tự) cho Tăng. Năm lên bảy tuổi nàng đắc Nhập Lưu khi cùng với năm trăm người bạn gái được nghe một bài pháp của Đức Phật nhân dịp ngài đến thăm thị tứ của Bhaddiya. Sau đó nàng cùng với cha mẹ di chuyển về Sāketa theo lời mời của đức Vua Pasenadi. Đến tuổi trưởng thành, nàng lấy con trai của phú hộ Migāra và sống ở Sāvatthi. Nàng dâng cúng Đông Viên Tự đến Tăng và cúng dường cháo cũng như bữa ăn sáng cho chư tăng mỗi ngày tại nhà. Ngoài ra, mỗi khi đến chùa nghe pháp nàng còn cúng dường nước ép trái cây và thuốc trị bệnh cho các vị nữa.
Trong bảy người con gái của đức vua Kiki thực hành phạm hạnh, sáu người con gái đầu trở thành bậc Thánh A-la-hán và nhập Niết Bàn trong kiếp đó. Người cuối cùng, đó là Visākhā, trong thời Đức Phật Gotama của chúng ta không đắc đạo quả cao hơn. Nàng chết như một bậc Thánh Nhập Lưu và hiện nay là hoàng hậu của thiên vương Sunimmita ở cõi trời Hoá Lạc Thiên (Nimmānaratī), cõi thứ năm của sáu cõi trời dục giới. Nàng sẽ đắc Bất Lai tại cõi này và lần lượt trải qua năm cõi Tịnh Cư thiên rồi Nhập Niết Bàn ở cõi Sắc Cứu Kính Thiên (Akaniṭṭha) như một bậc thánh A-la-hán.
Như vậy Visākhā hiện nay đang là chánh cung hoàng hậu trong cõi trời Hoá Lạc Thiên. Thọ mạng ở cõi này là 8000 tuổi tương đương với 2304 triệu năm trên địa cầu. Có lẽ thọ hưởng lạc thú cõi trời trong một thời gian dài như vậy rồi cũng chán. Khi nàng chết như một bậc Thánh Bất Lai, nàng sẽ đi đến cõi thấp nhất trong năm cõi Tịnh Cư, đó là cõi Vô Phiền (Avihā), ở đây nàng trở thành một vị Phạm Thiên (Brahma). Phạm thiên tuy không phải người nam cũng không phải người nữ nhưng vẫn mang dáng dấp của một người nam uy nghiêm. Và Phạm Thiên thì đã hoàn toàn thoát các tham muốn nhục dục (dục ái).
Thọ mạng của Phạm Thiên cõi Vô Phiền là 1000 kappas (kiếp: một chu kỳ thế gian). Từ Vô Phiền nàng sẽ đi đến Vô Nhiệt (Atappa), cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) thứ hai. Sau 2000 kappas ở đó, nàng sẽ chuyển sang Thiện Hiện (Sudassana), cõi Tịnh Cư thứ ba, ở đây nàng sẽ sống trong 4000 kappas. Sau đó nàng sẽ sống 8000 kappas khác trong cõi Tịnh Cư thứ tư, đó là, cõi Thiện Kiến. Sau khi trải qua 16000 kiếp ở đây, nàng sẽ đi đến cõi Akaniṭṭha (Sắc Cứu kính Thiên), cõi Tịnh Cư cao nhất, và tại đây nàng sẽ nhập Niết Bàn sau một thọ mạng 16000 kiếp. Như vậy tổng cộng thọ mạng của nàng ở cõi Tịnh Cư là 31000 Kappas. Điều đó có nghĩa là Visākhā sẽ sống trong cõi Phạm Thiên trong 31000 kiếp trước khi đạt đến Niết Bàn.
Chúng tôi giả định số phận sau khi chết của Visākhā này trên thẩm quyền của chú giải bài kinh Đế Thích Sở Vấn (Sakka-panha sutta) trong Trường Bộ Kinh. Chú giải bài kinh này nói rằng cõi cuối cùng mà Sakka (vua trời Đế Thích) sẽ đi đến là Sắc Cứu Kính Thiên (Akaniṭṭhā). Thực ra thì chú giải không đề cập tới việc chứng đắc A-la-hán Thánh quả và nhập Niết Bàn của Sakka tại cõi đó. Nhưng sự hiện hữu của Sắc Cứu Kính Thiên loại trừ khả năng phải tái sanh hay chuyển đến một cõi nào khác và vì thế nó đã hàm ý sự chứng đắc A-la-hán thánh quả hay chứng nhập Niết Bàn ở đó vậy.
Đây cũng là số phận của những người hành thiền ở ba tầng đầu của thánh đạo và đi đến cõi Quảng Quả (Vehapphala)[1] hoặc Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ (Nevasaññānāsaññāyatana). Chú giải này cũng nói rằng đây là số phận chung của vua trời Đế Thích (Sakka) và Visākhā.
Một số bậc thánh Nhập Lưu thích những lạc thú trần gian hay thích được thọ hưởng những quả cuar nghiệp thiện đã làm của họ. Họ ước mong những hạnh phúc thế gian, họ thích thú trong những hạnh phúc này và thường nhớ đến nó. Trưởng giả Cấp-cô-độc (Anātapindika), tín nữ Vi-sa-kha (Visākhā), Cularathadeva[2], Mahārathadeva[3], Anekavaṇṇadeva, Sakka, và Nāgadattadeva – chú giải nói rằng bảy người này sẽ lần lượt đi qua sáu cõi trờ dục giới, sau đó an trú ở cõi Sắc Cứu Kính (Akaniṭṭhā) và nhập Niết Bàn ở đó.
Tất nhiên, hiểu theo nghĩa đen lời dẫn trong chú giải về sự thọ hưởng các dục lạc của họ trong sáu cõi trời lần lượt như vậy sẽ là không đúng. Có lẽ, điều này chỉ muốn nói đến giai đoạn Bất Lai (Anāgāmi) ở một hoặc hai trong số các cõi dục giới và sau đó chuyển sang cõi Vô Phiền của Tịnh Cư Thiên (thuộc tứ thiền sắc giới) mà thôi. Một bậc Nhập Lưu như tín nữ Visākhā không phải là bậc Nhập Lưu tối đa bảy kiếp (sattakkhatuparāma), không phải bậc Nhập Lưu đi từ nhà này sang nhà khác (Kolaṁkola, bậc Gia Gia 「家家」) và cũng không phải là bậc Nhập Lưu Nhất Chủng Sanh (ekabiji). Ở Miến người ta thường gọi vị ấy là Bonzinzan, bởi vì vị ấy sẽ hưởng thụ mọi hạnh phúc cõi trời theo tuần tự từ cõi này sang cõi khác. Sở dĩ gọi là Bonzinzan là vì , theo các bản chú giải của Tương Ưng Bộ Kinh và Nhân Chế Định (Puggalapaññati), vị ấy sẽ lần lượt đi qua hết các cõi trời dục giới vậy.
Pháp Tụ (Dhammasaṅganī), bộ đầu tiên của Tạng Diệu Pháp mô tả bốn giai đoạn của thánh đạo như bốn địa (bhūmi). Các vị thánh đi qua bốn địa này cũng có thể được gọi là Bonzinzan. Nhãn hiệu này dành cho các bậc thánh trải qua bốn địa như vậy có vẻ thích hợp hơn bởi vì sự chứng đắc theo tuần tự của họ khác với số phận của bậc Nhập Lưu với bảy lần tái sanh. Bậc thánh Nhập Lưu tái sanh bảy lần và sau khi kinh qua ba thánh đạo cao hơn khác (Tư-đà-hàm, A-na-hàm, và A-la-hán) sẽ đắc A-la-hán Thánh quả. Đây cũng là số phận của hai loại Thánh Nhập Lưu khác, đó là bậc Gia Gia và Nhất Chủng Sanh. Nhưng nếu chữ địa (bhūmi) chúng ta hiểu là bốn giai đoạn của thánh đạo, thời bậc Nhập Lưu đạt đến giai đoạn Bất Lai nơi một trong các cõi chư thiên, trải qua năm cõi Tịnh Cư (Suddhāvāsa) và đắc Niết Bàn trong cõi Sắc Cứu Kính. Vị này được gọi là Bonzinzan có lẽ thích hợp hơn do sự chứng đắc ba giai đoạn hay thánh địa của vị ấy theo tuần tự.
Trên đây là những câu chuyện minh hoạ rõ quả nghiệp của phạm hạnh mà người nam hay người nữ thực hành. Những mẫu chuyện ấy chỉ ra cho chúng ta thấy phạm hạnh thanh tịnh sẽ dẫn đến những tiến bộ về vật chất và tinh thần như thế nào – được thọ hưởng hạnh phúc cõi trời, rồi từ thiên giới họ đi qua các cõi Tịnh Cư hay Phạm Thiên ra sao. Bắt đầu từ trạng thái bình thường của một kẻ phàm phu, lần lượt chứng đắc các tầng thánh và cuối cùng với A-la-hán thánh quả hay Niết Bàn là điều khả dĩ đối với người hành thiền vậy.
Do đó, quý vị nên nguyện thực hành phạm hạnh thanh tịnh để nâng cao giá trị tinh thần và để làm giảm gớt hay dập tắt các phiền não. Những ai chỉ có thể giữ ngũ giới thì nên tránh tất cả mọi loại tà dâm.
[1] Vehapphala: One of the Brahma worlds of the Rūpaloka plane. Beings are born there as a result of developing the Fourth Jhāna (AbhS. chap. v., see. 3 d). Anāgāmīs born there reach Nibbāna without going elsewhere (VbhA.522). (Một trong năm cõi Phạm Thiên Sắc Giới. Những chúng sanh tái sanh cõi này là do quả của tứ thiền sắc giới. Các bậc Thánh Bất Lai (không đắc tứ thiền) cũng sanh và nhập Niết Bàn ở đó chứ không đi đâu khác.
[2] Cūlaratha – Một vị thiên tử ở Cõi Đạo Lợi vượt xa Đế Thích về hào quang. (A devaputta in Tāvatimsa who excelled Sakka in glory. DhA.i.426)
[3] Mahāratha. Một vị chư thiên ở cõi Đạo Lợi. Do kết quả của một thiện nghiệp, sự lộng lẫy của vị ấy vượt trội hơn Vua trời Đế Thích. (A devaputta inTāvatimsa. As a result of his good deeds, he excelled in majesty Sakka himself. DhA.i.426; UdA.i.199).