Tuệ Phân Biệt Nhân Duyên (Paccayapariggahañāṇa)
Thực hành chánh niệm liên tục sẽ tạo ra tuệ minh sát vào mối quan hệ nhân quả giữa danh và sắc. Khi định của bạn phát triển, bạn trở nên chánh niệm rõ hơn về những gì bạn làm cũng như về những gì xảy ra trước khi bạn làm một điều gì. Chẳng hạn, khi đang quan sát sự phồng xẹp, bạn cảm thấy ngứa ở đâu đó. Bạn muốn gãi, bạn ghi nhận ước muốn (gãi), sự co và duỗi, … của tay bạn. Theo cách này bạn hay biết được mối quan hệ nhân quả giữa tâm của bạn và những thay đổi trong những động tác của thân bạn.
Hơn nữa, vào khoảnh khắc thấy với chánh niệm bạn nhận thức rõ được các nhân làm phát sanh nhãn thức, đó là., nhãn căn, cảnh sắc và sự chú ý đến cảnh sắc ấy. Thường thường, người hành thiền có được sự nhận thức rõ như vậy là nhờ bắt đầu với sự nghe. Người ấy nhận thức được rằng cái nghe tuỳ thuộc vào nhĩ căn, âm thanh và sự chú ý đến âm thanh ấy. Điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn trong trường hợp của những âm thanh khó chịu mà hành giả không thể phớt lờ được.
Khi người hành thiền đang quan sát sự phồng và xẹp, tâm vị ấy có thể lang thang đi nơi khác (phóng tâm). Nếu vị ấy không quan sát khuynh hướng này, nó sẽ biến thành một sự suy nghĩ lan man. Đôi khi vị ấy ghi nhận được nó và đưa sự chú ý của mình vào phồng xẹp trở lại. Lúc đó vị ấy biết được nhân sanh của chúng, nghĩa là vị ấy biết do tác ý không như lý (ayonisomanasikāra) mà tâm lang thang hay phóng tâm, và nhờ tác ý như lý (yonisomanasikāra) vị ấy ngăn được sự phóng tâm này. Thỉnh thoảng tâm vị ấy dường như rỗng không. Phồng xẹp không rõ ràng, thân có vẻ như đã biến mất và vị ấy nghĩ rằng không có gì để cho vị ấy ghi nhận nữa. Sau đó vị ấy lại ghi nhận được mọi cảnh trần phát sanh. Vị ấy biết rằng chánh niệm có mặt là do có đối tượng của sự chú tâm.
Hơn nữa, vị ấy cũng nhận ra rằng sự trở thành không ngừng của danh sắc trong kiếp hiện tại là do nghiệp quá khứ làm duyên. Như vậy sự hiểu biết của vị ấy đã được mở rộng, tất nhiên ở đây chỉ đề cập đến một số sự kiện rõ ràng mà thôi. Tuệ minh sát của vị ấy vào mối quan hệ nhân quả giữa danh và sắc được kết hợp với Đoạn Nghi Thanh Tịnh (kankhāvitaraṇavisuddhi). Tuệ này phát sanh do kinh nghiệm chứ không phải do lý luận mà có. Theo bộ luận Thanh Tịnh Đạo, tuệ này bảo đảm một sự tái sanh tốt và đưa đến nhập lưu thánh đạo. Tuy nhiên người hành thiền phải không được tự mãn với nó mà nên tiếp tục việc hành thiền của mình.