Tuệ Diệt (Bhangañāṇa)
Thực hành tiếp tục đưa đến sự biến mất dần và cuối cùng là mất hẳn của ánh sáng, hỷ lạc, và những kinh nghiệm phi thường khác. Những sự kiện xảy ra trong tâm trở nên dễ thấy và rõ ràng hơn bao giờ hết. Các hiện tượng không xuất hiện ra tướng và biến mất nhanh chóng. Dường như chúng biến mất trước khi người hành thiền quan sát được chúng. Trong khi đang quan sát sự phồng xẹp,…người hành thiền không có một hình ảnh trong tâm nào về (cái) bụng hay thân hay chân tay gì cả. Các đối tượng của sự chú ý không di chuyển từ nơi này đến nơi khác mà biến mất tức thời ngay chính tại chỗ (sanh lên) của nó. Có thể nói các hiện tượng mà người hành thiền quan sát biến mất cùng với sự biến mất của tâm. Sự nhận thức về những sự kiện này được gọi là Tuệ Diệt (Bhangañāṇa) hay trí minh sát vào tính chất tan hoại của các pháp. Người hành thiền đạt đến tuệ này không phải bằng suy luận mà bằng sự nội quan. Chẳng hạn khi quan sát sự co và duỗi (của tay hay chân) vị ấy không có một hình ảnh nào về cánh tay và vị ấy cũng không hình dung bất cứ sự chuyển động nào của nó. Vị ấy chỉ thấy sự biến mất của tâm quan sát và đối tượng của sự chú ý như những đơn vị tách rời nhau. Đối với sự phồng xẹp của bụng cũng tương tự như vậy.
Từ lúc người hành thiền thấy các đối tượng của sự chú ý diệt mất đi như vậy, vị ấy sẽ không thấy có lý do gì để phải gán cho những vật ấy là thường, lạc, ngã, tịnh nữa. Vị ấy đã nhận ra bản chất thực của hiện hữu, đó là, tính chất vô thường, khổ và vô ngã của nó. Vì thế theo Thanh Tịnh Đạo, chỉ có tuệ diệt mới có thể giúp người hành thiền vượt qua được những ảo tưởng về thường, lạc, và ngã đối với sự hiện hữu của vị ấy một cách thấu đáo.