Tà Tư Duy (Micchāsaṅkappa)
“Những người khác có thể có tà tư duy nhưng chúng ta sẽ có chánh tư duy và nhờ có chánh tư duy này chúng ta đoạn giảm được các phiền não của chúng ta.”
Đây là những gì mà kinh Đoạn Giảm (Sallekha Sutta) muốn nói. Có ba loại tà tư duy, đó là, tư duy sanh khởi từ ái dục, tức suy nghĩ để có được đối tượng mình mong muốn, hay còn gọi dục tầm (kāmavitakka); tư duy sanh khởi từ sân hận hay ý định huỷ hoại người khác (sân tầm, vyāpādavitakka); và những tư duy phát sanh từ ước muốn gây hấn hay ý định muốn là hại người khác (hại tầm, vihimsavitakka).
Ngày nay con người ta thường ôm ấp rất nhiều những tà tư duy và phổ biến nhất có lẽ là những tư duy xuất phát từ tham dục. Con người thường nghĩ đến cách làm sao để có được những vật mà mình mong muốn – món ăn ngon, quần áo đẹp, nhà lầu, xe hơi, đất, vườn, trâu bò và v.v… Họ có những dự định liên quan đến tham vọng của họ, những mối quan hệ xã hội, nghề nghiệp, gia đình, giữ gìn tài sản, v.v…Tóm lại, hầu như họ bận tâm với những tham muốn của họ suốt cả ngày.
Trong những loại tư duy này, tư duy vị kỷ (làm lợi ích cho mình) có thể được gọi là chánh tư duy. Nhưng vì lẽ nó dựa trên dục vọng bất thiện, nên từ quan điểm của pháp (dhamma) nó vẫn được định danh là tà tư duy. Tuy nhiên nghĩ đến việc đi tìm những nhu cầu cần thiết của cuộc sống một cách hợp pháp thì không có hại lắm. Ngay cả các vị Tỳ-kheo (bhikkhu), những người hiến mình cho Pháp cũng còn phải đi tìm thức ăn, v.v…, và nó là điều hoàn toàn thích hợp để suy nghĩ đến việc làm những gì không thể tránh được một cách hợp pháp. Nhưng, trong lúc hành thiền hành giả không nên ấp ủ những ý nghĩ như vậy lâu dài. Nói chung tư duy hay suy nghĩ cũng cần phải được quan sát và vứt bỏ nó như những hiện tượng danh sắc khác.
Cái được xem như cực kỳ nghiêm trọng là nghĩ đến việc có những gì mình không đáng có một cách phi pháp hay trong trường hợp mình đáng có nhưng bị ám ảnh với tham muốn đối với nó. Vì loại dục tầm (tư duy tham dục) này sẽ kéo dài vòng luân hồi (saṁsāra) cho dù nó không đưa đến các cõi sống thấp. Điều tốt nhất để làm là vứt bỏ hết mọi dục tầm đó đi, vì cái gì mình đáng có tự nó sẽ đến với mình. Các vị sư cũng như người hành thiền xem trọng giới chế ngự các căn nên tránh những dục tầm hay những ý nghĩ tham dục về những đối tượng bất đồng (visabhāga), đó là những đối tượng dưới hình thức người nam hay người nữ có những dáng vẻ khác nhau. Nói khác hơn, những vị Tỳ-kheo và những hành giả nam nên tránh nghĩ về người nữ, tu nữ, và ngược lại những hành giả nữ và tu nữ không nên nghĩ đến người nam. Những dục tầm như vậy gây chướng ngại cho sự phát triển định, trí minh sát hay nói chung sự tu tập tâm và vì thế chúng phải được quan sát và vứt bỏ.
Lại nữa, khi chúng ta nghĩ về một người mà chúng ta ghét chúng ta có khuynh hướng có ác ý đối với người ấy. Chúng ta buộc tội họ đã làm điều gì đó có hại cho chúng ta, đã cản trở những dự định của chúng ta và vì thế chúng ta mong muốn cho họ bị huỷ diệt và phá sản. Chúng ta nghĩ đến việc trừ khử họ. Đây là sân tầm phát sanh từ ác ý (vyāpāda). Đối tượng của ác ý không nhất thiết phải là một người. Khi chúng ta tìm cách tiêu diệt một con rắn, một con bò cạp, con muỗi hay con rầy,… chúng ta cũng đã bị thúc đẩy bởi ác ý. Chúng ta có thể biện minh cho sự cố gắng giết con rắn, con cọp,…ấy của chúng ta, nhưng ý nghiệp bất thiện có liên quan sẽ dẫn đến khổ đau và vì thế mỗi ý nghĩ sát sanh khởi lên vì bất cứ lý do hay mục đích gì đều được gọi là một tà tư duy.
Nếu sự suy nghĩ không phải để giết người mình ghét mà chỉ để hành hạ hay bạc đãi người ấy, thì đó là hại tầm (vihiṁsavitakka). Ở đây, một người chỉ có ý định muốn đánh, muốn lăng mạ, xỉ vả hay gây đau khổ cho người khác bằng một cách nào đó mà thôi. Nếu trong tư duy của người ấy có thiện ý thúc đẩy, thì không có quả nghiệp bất thiện. Nhưng nếu hại tầm xuất phát từ sân hận thì đó là bất thiện trên phương diện nghiệp và quả của nó sẽ là nghiêm trọng tương xứng với giới đức của người bị hại.