Sự Xác Nhận về Chánh Kiến
“Những người khác có thể tin nơi một linh hồn hay một ngã thể nhưng chúng ta sẽ giữ vững chánh kiến rằng chỉ có danh và sắc. Chúng ta sẽ thực hành Pháp để đoạn giảm phiền não (pháp môn đoạn giảm). Chúng ta sẽ trau dồi những ý nghĩ về chánh kiến (pháp môn khởi tâm). Chúng ta sẽ tránh ngã kiến và thân kiến bằn cách chấp nhận chánh kiến (pháp môn tránh né). Chúng ta sẽ thành tựu việc nâng cao tinh thần bằng chánh kiến (pháp môn hướng thượng). Và chúng ta sẽ dập tắt ngọn lửa phiền não phát sanh từ ngã kiến và thân kiến bằng cách giữ vững chánh kiến (pháp môn trừ diệt).”
Ngấm ngầm trong sự xác nhận này là những người chủ trương ngã kiến phải được liệt vào hàng những kẻ dị giáo, một sự ngụ ý có thể được xem như đang công kích những người chấp theo tà kiến ấy. Nhưng như chúng tôi đã chỉ rõ, một ngã kiến như vậy không nghiêm trọng như quan kiến xu hướng về điều ác, vì nó chỉ kéo dài sự hiện hữu của họ trong vòng luân hồi mà thôi. Hơn nữa người bình thường ít ai thoát khỏi tà kiến. Chỉ khi đang hành thiền chúng ta mới tạm thời thoát khỏi nó. Vì thế không có lý do gì để những người tin theo tà kiến phải tức giận khi được gọi là những người dị giáo. Nếu họ tức giận, họ có thể chuyển sang chánh kiến bằng sự nội quan. Có những người quyết đạt cho được những đỉnh cao tinh thần mà không cần từ bỏ ngã kiến của họ. Còn đối với những hành giả cư sĩ đang hành thiền, họ thực hiện những tiến bộ tinh thần của họ dựa trên chánh kiến giống như bà Visākha và Anāthapiṅdika (Cấp-cô-độc) trong thời Đức Phật vậy.
Visākha và Anāthapiṅdika (Cấp-cô-độc) là hai tục gia đệ tử của Đức Phật sau khi chết đã trải qua hết các cõi trời dục giới. Tại đó họ đạt đến giai đoạn Bất Lai (anāgāmi) và sẽ sanh về cõi Tịnh Cư Thiên (Suddhāvāsa), đó là năm cõi Phạm thiên sắc giới. Họ sẽ sống hết một ngàn kiếp trong cõi Vô Phiền (Aviha) thấp nhất, hai ngàn kiếp trong cõi Vô Nhiệt (Atappa), bốn ngàn kiếp trong cõi Thiện Hiện (Sudassa), tám ngàn kiếp trong cõi Thiện Kiến (Sudassī) và mười sáu ngàn kiếp trong cõi Sắc Cứu Kính Thiên (Akaniṭṭha), hay sống ba mươi mốt ngàn kiếp trong cõi Tịnh Cư Thiên. Cuối cùng ở cõi Akaniṭṭha này họ sẽ trở thành các bậc Thánh A-la-hán và nhập Niết Bàn. Đây là cách người hành thiền tạo những tiến bộ tinh thần qua chánh kiến trên căn bản của thiền minh sát và Thánh Đạo. Chúng ta cũng sẽ noi theo những tấm gương của họ.