Sự Phục Hồi Của Hiện Hữu

Vòng nghiệp luân được theo sau bởi vòng quả luân (vipākavaṭṭa). Điều này xảy ra như vầy: một người sắp chết sẽ thấy một hình ảnh trong tâm nào đó như kết quả của những thiện nghiệp hay ác nghiệp mà y đã làm trong cuộc đời mình. Có những hình ảnh liên quan đến nghiệp y đã làm (kamma), có những hình ảnh liên quan đến những đối tượng và hoàn cảnh mà y đã tạo nghiệp (kammanimitta, nghiệp tướng), và có những hình ảnh liên quan đến kiếp sống tương lai do những nghiệp của y tạo điều kiện (gatimimitta, thú tướng). Những hình ảnh này loé lên trong tâm khi y tiến gần đến sự chết (giây phút cận tử). Vì thế người ấy chết với tâm dính mắc vào một trong những hình ảnh ấy.

Chết chỉ là sự chấm dứt của tiến trình tâm luôn luôn sanh và diệt theo sau sự tan hoại của sát na tâm cuối cùng. Nhưng nó không chấm dứt hoàn toàn. Vì tại đó một tâm mới sẽ phát sanh trong một hiện hữu mới, trong một cõi sống mới phù hợp với một trong những tâm ảnh mà người chết dính mắc vào ngay giây phút cuối cùng của kiếp trước. Cùng với tâm tái sanh này những hệ quả khác sẽ theo sau, đó là, danh-sắc (nāma-rūpa), lục nhập (āyatana), xúc (phassa), và thọ (vedanā). Như vậy, có năm nhân (vô minh, ái, thủ, hành và nghiệp) và vòng nghiệp luân này được theo sau bởi vòng quả luân (thức, danh sắc, lục nhập,…). Cũng vậy, từ sát na thụ thai đến sát na tử hiện tượng tâm vật lý cứ sanh khởi không ngừng và trong tiến trình sanh khởi của chúng những cảm thọ lạc và khổ khiến cho tham, sân, v.v… có mặt và tham ái này đến lượt nó đưa đến thức (tái sanh),… trong hiện hữu kế. Như vậy chỉ có các nhân và quả diễn tiến không ngừng. Do vô minh, nghiệp,… có sự hiện hữu hay tái sanh mới, với thức, danh sắc,… khởi lên và rồi chúng ta nói về sự đi lên thiên giới hay đoạ xuống địa ngục của họ.

Trong thực tế không có sự luân hồi của một người, một chúng sanh, hay một thực thể nào cả. Chỉ có sự sanh khởi của danh sắc hay tâm và thân mới trong một kiếp sống sau như kết quả của Nghiệp trong một hiện hữu trước đó và trong suốt kiếp sống chúng ta chỉ có một tiến trình tâm-vật lý như kết quả của những trạng thái tâm đi trước mà thôi. Quý vị cần phải nghe pháp hay đọc kinh sách để có một sự hiểu biết rõ ràng về bản chất của sự sống này. Những người có được kiến thức như vậy sẽ thoát khỏi hai dị giáo, đó là thường kiến cho rằng linh hồn hay thực thể của một người sẽ chuyển đến một nơi khác sau khi chết và giữ nguyên như vậy; và đoạn kiến cho rằng sự sống của một người sẽ bị huỷ diệt sau khi chết.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app