Sự Phát Sanh Của Trí Thẩm Sát Tam Tướng
Sự Phát Sanh Của Trí Thẩm Sát Tam Tướng, v.v…
Hai chánh kiến mà chúng tôi vừa đề cập, trí phân biệt danh sắc (nāmarūpaparicchedañāṇa), và trí phân biệt nhân duyên (paccayapariggahañāṇa) được xem như căn bản cho thiền minh sát và vì vậy ở đây chúng được gọi là Chánh Kiến Minh Sát (vipassanāsammādiṭṭhi). Trong quá trình nội quan thêm nữa người hành thiền sẽ nhận ra các hiện tượng tâm vật lý hay danh và sắc sanh khởi từ sáu căn đều vô thường, khổ, và vô ngã. Sở dĩ người hành thiền nhận thức được các tính chất này là do họ khám phá ra sự thực rằng mọi thứ sanh lên luôn luôn diệt mất. Nếu những ý nghĩ khởi lên trong lúc bạn đang quan sát sự phồng và xẹp, …bạn cũng phải ghi nhận chúng, và rồi chúng sẽ diệt mất. Bạn thấy sự sanh và diệt của một hiện tượng tâm mới và nhận ra tính chất vô thường của nó, và bạn suy quán trên tính chất vô thường của mọi danh pháp như vậy. Đây là trí thẩm sát tam tướng (sammasanañāṇa).
Nếu trong lúc đang chánh niệm về sự phồng, xẹp,…bạn có những cảm thọ khổ như tê cứng, đau nhức, ngứa ngáy,…, bạn phải gắn tâm trên cảm thọ ấy và ghi nhận, “tê, tê”, “nóng, nóng”,…Lúc đó cảm thọ khổ sẽ dần dần biết mất, bạn nhận ra tính chất vô thường của nó và bạn suy quán trên tính chất vô thường của mọi cảm thọ. Đây cũng là trí thẩm sát tam tướng (sammasanañāṇa).
Bạn cũng phải ghi nhận những trạng thái tham, sân, khó chịu, và những trạng thái tâm khác khi chúng khởi lên. Bạn sẽ thấy rằng chúng biến mất ngay khi bạn ghi nhận chúng. Sự suy quán trên tính chất vô thường của chúng trí thẩm sát tam tướng (sammasanañāṇa).
Gắn tâm trên những sự chuyển động của bất cứ thân phần nào của bạn như co, duỗi, …bạn sẽ thấy tính chất nhất thời và vô thường của chúng, trạng thái tâm của bạn ở sát na quan sát sự phồng lên (của bụng) cũng vậy. Mỗi sự kiện tâm đều biến mất cùng với sự kiện vật lý tương ứng. Bạn suy quán trên tính chất vô thường của chúng như vậy.
Chính tính chất vô thường này sẽ dẫn bạn đến chỗ suy nghĩ về tính chất bất toại nguyện, không đáng tin cậy và đau đớn của chúng, sự thiếu khả năng kiểm soát của bạn đối với chúng và sự hiện khởi của các hiện tượng trong trạng thái tự nhiên của chúng. Sự suy quán này là tuệ minh sát thứ nhất mà bạn gặt hái được trong thiền.
Đó là tư duy trí hay tuệ thẩm sát tam tướng (sammasanañāṇa), trí thứ nhất trong mười loại trí minh sát. Khi bạn thiếp tục thực hiện việc ghi nhận về tất cả những gì đang xảy ra mà không tư duy, trí minh sát của bạn sẽ trở nên nhanh hơn và sự sanh được theo sau bởi sự diệt nhanh đến nỗi cuối cùng sự chú ý của bạn được giới hạn ở hiện tượng diệt mà thôi. Lúc đó tính chất vô thường, khổ và vô ngã trở nên hiển hiện rõ ràng hơn. Sự minh sát sâu vào trạng thái sanh và diệt nhanh chóng này được gọi là sanh diệt trí (udayabbayañāṇa, 生滅隨観智).
Ở giai đoạn này người hành thiền thấy ánh sáng, cảm nghe toàn thân phấn chấn, ngây ngất và cực kỳ hoan hỷ. Những cảm giác và ảo ảnh này cũng phải được quan sát và loại trừ. Sau khi vượt qua chúng, người hành thiền thấy rằng sự sanh của các hiện tượng mà vị ấy quan sát không còn rõ ràng nữa và chỉ sự diệt của nó còn lại trong sự tập chú của vị ấy. Người hành thiền nghĩ mình chỉ hay biết được sự diệt của các hiện tượng và sự hay biết rõ ràng này nhấn mạnh đến tính nhanh lẹ qua đó các pháp tan hoại và diệt mất.
Minh sát trí sâu vào sự diệt như một thực tại duy nhất này là Hoại Diệt Trí (bhaṇgañāṇa, 壞滅智). Ở giai đoạn này không còn hình ảnh, ảo tưởng hay tướng xuất hiện trong tâm người hành thiền nữa. Vị ấy thấy rằng mọi thức (các pháp) diệt ngay tức thì chứ không di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Chẳng hạn, khi hướng tâm chú ý vào sự co, người hành thiền không thấy hình ảnh của cánh tay hay chân nữa. Vị ấy chỉ thấy các hiện tượng vật lý hay sắc pháp và tâm tương ứng diệt mất. Đối với sự duỗi, đi, phồng, xẹp và v.v… cũng có thể nói như vậy. Sự khám phá này giúp vị ấy thấy rõ được tính chất vô thường, khổ và vô ngã.
Cùng với sự phát triển của hoại diệt trí (bhaṇgañāṇa) này còn có sự sanh khởi của bố uý trí (怖畏智) và các loại trí khác. Các loại trí sau này làm cho hành giả ý thức đầy đủ hơn về sự tan hoại của các pháp và ba dấu ấn của hiện hữu, đó là vô thường, khổ, và vô ngã. Về sự phát triển các minh sát trí, có thể nói Hành xả trí (saṅkhārupekkhāñāṇa) rất là vi tế và lợi ích. Trí này giúp người hành thiền dửng dưng với các dục trần khả ái cũng như bất khả ái, và nhờ đó không xua đuổi và cũng không bị chúng hấp dẫn. Người hành thiền lúc này có thể duy trì chánh niệm trong hai hoặc ba tiếng đồng hồ liên tục. Khi hành xả trí được phát triển đầy đủ, minh sát trí dẫn đến sự xuất khởi (vuṭṭhānagāmini vipassanā) sẽ xuất hiện. Phần cuối cùng của minh sát trí này gọi là tuỳ thuận trí (随顺智).
Minh sát trí này có nghĩa là một sự hiểu biết rõ về bất kỳ một trong ba dấu ấn của sự hiện hữu và nó là chánh kiến dựa trên minh sát.