Sự Chuyển Hoá của Porisāda
Đức vua trả lời rằng bài pháp ấy mà đem dạy cho một kẻ ăn thịt người vô liêm sỉ và không tôn trọng luật pháp như Porisāda sẽ không xứng đáng chút nào cả. Câu trả lời của đức vua sở dĩ khó nghe và có tính cách làm nhục như vậy là vì ngài muốn thức tỉnh Porisāda, làm cho y phải cảm thấy hổ thẹn. Dĩ nhiên những lời nói của đức vua càng làm cho Porisāda háo hức muốn được nghe bài pháp hơn. Y nói rằng sau khi nghe xong bài pháp y có thể phân biệt được giữa cái thiện và cái ác, và rằng y có thể mong ước những điều cao thượng hơn trong cuộc sống. Đức vua Sutasoma xét thấy đã đúng lúc để cho Porisāda nghe bài pháp. Vì thế ngài truyền lại cho y bốn câu kệ.
Mặc dù Porisāda là một con người man rợ do quả nghiệp bất thiện của những thói quen y đã làm trong kiếp quá khứ, y vẫn có đủ trí thông minh để hiểu được giá trị của lời dạy trong bài kệ ấy. Vì khi nghe xong bài kệ, người y tràn đầy niềm hoan hỷ và sự ngưỡng mộ vô bờ. Y muốn dâng cúng tiền thưởng cho bài kệ, nhưng không có tiền, vì thế y nói với Sutasoma hãy yêu cầu một điều gì khác hơn vàng bạc cho mỗi trong bốn câu kệ ấy. Đức vua nhạo báng Porisāda đang trong tâm trạng kinh ngạc này và ngài nói thật lớn món quà mà ngài mong đợi từ một kẻ vô lại không biết điều gì là tốt đẹp cho chính bản thân mình. Porisāda trả lời rằng y sẽ hoàn thành ước muốn của đức vua ngay cả phải hy sinh thân mạng.
Lúc đó, đức vua mới bày tỏ ước muốn thứ nhất của mình. “Này hiền hữu Porisāda, tình bạn giữa hai người giới đức hay giữa hai bậc hiền trí là điều tốt đẹp. Ta ước mong được thấy bạn khoẻ mạnh và không bệnh tật trong một trăm năm.”
Lời tuyên bố này rõ ràng là vì sự tốt đẹp của Porisāda nhưng trong thực tế lời ước của đức vua ngụ ý rằng ngài sẽ không bị giết. Vì, chẳng phải là ngài sẽ không có cơ hội để được thấy Porisāda sống đến 100 năm nếu như ngài bị giết đó sao? Có thể xem đây là điển hình của những lời nói mẫu mực mà các bậc trí dùng để đáp ứng sự quan tâm của người khác trong khi đồng thời Porisāda vẫn cảm thấy hài lòng khi biết rằng người mà y có ý định giết không những không có ác ý đối với y mà còn quan tâm đến sức khoẻ của y nữa. Dĩ nhiên là y rất hoan hỷ đáp ứng điều mong ước của đức vua.
Lời thỉnh cầu thứ hai và thứ ba của đức vua Sutasoma cũng được chấp thuận. Lời thỉnh cầu thứ hai là không được giết những vị vua đang bị bắt và thứ ba là hãy thả họ trở về quốc độ của họ.
Theo như lời thỉnh cầu vừa rồi của đức vua thì Porisāda phải từ bỏ thói quen ăn thịt người. Tất nhiên, Porisāda đã bác lời thỉnh cầu này, y nói rằng sở dĩ y phải đi ra khỏi quốc độ của y là vì y rất thích ăn thịt người. Y thèm ăn thịt người đến nỗi phải bỏ cả vương quyền và quốc độ để vào sống trong rừng như thế này. Nhưng đức vua Sutasoma một mực yêu cầu y phải chấp nhận lời thỉnh cầu.
Porisāda rơi vào một tình thế khó xử. Vì y đã đồng ý chấp thuận bất cứ lời thỉnh cầu nào của đức vua dù có phải hy sinh thân mạng của mình. Hơn nữa, theo truyền thống của các bậc quân vương thuở xưa, nếu đã đưa ra một lời hứa danh dự thì thà chết chứ không được quyền thất hứa. Mặt khác, từ bỏ thói quen ăn thịt người là một điều rất khó đối với y. Hiển nhiên, việc y thích ăn thịt người đã được xác minh bằng sự từ bỏ vương quyền và gia tộc để chọn sống một cuộc sống gian khổ ở trong rừng. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên đối với chúng ta, vì nếu chúng ta xét nó trên căn bản của việc giữ giới của chúng ta thì sẽ rõ. Hầu hết con người ngày nay đều thích ăn thịt và họ sẽ không hoan nghênh bất kỳ một đề nghị bỏ ăn thịt nào. Ngay cả những người trong tôn giáo này cũng vậy. Đề nghị bỏ ăn thịt làm các vị sự lúng túng hơn những người tại gia cư sĩ vì chúng ta hiểu rằng họ rất lưỡng lự khi chấp nhận những bữa cơm chay hoàn toàn. Nghe nói một số vị sư đã phản đối việc ăn chay và cho đó là pháp hành do Đề-bà-đạt-đa chủ trương. Một số còn cho rằng chỉ ăn những món ăn chay thì có khác gì đâu, bởi vì thích ăn chay cũng có nghĩa là còn tham vậy. Điều này đúng. Ăn mà không chân chánh quán tưởng hay ăn mà không chánh niệm sẽ có khuynh hướng tạo ra tâm tham bất kể thức ăn ấy là chay hay mặn. Nhưng bản chất của tham trong trường hợp này không giống nhau và đây là điều hiển nhiên bởi vì có rất nhiều người không thể nào tránh ăn thịt được. Một số người không thích những bữa ăn thiếu các món thịt, như gà, heo, bò, v.v…, một thực tế chỉ ra cho thấy sự dính mắc thái qúa của họ vào thịt.
Vậy thì việc từ bỏ ăn thịt người là khó đối với Porisadā cũng không có gì đáng ngạc nhiên cả. Y đã khóc và khẩn nài đức vua chọn một yêu cầu khác. Nhưng đức vua rất cương quyết vì thế cuối cùng Porisadā phải hứa từ bỏ việc ăn thịt người. Hành động từ bỏ của Porisadā là một tấm gương và một sự thôi thúc đối với chúng ta. Nếu Porisadā, một tướng cướp khét tiếng không thể tránh được món thịt người mà y thích, thì không lý do gì tại sao chúng ta không thể tránh những điều ác. Porisadā đã theo lời khuyên của Sutasoma, lúc đó chỉ là một vị Bồ-tát (Bodhisatta), thế thì tại sao chúng ta không nghe theo lời khuyên của Đức Phật? Như vậy, được truyền cảm hứng bởi tấm gương của Porisadā chúng ta nên cố gắng tránh điều ác và làm các điều thiện.
Sau khi ước nguyện cuối cùng của mình được chấp thuận, vua Sutasoma đã bắt Porisadā phải cam kết giữ ngũ giới, thả tất cả những vị vua bị bắt ra, và sắp đặt cho sự hồi quy cố quốc của các vị. Trước hết, vua thúc giục Porisadā phải trở lại vương quốc của mình. Nhưng Porisadā không muốn quay trở lại. Y nói rằng không ăn thịt người y sẽ không còn sống được nữa. Vì thế, y thà ở trong rừng ăn trái cây, và rễ cây để sống còn hơn. Tuy nhiên cuối cùng Sutasoma cũng thuyết phục được y và y đồng ý bỏ khu rừng để đi theo đức vua. Theo chú giải Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna), nơi sự chuyển hoá của Porisadā xảy ra cũng chính là nơi bài kinh này được thuyết. Delhi được nói từng là địa điểm cũ của đô thị Indapatta thuộc xứ Kuru, và vì thế có lẽ Porisadā đã được chuyển hoá tại một nơi nào đó trong thị tứ Delhi này.
Từ đô thị Indapatta, vua Sutasoma đã đi đến Benares cùng với Porisāda và những bậc hiền trí, quần thần, quân đội của mình. Vị thống tướng chỉ huy quân đội từng trục xuất Porisadā đã từ chối tiếp đón y, vì thế vua Sutasoma phải cố gắng hết sức thuyết phục vị tướng này để Porisadā, kẻ ăn thịt người, được phục hồi vương vị trước đây. Và sau khi đã giải quyết xong mọi công việc, vua trở về xứ sở của mình.
Trong thời Đức Phật của chúng ta, Porisāda là Trưởng-lão Angulimāla (một thời nổi tiếng là tướng cướp Vô-não), vị thống tướng quân đội là Trưởng-lão Xá-lợi-phất, người Bà-la-môn là Trưởng-lão Ca-diếp và Sutasoma chính là Đức Phật. Tất cả mọi người trong họ đều đã đắc Bát-Niết-Bàn (parinibbāna).