Phương Pháp Thiền

Phương pháp thiền của Đức Phật được đưa ra trong một vài lời ngắn gọn: “So sabbaṁ dhammaṁ abhijānāti…Người hành thiền phải biết tất cả pháp một cách sáng suốt và chánh niệm.”

Ở đây tất cả pháp có nghĩa là tất cả mọi hiện tượng có liên quan trong việc nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, co duỗi, chuyển động, suy nghĩ,… Người hành thiền phải ghi nhận chúng để biết rõ chúng như chúng thực sự là: Abhijhānāti có nghĩa là gắn sự chú tâm của mình trên đối tượng một cách sáng suốt, phải có chánh niệm về nó; và người hành thiền phải biết tất cả pháp. Sự hay biết của vị ấy không nên để bị giới hạn vào một pháp duy nhất. Vị ấy phải nhận thức rõ mọi sự kiện xảy ra khi vị ấy thấy hay nghe hay xúc chạm hoặc biết.

Tuy nhiên, lúc ban đầu vị ấy không thể chú tâm được hết tất cả mọi sự kiện. Vì thế vị ấy nên bắt đầu với việc quan sát chỉ một hoặc hai sự kiện rõ ràng nhất mà thôi. Trong khi ngồi, vị ấy phải gắn tâm trên “ngồi”, “ngồi” hoặc vị ấy có thể tập trung trên lỗ mũi vốn là điểm tiếp xúc với hơi thở vô và hơi thở ra và ghi nhận “vô,” “vô,” và “ra,” “ra,”. Hoặc vị ấy cũng có thể ghi nhận sự sanh và diệt với tâm gắn trên trạng thái căng lên và chuyển động ở bụng. Nếu trong khi đang theo dõi như vậy, những suy nghĩ khởi lên, vị ấy phải ghi nhận sự xuất hiện của chúng và trở lại với hiện tượng ban đầu mà vị ấy đang theo dõi. Nếu sự tê cứng, đau, nóng hay bất cứ cảm thọ nào khác khởi lên, vị ấy phải ghi nhân, “cứng,” “cứng,” “đau,” “đau,” “nóng,” “nóng,” v.v… và rồi trở lại với sự quan sát ban đầu. Nếu có sự co, duỗi, hay bất cứ chuyển động nào khác, nó cũng phải được ghi nhận. Khi người hành thiền đứng dậy, vị ấy phải làm công việc đứng ấy một cách chánh niệm. Khi hành gia đi, vị ấy phải có sự hay biết về mỗi bước mà vị ấy bước; nếu có thể, vị ấy phải làm một sự ghi nhận về từng hoạt động của sự thấy hay nghe.

Nhờ có chánh niệm như vậy, vị ấy phát triển được sức mạnh của định và đi đến chỗ nhận ra một cách độc lập rằng không có một ngã thể sống, không có gì ngoài tâm đang hay biết và sắc được (tâm) biết. Đây là danh sắc phân tích trí (nāmarūpaparicchedañāṇa) giúp hành giả phân biệt được giữa danh và sắc và nó là căn bản cho chánh kiến trong thiền.

Kiến này đối nghịch với ngã kiến và thân kiến (sakkāyadiṭṭhi). Tuy nhiên điều quan trọng là phải nắm bắt được chánh kiến này một cách đúng đắn. Một số người nghĩ rằng nếu họ đơn thuần nhận ra rằng chỉ có danh và sắc, sắc bao gồm tứ đại cộng với hai mươi bốn sắc y đại sanh (upādārūpa) và danh bao gồm tám mươi mốt loại tâm hiệp thế và năm mươi hai tâm sở, là họ đã có chánh kiến. Điều này không hợp với lời dạy của Đức Phật rằng mọi hiện tượng (tất cả pháp) phải được hay biết. Loại suy nghĩ như vậy tự nó cũng không bảo đảm được sự diệt trừ của ngã kiến vốn phát sanh vào sát na thấy, nghe, v.v… Nhưng đối với vị hành giả quan sát liên tục những gì đang thực sự xảy ra ở cơ cấu tâm-vật lý sẽ, vào sát na ghi nhận sự phồng lên của bụng, vị ấy nhận ra rằng chỉ có sắc đang sanh và tâm đang hay biết; và vào sát na ghi nhận sự xẹp xuống của bụng, vị ấy biết rằng chỉ có sắc đang xẹp và tâm đang hay biết. Vào sát na co hay duỗi, vị ấy biết rằng chỉ có sắc co hay duỗi và tâm ghi nhận về sự kiện đó.

Chúng ta cũng có thể nói như vậy đối với trí phân biệt danh sắc trong lúc đi, trong lúc thấy, nghe, v.v… Như vậy mỗi sát na chánh niệm có nghĩa là một sự loại trừ ngã kiến và thân kiến. Đó là cách Đức Phật chỉ trong kinh Đoạn Giảm để xua ta các tà kiến.

“Những người không hành thiền có thể tin rằng có ngã thể. Nhưng chúng ta, những người đã quen thuộc với phương pháp nội quan trong Kinh Tứ Niệm Xứ, và nhờ quan sát các hiện tượng tâm vật lý hay danh pháp và sắc pháp ngay sát na xuất hiện của chúng, sẽ giữ vững chánh kiến rằng không có ngã thể nào cả chỉ có danh và sắc đang sanh và diệt mà thôi. Chúng ta sẽ thực hành pháp để đoạn giảm những phiền não như vậy.”

Sự giải thích của chúng tôi về lời dạy của Đức Phật trong bài kinh này có vẻ hơi cải tiến và thâm thuý. Khi chúng tôi nói những người không hành thiền thì phải hiểu rằng chúng tôi đang gồm những người này trong nhóm những người “khác”. Nhưng chúng tôi cũng cho rằng những người am hiểu giáo lý là những người không chấp chặt vào ngã kiến sẽ được loại trừ ra trong trường hợp này. Tà kiến sẽ có một thành trì kiên cố đối với những người không hành thiền và có ít kiến thức (về giáo lý). Theo sự giải thích của chúng tôi những người như vậy sẽ phải được gán cho cái nhãn là những người dị giáo. Tuy nhiên tà kiến xu hướng về tự ngã sẽ không nghiêm trọng như tà kiến xu hướng về ác hạnh. Vì một mình ngã kiến sẽ không đưa đến các cõi thấp. Người tin nó vẫn có thể tái sanh vào các cõi trời nhờ sự bố thí và giữ giới của anh ta. Hoặc anh ta cũng có thể đắc các bậc thiền và tái sanh phạm thiên giới, thậm chí cả cõi phạm thiên cao nhất, đó là phi tưởng phi phi tưởng xứ.

Như vậy, ngã kiến không phải là một chướng ngại vật đối với các cõi trời. Nhưng một người bị thống trị bởi tà kiến sẽ thiếu niềm tin nơi giáo lý của Đức Phật và do đó nó có thể cản trở tiến bộ tinh thần của họ. Ngã kiến cực đoan thường chỉ có nơi những người không phải Phật tử chứ hiếm thấy nơi người theo đạo Phật. Vì thế một người theo Phật vẫn có thể chấp giữ ngã kiến do không hiểu biết hoặc chưa có niềm tin nơi Pháp (Dhamma) và hành thiền. Tuy nhiên, nếu người ấy nỗ lực hành thiền với toàn tâm toàn ý, họ vẫn có thể đạt đến các thánh đạo và thánh quả. Như vậy trong khi còn đang sống trong một thế gian gắn bó với ngã kiến như thế này, chúng ta nên hành thiền và giữ vững chánh kiến dựa trên minh sát trí.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app