Phủ Nhận Nghiệp Và Quả Của Nghiệp
Mười tà kiến mà chúng tôi vừa đề cập có thể được rút lại còn một tà kiến là bác bỏ nghiệp và quả của nghiệp. Đối với sự phủ nhận về (1) lợi ích của bố thí, (2) lợi ích của sự bố thí hào phóng, (3) lợi ích của sự nuôi ăn, và (4) quả thiện hay quả ác của hành động thiện và bất thiện có nghĩa là sự bác bỏ nghiệp và quả của nghiệp, (5) không có mẹ, và (6) không có cha có nghĩa là sự bác bỏ quả của việc tôn kính cha mẹ và quả của việc bất hiếu đối với họ và vì vậy nó cũng bác bỏ quy luật nhân quả hay quy luật của nghiệp. Sự phủ nhận về (7) đời này, (8) đời khác, và (9) các chúng sanh hoá sanh cũng là sự bác bỏ về nghiệp dẫn đến sự hiện hữu mới hay dẫn đến các cõi giới khác, sự bác bỏ về quy luật của nghiệp, (10) Tà kiến cuối cùng phủ nhận sự hiện hữu của Đức Phật và các bậc Thánh A-la-hán có nghĩa là sự bác bỏ về khả năng đắc Phật Quả và A-la-hán Thánh quả và như vậy nó cũng là sự bác bỏ quy luật nhân quả. Vì thế, mười loại tà kiến trên tựu chung lại chỉ là sự bác bỏ nghiệp và quả của nghiệp.
Chữ Nghiệp (kamma) là một từ Pāḷi có nghĩa là hành động. Thân hành (động), khẩu hành và ý hành là điều tự bản thân mỗi người đã rõ. Thân hành, khẩu hành và ý hành là những hành động mà chúng ta gọi là nghiệp chứ không phải là quả. Nhưng rõ ràng là hành động thiện sẽ đem lại (quả) lợi ích trong khi một hành động xấu sẽ dẫn đến một quả xấu. Người mong cầu hạnh phúc tập trung vào làm điều thiện mỗi ngày. Họ làm việc vì sự thịnh vượng và hạnh phúc của họ. Họ cho con cái đi học, hy vọng rằng sự giáo dục sẽ bảo đảm cho chúng có được những công việc tốt và sự thịnh vượng trong tương lai. Đứa trẻ sống một đời sống thiện và học được những bài học của nó sẽ có được nhiều lợi ích. Nhờ sự giáo dục tốt, những hành động của nó sẽ tốt, công việc làm ăn sẽ tốt và có được của cải vật chất. Đó là những kết quả của hành động tốt hay thiện nghiệp.
Trái lại, những hành động ác sẽ có những hậu quả ác. Người làm điều ác chắc chắn sẽ bị khiển trách; nếu họ phạm vào tội ác họ sẽ bị kết án. Những kết quả của hành động thiện và ác đều được thọ lãnh trong kiếp hiện tại. Cũng có những quả thiện và ác của hành động chúng ta làm được chuyển sang những kiếp sau. Nếu suy nghĩ một cách hợp lý, chúng ta sẽ không còn phải hoài nghi về những quả nghiệp này.
Mọi người ai cũng muốn được giàu sang và hạnh phúc nhưng không ai hoàn thành được ước muốn của họ. Hầu hết mọi người đều nghèo. Con người sanh ra giống như nhau nhưng có số lại chết lúc đầu đời trong khi có số sống lâu đến trăm tuổi. Có số luôn đau ốm bệnh hoạn trong khi có số tương đối ít bệnh. Có xấu đẹp người trong khi có số xấu sắc. Có số nhiều kẻ thù nhưng có số được nhiều người yêu mến. Có số gặp được thành công và may mắn trong khi có số thất bại và phải chịu thất thoát tài sản. Có số thông minh và có số đần độn. Tại sao con người lại khác nhau trên quá nhiều phương diện như vậy? Sự khác nhau giữa các cặp sinh đôi, cả nam lẫn nữ, chắc chắn không phải do cha mẹ của chúng tạo ra. Những người nông dân làm việc trên cùng một thửa đất có thể sản lượng vụ mùa sẽ rất khác nhau bất chấp sự bình đẳng về đất, nước và lao động. Không thế có nguyên nhân cho những bất bình đẳng của họ ngoài nghiệp đã làm trong những kiếp trước của họ.