Phong Đại (Vāyo)

Thân phong đại (vāyo-kāya) hay yếu tố cứng và chuyển động cũng là một đề mục của sự quán. Yếu tố chuyển động có sáu loại, đó là: (1) chuyển động lên, (2) chuyển động xuống, (3) chuyển động trong ruột, (4) chuyển động trong bụng, (5) sự chuyển động khiến cho có sự đi, đứng, ngồi, nằm, co, duỗi, cầm nắm,…, (6) sự chuyển động được tạo ra bởi hơi thở vô và ra. Người hành thiền có thể quán bất kỳ loại nào trong sáu loại chuyển động này. Quan sát sự hoạt động của thân (“đi”, “ngồi”, “nằm”,…) hợp với lời dạy của Đức Phật trong Kinh Đại Niệm Xứ là quan sát loại thứ năm gọi là quan sát chất gió lưu chuyển khắp tứ chi (angamanganusari). Thực hành hơi thở vô-ra có nghĩa là quán phong đại thuộc loại thứ sáu gọi là assasapassasa (sự chuyển động được tạo ra bởi hơi thở vô và ra). Quan sát sự phồng lên và xẹp xuống của bụng là quan sát yếu tố gió chuyển động do sức ép của hơi thở vô.

Nhờ quan sát như vậy người hành thiền biết được sức ép của hơi thở vô. Vì thế có thể nói rằng vị ấy cũng đang quan sát hơi thở vô và hơi thở ra. Một số thiền sinh nghĩ rằng họ chỉ nên tập trung trên lỗ mũi thôi. Điều này là đúng nếu mục đích (của họ) là để chứng thiền hay đắc định. Jhāna (thiền) hay samādhi (định) chỉ được phát triển nếu tâm tập trung trên một đối tượng duy nhất, ở một chỗ duy nhất. Nếu chú ý đến nhiều đối tượng ở nhiều nơi khác nhau chắc chắn sẽ cản trở sự phát triển của định. Tuy nhiên điều này không áp dụng cho thiền minh sát, một loại thiền vốn không đòi hỏi người hành phải giới hạn sự chú tâm của họ vào một chỗ duy nhất hay một đối tượng duy nhất như vậy.

Mọi hiện tượng sanh khởi từ sáu căn đều là đối tượng của chánh niệm. Đức Phật dạy, “Sabbaṁ abhiññeyaṁ. Sabbaṁ dhammaṁ abhijānāti” (Tất cả phải được tuệ tri. Tất cả pháp phải được biết rõ”), điều này có nghĩa là người hành thiền phải chánh niệm về mọi hiện tượng (pháp). Vì thế trong việc thực hành minh sát không có bất kỳ sự giới hạn nào về các phần của thân phải được quan sát hay không được quan sát. Nếu như sự chuyển động lên, chuyển động xuống, chuyển động trong bụng, chuyển động trong ruột và những chuyển động khác ở bất cứ chỗ nào đều là những đối tượng xứng đáng để quán như thế nào, thì sự chuyển động của hơi thở bất kể ở phần nào trên thân cũng đáng được quán như vậy. Nói cách khác, sự phồng và xẹp biểu lộ tính chất căng cứng và chuyển động ở bụng và quan sát chúng tức là quan sát sự chuyển động của bụng vậy.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app