Những Vần Kệ Giá Trị
Sau khi trở lại cung điện, mọi sắp đặt cho việc nghe pháp của Bà-la-môn Nanda được nhanh chóng thực hiện. Bốn câu kệ tạo thành chủ đề của bài pháp này rất đáng lưu ý. Vì nguyên thuỷ, bốn câu kệ này được thuyết bởi Đức Phật Ca-Diếp (Kassapa). Chọn chỗ ngồi thấp hơn chỗ của Bà-la-môn, Đức Vua Sutasoma lắng nghe Pháp.
Vần kệ đầu là: “Hỡi Đức Vua! Thân cận với bậc trí dù chỉ một lần cũng có lợi ích. Gần gũi kẻ ngu, dù một lần, cũng không lợi ích chi cả.”
Người có trí biết tránh làm những gì không đem lại lợi ích cho mình và cho người khác. Người ấy suy nghĩ, nói năng và hành động chỉ vì sự tốt đẹp của bản thân và vì sự tốt đẹp của người khác. Người ấy thúc đẩy sự an vui và hạnh phúc của những người thân cận chỉ trong một thời gian ngắn. Còn người ngu suy nghĩ, nói năng và hành động ngược lại với lợi ích của bản thân và của người khác, thậm chí khi bạn tiếp xúc với người ấy nhiều lần bạn sẽ gặp tai hoạ.
Vần kệ thứ hai nói: “Bạn chỉ nên thân cận với người trí. Bạn nên xin lời khuyên của họ.”
Chúng ta nên sống gần người trí. Nếu chúng ta sống với họ, chúng ta sẽ trở nên quen với lối sống của họ và có khuynh hướng thi đua với hạnh kiểm tốt của họ. Tất nhiên chúng ta phải tìm một điều gì đó có giá trị hơn nơi họ thay vì chỉ thân cận. Chúng ta phải kính trọng họ như thầy của chúng ta và làm theo lời khuyên bảo của họ.
Vần kệ mà Vua Sutasoma học được từ Bà-la-môn Nanda khởi thuỷ do Đức Phật Kassapa dạy. Sở dĩ vị Bà-la-môn có được bài kệ này là vì nó đã được các bậc thầy ngoài Phật giáo thuyết giảng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ngày nay, có một số bài kệ của Đức Phật được cho là những lời dạy nguyên thuỷ của Đạo Bà-la-môn mặc dù chúng đã được các vị Bà-la-môn cổ xưa sát nhập vào kinh điển của họ từ lời dạy của Đức Phật. Những bài kệ này sẽ tồn tại như một phần trong thánh thư của họ ngay cả sau khi Đạo Phật diệt vong.