Những Trói Buộc Của Khổ
Trong Kinh Đoạn Giảm Đức Phật mô tả ghen tị (issā, 嫉 – tật) và bỏn xẻn (macchariya) như hai ác pháp gây ra khổ đau và thất vọng giữa các chúng sanh. Đế Thích, vua của các hàng chư thiên có lần đã hỏi Đức Phật tại sao con người, chư thiên và con vật trong cõi dục giới này phải chịu nhiều khổ đau mặc dù họ muốn sống an vui và hạnh phúc. Chắc chắn mọi chúng sanh đều đồng ý với nhau trong ước muốn được sống hạnh phúc của họ, tuy vậy họ lại sẵn sàng chiến đấu và gây ra bất hạnh và khổ đau cho nhau. Theo câu trả lời của Đức Phật thì toàn thế gian này bị nhấn chìm trong xung đột và khổ đau là do ghen tị và bỏn xẻn. Nếu chúng ta có thể nhổ bật gốc hai ác pháp này, thế gian sẽ là một nơi rất tươi đẹp cũng giống như trong một gia đình ở đây cha mẹ và con cái sống hạnh phúc trong một bầu không khí đầy thiện chí và hoà hợp vậy. Vì thế sau khi đã suy xét đúng đắn chúng ta không nên nuôi dưỡng hai ác pháp này, hãy loại bỏ chúng bằng chánh niệm, ngăn không cho chúng có một lối thoát bằng cách quan sát mọi hiện tượng tâm-vật lý sanh khởi từ các căn và bứng gốc chúng bằng sự giác ngộ của một bậc Thánh.
Theo các bản chú giải, ghen tị và bỏn xẻn được đoạn trừ ở giai đoạn đầu của thánh đạo (nhập lưu thánh đạo). Vì thế trong những bài giảng của tôi, tôi thường mô tả thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ (sīlabbataparāmāsa, chấp vào những tín điều và nghi lễ) ghen tị và bỏn xẻn như năm liết sử mà người hành thiền loại bỏ ở giai đoạn nhập lưu, mặc dù kinh tạng chỉ đề cập ba: thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Tăng Chi Bộ Kinh đề cập đến bốn cặp ác pháp có hại cho người hành thiền đang trong giai đoạn tu tập (sekkhā, 有学 bậc hữu học). Bốn cặp này là: tức giận và hiểm độc; vô ơn và ganh đua; ghen tị và bỏn xẻn, giả dối và lừa đảo (sātheyya 諂曲 siểm khúc).
Chú giải giải thích rằng những ác pháp này ngăn chặn khả năng tiến lên các giai đoạn cao hơn của bảy bậc thánh hữu học (sekkhā, từ bậc nhập lưu đạo, đến bậc A-la-hán đạo). Còn đối với hàng phàm nhân (puthujjana) thì nếu họ còn bị những ác pháp này vây phủ họ sẽ không tiến bước trên con đường tâm linh được. Dựa vào thẩm quyền của kinh Pāḷi và chú giải chúng tôi có thể cho rằng bậc thánh nhập lưu, người thuộc một trong bảy bậc thánh hữu học, sẽ không thực hiện được một tiến bộ nào nếu vị ấy còn nuôi dưỡng ghen tị và bỏn xẻn. Nói cách khác, điều đó hàm ý rằng vị ấy vẫn chưa thoát khỏi ghen tị và bỏn xẻn.
Tuy nhiên khó mà rút ra một kết luận chắc chắn nào. Vì trong số bảy bậc thánh hữu học có bốn vị ở sát-na chứng thánh đạo. Ở sát na đó họ không thể có tức giận và hiểm độc, cũng như các cặp ác pháp khác; điều đó cho thấy khó mà xem thường khả năng chứng đắc cao hơn của các vị được. Đặc biệt những vị đã đạt đến giai đoạn A-la-hán thì không bao giờ có thể quay trở lại giai đoạn thấp hơn. Hơn nữa, ghen tị, giả dối, lừa đảo,…là những pháp thấp hèn đến nỗi không thể có chỗ cho chúng trong tâm của các bậc Thánh cao quý và thanh tịnh. Vì thế các bản chú giải đã mô tả chúng như những ác pháp bị loại trừ ở giai đoạn đầu tiên trên thánh đạo. Từ đó chúng tôi có thể cho rằng một vị thánh nhập lưu sẽ không còn sáu ác pháp này và nếu chúng ta chưa thoát được chúng, chúng ta nên thực hành chánh niệm cho đến khi đạt đến sự giải thoát. Bây giờ chúng tôi sẽ nói đến các phiền não còn lại khác.