Những Quan Niệm Sai Lầm Thời Nay

Ngày nay có rất nhiều những nhận thức sai lầm về pháp. Có lần một người phụ nữ nọ nói rằng sách của tôi (tức ngài Mahāsi) có một lỗi. Trong cuốn sách ấy tôi cố làm sáng tỏ một điều rằng với sự phát triển của tuệ sanh diệt (udayabbayañāṇa) hỷ duyệt (pītipāmojja) sẽ phát sanh, rằng mặc dù hỷ duyệt này không phải là Niết Bàn bất tử, song đối với vị hành giả đắc tuệ sanh diệt thì nó thực sự là Niết Bàn vì những hành giả này chắc chắn sẽ chứng đắc Niết Bàn nếu họ tiếp tục thực hành thiền minh sát. Lời tuyên bố của tôi hoàn toàn phù hợp với Dhammapada (Pháp Cú Kinh) và sự giải thích của chú giải về bài kệ nói rằng: “Amataṁ taṁ vijānataṁ” – Hỷ duyệt là Niết Bàn Bất Tử của người hành thiền đã đạt đến trí tuệ thấy được sự sanh và diệt của danh và sắc.” Tuy thế, tôi vẫn bị người ta buộc tội là đã xem hỷ duyệt đồng nghĩa với Niết Bàn. Sau này khi vị thiền sư thầy của cô ta chỉ ra cho thấy bài viết của tôi phù hợp Kinh Tạng Pāḷi và các bản chú giải như thế nào cô ta đã thừa nhận lỗi lầm của mình. May thay cô không có thái độ cố chấp giống như Sāti và Ariṭṭha.

Một người phụ nữ khác đã chỉ trích phương pháp thiền tôi giới thiệu ở một trong những cuốn sách của tôi mà cô thấy là không thể chấp nhận được. Cô cho rằng “định (samādhi) chỉ khả dĩ nếu sự chú tâm được tập trung vào một đối tượng duy nhất,” rằng “việc chú tâm ghi nhận bất cứ điều gì người ta thấy, nghe,…có nghĩa là (tâm) trạo cử (uddhacca)”. Vì thế cô đã đặt câu hỏi là nếu một hành giả sau khi xuất thiền (định) rồi sử dụng chánh niệm để ghi nhận mọi hiện tượng phát sanh từ các giác quan thì điều đó chẳng phải đã làm suy yếu định hay sao. Thực sự lời tuyên bố của tôi hoàn toàn dựa trên những diễn giải của bài Kinh Song Tầm (Dvedhāvitakka sutta) được ghi chép trong chú giải Trung Bộ Kinh. Tuy nhiên vì cuốn sách của tôi chỉ là một khảo luận ngắn về những pháp môn thiền, nên tôi đã không tiện dẫn chứng kinh điển Pāḷi trong đó.

Có hai loại định, đó là, định của thiền chỉ (samātha samādhi)và định của thiền minh sát (vipassanā samādhi). Trong hai loại ấy, định của thiền chỉ đòi hỏi tâm phải giới hạn vào một đối tượng duy nhất. Nếu pháp hành thiền định này liên quan quan đến bài tập Kasiṇa, người hành thiền phải tập trung tâm trên một đối tượng duy nhất, chẳng hạn, trên biến xứ đất (vòng tròn làm bằng đất sét) để phát triển cận định (upacāra samādhi) hay an chỉ định (appanā samādhi). Nếu quán bất tịnh thì tâm cũng phải được tập trung trên một đối tượng duy nhất, như một xác chết chẳng hạn. Khi ba mươi hai thể trược là đối tượng của sự tập trung, lúc ban đầu người hành thiền phải tập trung trên cả ba mươi hai thân phần. Chỉ ở giai đoạn sau vị ấy mới tập trung trên những thân phần nổi bật và bỏ qua những phần không rõ. Cuối cùng, vị ấy giới hạn sự chú tâm của mình vào một thân phần duy nhất để đạt đến hai loại định (cận định và an chỉ định). Vì thế chắc chắn một điều rằng người ta có thể tu tập định của thiền chỉ chỉ bằng cách chú tâm đến một đối tượng duy nhất.

Nhưng đối với định của minh sát thì không thể nói như thế. Có thể có trường hợp một số hành giả với trí tuệ nhạy bén vẫn đạt đến đạo quả sau một lúc chánh niệm về một đối tượng duy nhất. Nhưng có lẽ những hành giả như vậy rất hiếm. Vì trong thiền minh sát quý vị phải quán ít nhất hai hiện tượng, đó là danh và sắc. Như Đức Phật nói: “Sabbaṁ abhiññeyyaṁ”, nghĩa là người hành thiền phải quan sát tất cả mọi hiện tượng đang sanh khởi từ các cửa giác quan. Vì thế, một chỉ thừa hành giả có thể nhập vào một bậc thiền nào đó mà mình đã chứng, sau khi xuất thiền vị ấy quan sát trạng thái thiền ấy, rồi lại nhập vào thiền và xuất như trước để quan sát trạng thái thiền ấy. Nhờ thực hành thiền định và thiền minh sát luân phiên như vậy vị ấy có thể đạt đến Đạo Quả.

Hoặc vị ấy có thể nhập thiền, xuất thiền và quan sát các hiện tượng sanh khởi từ sáu căn. Khi thân và tâm mệt mỏi vị ấy sẽ nhập thiền trở lại. Khi xuất khỏi thiền, vị ấy quan sát mọi thứ đang sanh khởi. Lập đi lập lại tiến trình này nhiều lần, đó là, nhập thiền, xuất thiền, rồi thực hành chánh niệm trên các hiện tượng đang sanh khởi, vị ấy phát triển trí tuệ minh sát và đạt đến Đạo Quả. Cách quán này được mô tả trong chú giải Kinh Song Tầm như sau:

“Như vậy Đức Phật đã mô tả tiến trình hành minh sát có thiền định làm duyên khi còn là Bồ Tát. Cả thiền định và thiền minh sát của vị ấy có thể ở trong tình trạng phôi thai. Thực hành minh sát, vị ấy phải ngồi lâu và cảm thấy mệt. Có khi vị ấy cảm thấy nóng trong thân, đổ mồ hôi và trán vị ấy dường như toát ra chất hơi và khí. Tâm vị ấy cũng mệt mỏi. Người hành thiền lúc đó nên nhập vào thiền trở lại và sau khi đã làm dịu cơn mệt mỏi của thân và tâm, vị ấy cảm thấy thoải mái và tiếp tục thực hành minh sát. Sau một lúc nếu mệt nữa, vị ấy sẽ lập lại như trước. Như vậy an trú trong thiền có lợi ích rất lớn đối với việc thực hành minh sát.”

Đây là cách quán các hiện tượng đáng quán, sau khi xuất khỏi thiền. Nếu thực hành thiền minh sát bạn nên bắt đầu với những sắc rõ, đặc biệt là với sắc tứ đại. Rồi bạn phải quán bản chất của thọ và tâm. Từ những gì Đức Phật dạy trong Ưng Bộ Kinh (“Người hành thiền tuệ tri con mắt là vô thường, cảnh sắc là vô thường, và cái thấy là vô thường,…”) điều này có nghĩa là vào lúc thấy, nghe,… người hành thiền phải chú ý đến các hiện tượng khác nhau chứ không chỉ một. Hơn nữa, Thanh Tịnh Đạo và các bản chú giải khác còn cho chúng ta biết người hành thiền đạt đến đạo quả bằng cách quán không phải (tâm) thiền mà các hiện tượng rõ ràng vào lúc ấy như thế nào. Trong cuốn sách của tôi tôi đã mô tả việc thực hành minh sát sau thiền theo các bản chú giải Pāḷi. Chắc chắn nếu một người có chút kiến thức về kinh điển Pāḷi và nắm bắt được một chút gì đó về thiền minh sát sẽ không có gì khó hiểu.

Định phát sanh trong lúc một người quán các hiện tượng khác nhau này được gọi là sát-na định (khanika samādhi), loại định chỉ kéo dài thoáng chốc trong khi quán. Không có tuệ minh sát nào là khả dĩ nếu không có định này. Người hành thiền không có kinh nghiệm thiền định căn bản và chỉ dựa vào một mình minh sát quán sẽ phát triển trí tuệ minh sát qua sát na định và đạt đến Thánh Đạo. Định của minh sát này không giới hạn vào một đối tượng duy nhất. Người hành thiền đang hành minh sát phải quán tất cả danh sắc phát sanh. Tất nhiên vào sát na quan sát, tâm vị ấy được gắn chặt trên đối tượng và không bị phân tán. Điều này rất rõ ràng đối với người hành thiền một cách hiệu quả.

Có lẽ người viết bài chỉ trích cuốn sách của tôi đã không hiểu về sát na định minh sát (vipassanā khanika samādhi) một cách thấu đáo qua sách vở hay kinh nghiệm tự thân. Nếu người ấy vẫn chấp chặt vào quan điểm của mình, tôi nghĩ chính thái độ cố chấp này sẽ ngăn cản nỗ lực tinh thần của người ấy.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app