Những Phiền Não Tiềm Tàng

Trong câu trả lời của ngài cho Trưởng lão Cunda, Đức Phật nói rằng những quan niệm không đúng về tự ngã “phát sanh, nằm ngầm và thường xuyên xuất hiện”. Chúng phát sanh do quan niệm sai lầm về các uẩn vào lúc thấy, v.v…Chúng phát sanh không chỉ một lần, hai lần, mà lập đi lập lại liên tục. Chúng ngủ ngầm theo nghĩa rằng cho dù chúng có thể không phát sanh vào lúc thấy,… do như lý tác ý (yoniso manasikāra), v.v.. chúng vẫn luôn sẵn sàng sanh dưới một vài điều kiện nào đó. Năm uẩn thể hiện vào lúc thấy,…để lại một ấn tượng rõ ràng trong chúng ta và những suy nghĩ trên những ấn tượng này có thể làm phát sanh tham, sân, vô minh, mạn,và v.v… Tất nhiên chúng ta cũng có thể thắng phục được tà kiến vốn đồng nhất kinh nghiệm của chúng ta với tự ngã (“chính Tôi thấy,” v.v..) này bằng sự tu tập. Như vậy, tiềm lực cho ngã kiến nằm trong ký ức rõ ràng của chúng ta về các đối tượng giác quan.

Ngăn Chặn Phiền Não Ngủ Ngầm Nhờ Quán

Để ngăn chặn những phiền não ngủ ngầm này chúng ta phải quán sự sanh diệt của các uẩn cũng như bản chất vô thường, khổ, và vô ngã của chúng. Chúng ta phải cố gắng để thấy chúng đúng như chúng thực sự là. Chúng ta phải ghi nhận, “thấy, thấy” mỗi lúc thấy và, theo cách tưng tự, chúng ta phải chánh niệm ghi nhận các cảm thọ khác xuất phát từ sự nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Đối với thân xúc, những đối tượng của sự nội quan (xoay vào bên trong để xem xét nội tâm) có rất nhiều. Vì cảm thọ này liên quan đến lúc đi, đứng, nằm, co duỗi… Những cảm giác nóng, đau, ngứa hay mệt mỏi cũng thế, đều xuất phát từ thân xúc. Cũng có rất nhiều đối tượng của sự quán vào lúc chúng ta ý thức về những sự kiện tâm lý (“ý định”, “biết”, “suy nghĩ”, v.v…). Lạc, hỷ, ưu, nóng giận, tham ái và những cảm xúc khác cũng có thể là những đối tượng của sự nội quan.

Tất nhiên người mới bắt đầu hành thiền không thể tự nội quan từng sự kiện tâm lý hay vật lý này được; họ cũng không thể phát triển sức mạnh của định bằng cách nội quan như vậy được. Vì thế, thay vì nội quan họ nên bắt đầu với việc quan sát một vài hoạt động của thân như ngồi hoặc chạm. Hoặc, người ấy có thể hành niệm hơi thở vô-ra và quan sát chót mũi, ghi nhận từng hơi thở vô và ra. Nhưng cách tốt nhất chúng tôi khuyên là theo dõi sự chuyển động của bụng, đó là theo dõi sự phồng lên và xẹp xuống của bụng. Tuy nhiên chánh niệm của hành giả không chỉ giới hạn sự chuyển động của bụng thôi. Trong khi theo dõi sự phồng và xẹp của bụng, hành giả cũng phải ghi nhận những cảm giác đau, nhức, co, duỗi,…nữa. Tóm lại, hành giả phải theo dõi mọi hoạt động của tâm và thân. Bắt đầu với sự chuyển động của bụng nhưng khi bạn đã quen với việc chánh niệm, bạn nên mở rộng nó đến tất cả mọi hiện tượng tâm-vật lý khác.

Khi bạn gia tăng thực hành chánh niệm, bạn sẽ hay biết được rằng chỉ có các hiện tượng như thấy, nghe mà không có bất kỳ dấu hiệu nào của sự thường, lạc hay tự ngã. Lúc đầu, bạn sẽ thấy sắc như đối tượng bị biết và tâm hay danh như chủ thể biết nhưng với sự phát triển của định, bạn sẽ chỉ thấy nhân và quả. Khi sức mạnh của định tăng cường thêm nữa nó sẽ dẫn bạn đến chỗ nhận ra sự sanh và diệt không ngừng của các hiện tượng trong từng sát-na.

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app