Những Kinh Nghiệm Phi Thường

Những câu chuyện vừa kể ở trên chỉ ra cho thấy những quan niệm sai lầm hiện hành ở Ấn Độ cổ xưa lúc mà Đaọ Phật còn đang hưng thịnh. Những vị Tỳ-kheo hành giả thuở ấy là những người đã tiến rất cao trên lĩnh vực tâm linh và có những năng lực thần thông. Sự ngộ nhận của các vị có thể là do năng lực phi thường của định này. Ngày nay, một số hành giả có những ảo tưởng như vậy thường không đạt được một tiến bộ tâm linh nào cả. Khi người hành thiền thực hành đúng và có được trí minh sát vào sự sanh và diệt của các danh pháp (hiện tượng tâm), họ bị tràn ngập bởi rất nhiều những kinh nghiệm phi thường như thấy ánh sáng, ngập tràn hỷ lạc, an tịnh, đức tin, v.v… Thanh Tịnh Đaọ (Visuddhimagga) nói người hành thiền chắc chắn sẽ có những kinh nghiệm này. Vì nếu việc hành thiền không đem lại những kinh nghiệm như vậy, câu hỏi sẽ phát sanh là không biết phương pháp họ đang tu có đúng hay không hay không biết có phải tại họ hành thiền thiếu tinh tấn hay không. Ngược lại, nếu người hành thiền có được những kinh nghiệm ấy họ có thể đánh giá quá cao về những chứng đắc của mình.

Hiện Tại Lạc Trú

Sơ thiền không phải là sự thực hành của pháp đoạn giảm (sallekhadhamma) vốn giúp người hành thiền nhổ bật gốc những phiền não. Trong Kinh Sallekha (Kinh Đoạn Giảm), Đức Phật gọi việc thực hành sơ thiền là hiện tại lạc trú (diṭṭhadhammasukhavihāra), nghĩa là sống an lạc ngay trong hiện tại.

Khi người hành thiền bị cuốn hút trong Thiền (nhập thiền), tâm vị ấy gắn chặt trên một đối tượng duy nhất. Với tâm thoát khỏi những sự phân tán bất thiện này, người hành thiền cảm giác một trạng thái rất an tịnh và bì nh yên. Trạng thái này có thể kéo dài hai hay ba giờ liên tục.

Đức Phật cũng chỉ rõ ảo tưởng và sự tự mãn này có thể phát sanh từ nhị thiền với ba đặc tính hỷ, lạc và nhất tâm, hoặc từ tam thiền với lạc và nhất tâm, hoặc từ tứ thiền với xả và nhất tâm như thế nào. Tất nhiên, nhị thiền, tam thiền, và tứ thiền còn tuyệt vời hơn cả trạng thái tâm sơ thiền trước đó nhưng chúng chỉ bảo đảm một sự hiện tại lạc trú (diṭṭhadhammasukhavihāra) và hoàn toàn không tương đương với việc thực hành đoạn giảm vốn được chỉ định để diệt trừ phiền não chút nào.

Thực hành đoạn giảm cũng không cùng ý nghĩa với không vô biên xứ thiền (ākāsānañcāyatana jhāna), thức vô biên xứ thiền (viññāṇañcāyatana jhāna), vô sở hữu xứ thiền (ākiñcaññāyatana) và phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền (nevasaññā-nāsaññāyatana jhāna). Những bậc thiền này không giúp người hành thiền chiến thắng được những phiền não. Chúng chỉ đem lại sự tịnh lạc và do đó được gọi là santavihāra (tịch tịnh trú).

 

 

Các bài viết trong sách

Trả lời

Từ điển
Youtube
Live Stream
Tải app